Mới đây, một nhà báo người Anh chia sẻ có ba loại đồ uống tưởng tốt nhưng lại khiến đường huyết của cô tăng vọt.
Viết trên báo Anh Surrey Live, nữ nhà báo Millie Bull cho biết cô được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 vào năm 2006, và từ đó cô đã quen với việc quản lý chế độ ăn uống một cách nghiêm ngặt, luôn theo dõi cẩn thận để không vượt quá 10g đường trong mỗi bữa ăn.
“Những hạn chế này nghiêm ngặt đến mức trái cây, sô-cô-la, bánh quy, sữa chua và thậm chí cả bánh mì đều bị loại khỏi thực đơn của tôi. May mắn thay, các tiến bộ trong chăm sóc bệnh tiểu đường — bao gồm bơm insulin, thiết bị đo đường huyết liên tục (CGM), và các loại insulin cải tiến — đã giúp tôi có cách tiếp cận linh hoạt hơn với việc ăn uống”, Millie chia sẻ.
“Tuy vậy, tôi vẫn rất cẩn trọng, chủ động tránh một số loại thực phẩm để ngăn tình trạng lượng đường huyết tăng vọt”.
“Các món ăn chứa nhiều đường chắc chắn sẽ khiến đường huyết của tôi tăng cao, nhưng chính những loại đồ uống ngọt mới có tác động gần như tức thì, thẩm thấu nhanh vào máu và làm tăng lượng đường huyết”.
“Vì vậy, tôi thường tránh các loại nước ngọt có đường, sô-cô-la nóng béo ngậy và nhiều loại đồ uống có cồn, kể cả các lựa chọn được gắn mác "lành mạnh" cũng phải được cân nhắc kỹ”.

Đồ ăn thức uống có thể ảnh hưởng nhiều tới đường huyết.
Theo Millie, nhiều loại đồ uống được quảng bá là “lành mạnh” thực chất lại chứa một lượng lớn carbohydrate và đường, dẫn đến khả năng tăng đường huyết nếu không được điều chỉnh đúng liều insulin.
Dưới đây là ba loại đồ uống "lành mạnh" nhưng chứa nhiều đường mà Millie thường tránh:
1. Sinh tố

Sinh tố trái cây có thể âm thầm làm tăng đường huyết.
Sinh tố thường được ca ngợi là lựa chọn “lành mạnh” và thực sự có thể bổ sung tốt cho chế độ ăn cân bằng. Chúng thường chứa trái cây, rau củ, cùng các thành phần bổ sung như sữa chua và hạt – vốn toàn những thực phẩm bổ dưỡng.
Tuy nhiên, theo Millie, quá trình làm sinh tố phá vỡ cấu trúc tế bào của trái cây, giải phóng đường tự nhiên. Những loại đường này trở thành "đường tự do" — tức là đường không còn nằm trong cấu trúc tế bào ban đầu.
“Không chỉ làm tăng đột ngột đường huyết, đường tự do còn gây ra các vấn đề về răng miệng, nguy cơ béo phì và bệnh tim mạch”, cô viết.
Khi xay trái cây thành sinh tố, bạn cũng dễ dàng tiêu thụ nhiều hơn so với khi ăn trực tiếp, Millie cho biết.
Để giảm thiểu lượng đường tiêu thụ, bạn nên uống sinh tố cùng bữa ăn, nhằm tránh dùng quá nhiều.
2. Nước ép trái cây

Nước ép có thể chứa nhiều vitamin thiết yếu, nhưng lại thiếu chất xơ và chứa nhiều đường.
“Tương tự như sinh tố, nước ép là thủ phạm chắc chắn khiến đường huyết của tôi tăng vọt”, Millie chia sẻ.
Nước ép có thể chứa nhiều vitamin thiết yếu, nhưng lại thiếu chất xơ và chứa nhiều đường – dễ dàng hấp thụ vào máu, gây tăng đường huyết.
“Vị ngon của chúng khiến người ta dễ uống quá nhiều, không chỉ khiến đường huyết tăng mà còn gây sâu răng và tăng cân”, Millie cảnh báo.
“Để so sánh, một chai 250ml nước ép cam tươi vắt Waitrose Good to Go chứa tới 24,5g đường, trong khi một lon cola 250ml chứa 27g. Dù đường trong nước cam có nguồn gốc tự nhiên từ trái cây, nó vẫn bị phân loại là “đường tự do”.
3. Sữa yến mạch

Sữa yến mạch có chứa maltose – một loại đường có chỉ số đường huyết (GI) lên tới 105.
Millie cho biết cô khá thích các loại sữa có nguồn gốc thực vật. Nhiều loại trong số đó có hương vị ngon hơn hẳn sữa bò và chứa ít chất béo bão hòa cũng như cholesterol hơn. Thêm vào đó, một số loại còn được bổ sung các dưỡng chất thiết yếu như canxi, vitamin D và B12.
Sữa yến mạch đặc biệt thơm ngon khi pha với cà phê, nhưng cần lưu ý rằng nó có chứa đường. Theo báo cáo của Nutrisense, sữa yến mạch có chứa maltose – một loại đường có chỉ số đường huyết (GI) lên tới 105. Loại sữa này cũng đứng đầu bảng về lượng carbohydrate so với các loại sữa thực vật khác.
“Mỗi người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 sẽ có nhu cầu quản lý khác nhau, nhưng với tôi, bất kỳ thực phẩm hay đồ uống nào chứa hơn 8g carbohydrate đều cần phải tiêm insulin. Cứ mỗi 8g carbohydrate mà tôi dự định tiêu thụ, tôi phải tiêm một đơn vị insulin”, Millie viết.
“Ngay cả sữa yến mạch không đường cũng chứa nhiều đường tự nhiên và carbohydrate, đó là lý do tôi tránh sử dụng nó”.
Có một điều khá bất ngờ là nhiều loại sữa thực vật, kể cả những loại không thêm đường, vẫn chứa lượng đường và carbohydrate đáng kể. “Điều quan trọng là cần nhớ rằng cơ thể mỗi người phản ứng khác nhau với các loại thực phẩm và thành phần khác nhau”, Millie nhắn nhủ.
Theo Express