10 năm mua bảo hiểm, khi bị tai nạn thiệt hại 700 triệu đồng, người đàn ông lại bị từ chối bồi thường: Công ty bảo hiểm tuyên bố "vi phạm hợp đồng"

Người đàn ông này mua xe và đóng bảo hiểm đều đặn từ năm 2013. Cho đến khi bị tai nạn ở thời điểm 2023, ông lại bị từ chối bồi thường.

Theo Sohu, tháng 6/2013, anh Lý (Trung Quốc) mua một ô tô 4 chỗ sau một thời gian dài tích góp tiền. Sau khi làm các thủ tục mua bán với showroom, anh tiến hành mua đầy đủ các loại bảo hiểm theo yêu cầu. 

Do muốn kiếm thêm thu nhập, vào tháng 7/2023, người đàn ông này đã đăng ký trở thành thành viên của 1 dịch vụ gọi xe trực tuyến. Anh cho biết ở thời điểm đầu chủ yếu sử dụng xe với mục cá nhân và không nhận được cuốc xe nào. Phải cho đến tháng 11 cùng năm, anh mới bắt đầu sử dụng xe của mình để chở khách đều đặn. 

Tuy nhiên, mới chạy xe được hơn 1 tháng, vào ngày 21/12, trên đường về nhà sau khi trả khách, anh Lý không may gặp tai nạn. May mắn vụ va chạm không gây thương tích. Song ô tô của người đàn ông này bị hư hỏng nghiêm trọng, vỡ và bung hết phần cản trước.  

10 năm mua bảo hiểm, khi bị tai nạn thiệt hại 700 triệu đồng, người đàn ông lại bị từ chối bồi thường: Công ty bảo hiểm tuyên bố "vi phạm hợp đồng"- Ảnh 1.

Sau khi vụ việc xảy ra, anh Lý đã đưa ô tô đến gara để sửa chữa. Chi phí ước tính là 210.000 NDT (hơn 730 triệu đồng). Do đã mua bảo hiểm xe nên số tiền này đối với chủ xe không phải là vấn đề lớn. 

Sau khi xong hết mọi chuyện, anh Lý làm các thủ tục liên quan gửi công ty bảo hiểm để được hỗ trợ bồi thường.

Ban đầu, công ty bảo hiểm xác định chiếc xe bị tổn thất toàn bộ và ước tính sẽ bồi thường đúng số tiền anh Lý bỏ ra để sửa chữa. Tuy nhiên, sau đó, công ty này sớm phát hiện khách hàng đã sử dụng chiếc xe này sai mục đích. 

Theo đó, ở thời điểm mua bảo hiểm, anh đăng ký chiếc ô tô này là phương tiện phi thương mại. Nhưng ở thời điểm xảy ra vụ tai nạn, người đàn ông này đã sử dụng phương tiện để chạy xe dịch vụ nhưng không thông báo thay đổi mục đích với đơn vị bảo hiểm. Vậy nên khi xe có tổn thất, công ty bảo hiểm có quyền từ chối bồi thường.  

Không chấp nhận lời giải thích trên, anh Lý cho rằng đơn vị bảo hiểm cố tình trốn tránh trách nhiệm đền bù cho khách hàng trong trường hợp này. Vì thế, anh quyết đưa vụ việc này ra toà án địa phương. Nguyên đơn cho biết ở thời điểm xảy ra vụ việc anh đã đón và trả khách xong. Lúc đó, xe chỉ có duy nhất anh là người điều khiển phương tiện. Vậy nên anh cho rằng chiếc xe đang được sử dụng với mục đích cá nhân chứ không phải thương mại.    

Tuy nhiên, sau khi xem xét toàn bộ vụ việc và lắng nghe lập luận của cả 2 bên, toà án ra phán quyết có lợi cho công ty bảo hiểm. Tòa nhận định việc anh Lý đăng ký phương tiện phi thương mại nhưng lại sử dụng với mục đích kiếm tiền làm tăng mức độ rủi ro của xe lên rất nhiều nên công ty bảo hiểm được miễn trách nhiệm và không có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này. 

10 năm mua bảo hiểm, khi bị tai nạn thiệt hại 700 triệu đồng, người đàn ông lại bị từ chối bồi thường: Công ty bảo hiểm tuyên bố "vi phạm hợp đồng"- Ảnh 2.

Thẩm phán xét xử vụ việc này cho biết theo điều 52 “Luật bảo hiểm” của Trung Quốc: Trong thời hạn có hiệu lực của hợp đồng, nếu mức độ nguy hiểm của đối tượng bảo hiểm tăng lên đáng kể thì người được bảo hiểm phải thông báo kịp thời cho công ty bảo hiểm theo quy định trong hợp đồng. Trong trường hợp này, đơn vị bảo hiểm có thể tăng phí bảo hiểm hoặc chấm dứt hợp đồng theo quy định trong hợp đồng.  

Tòa án cho rằng sử dụng phương tiện với mục đích thương mại sẽ làm tăng tần suất di chuyển, mở rộng phạm vi di chuyển, dẫn đến rủi ro tăng cao. Việc sử dụng phương tiện phi thương mại để làm dịch vụ còn khiến đơn vị bảo hiểm không thể xác định được người sử dụng có dùng đúng mục đích của xe hay không. Không loại trừ trường hợp, người điều khiển sử dụng xe để chở hàng hóa, làm thay đổi tính chất sử dụng của phương tiện, dễ dẫn đến tai nạn…

Sau khi nghe phán quyết này, anh Lý vô cùng suy sụp. Anh quyết định kháng cáo lên tòa án cấp cao nhưng vẫn không thay đổi được tình hình.

 (Theo Sohu)