Mới đây, các chuyên gia cảnh báo về 1 dấu hiệu ở bàn chân có thể cảnh báo 1 căn bệnh ít người để ý tới - tật ngón chân cái vẹo ngoài.
Dấu hiệu của bệnh này là ngón chân cái phát triển sang một bên, dẫn tới tình trạng xương ngón chân cái bị ngả về phía ngón chân nhỏ hơn.
“Có tới 23% người trưởng thành trong độ tuổi 18-65 có chứng ngón chân cái vẹo”, đây là thông tin được TS.BS Lê Trọng Phát – Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình và Phẫu thuật Bàn tay, Bệnh viện FV - chia sẻ tại Hội thảo đào tạo y khoa liên tục (CME).
Theo đó, phụ nữ có tỷ lệ mắc cao hơn nam giới gấp 2-3 lần, một trong những nguyên nhân được xác định là do sử dụng giày cao gót thường xuyên.

Ngón chân cái vẹo (ảnh chụp trước và sau phẫu thuật).
Theo TS.BS Lê Trọng Phát, căn bệnh ngón chân cái vẹo ngoài hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều bệnh nhân tới khám khi đã có cơn đau viêm khớp ngón cái. Ít người tìm tới bác sĩ khi chân cái bất thường và chưa có triệu chứng đau.
Bệnh được phân loại theo 4 mức độ, ở mức nhẹ thường không có triệu chứng. Tuy nhiên các trường hợp nặng sẽ bị cấn (khó chịu) khi mang giày dép và gây ra những cơn đau do viêm khớp ngón chân cái.
Khi điều trị bệnh lý ngón chân cái vẹo ngoài, với các trường hợp nhẹ có thể thay đổi giày dép, dùng miếng đệm, miếng ngăn cách ngón chân hoặc nẹp chỉnh hình.
“Trường hợp nặng, người bệnh được chỉ định phẫu thuật. Mục tiêu của phẫu thuật là chỉnh trục xương và phần mềm (gân, cơ)", bác sĩ Phát cho biết.
Theo bác sĩ Phát, bàn chân có tới hơn 200 gân và dây chằng, cấu trúc phức tạp, do vậy nếu chữa sai, người bệnh có nguy cơ không đi lại được.
Việc điều trị các bệnh lý ở bàn chân đòi hỏi sự tỉ mỉ và kinh nghiệm của các chuyên gia. Trên thế giới có hơn 130 phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh này, trong đó 3 phương pháp phẫu thuật Chevron, Lapidus và Scarf được đánh giá có hiệu quả cao nhất. Phẫu thuật Lapidus và Scarf được chỉ định cho những trường hợp nặng.
Đặc biệt, phẫu thuật Scarf là một kỹ thuật khó nhưng đã chứng minh mang lại sự hài lòng lên đến 92% cho bệnh nhân.

TS.BS Lê Trọng Phát chia sẻ.
Để ngăn ngừa vẹo ngón chân cái, người dân cần lưu ý:
- Chọn giày có kích cỡ phù hợp với bàn;
- Tránh mang giày chật, bó sát các ngón chân;
- Sử dụng miếng dán chống ma sát khi mang giày cao gót;
- Chọn tất phù hợp giúp giảm ma sát và giữ cho chân bạn thoải mái trong quá trình vận động.
Chuyên gia khuyên khi bạn có bất kỳ triệu chứng hoặc vấn đề nào liên quan đến vẹo ngón chân cái, hãy đi khám sớm để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Ngoài tật vẹo ngón chân cái, một vấn đề khác liên quan tới bàn chân được các bác sĩ đề cập trong hội thảo đó là bàn chân bẹt ở trẻ nhỏ.
BS.CKII Trương Hoàng Vĩnh Khiêm, khoa Chấn thương Chỉnh hình và Phẫu thuật Bàn tay, Bệnh viện FV, cho hay thời gian qua, nhiều phụ huynh đưa con đi tầm soát và điều trị bàn chân bẹt từ rất sớm. Tuy vậy, việc điều trị quá sớm là không cần thiết.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng gần 94 -100% trẻ 2 tuổi có bàn chân bẹt nhưng ở độ tuổi lên 10, tỷ lệ này chỉ còn 4%. Điều đó cho thấy phần lớn trẻ em sẽ phát triển vòm bàn chân bình thường khi lớn lên.
Có 2 loại bàn chân bẹt là bàn chân bẹt cứng và bàn chân bẹt mềm dẻo (chiếm 91%). Qua các nghiên cứu trên thế giới, bác sĩ Khiêm cho rằng bàn chân bẹt không có triệu chứng thì không cần điều trị.
Việc điều trị cho trẻ bị bàn chân bẹt có triệu chứng nên thực hiện ở trẻ trong độ tuổi sau 8 tuổi tới 13 tuổi. Việc điều trị có thể bao gồm khuyến khích trẻ đi chân trần nhiều để các cấu trúc, các cơ, dây chằng được khỏe hơn; mang đế tạo độ lõm vòm bàn chân; trường hợp nặng (bé đau chân vào buổi tối, dáng đi không đẹp, dễ bị vấp ngã,…) có thể phẫu thuật.