Nếu không có kế hoạch mua sắm, người tiêu dùng dễ rơi vào tình trạng chi tiêu hoang phí vào dịp Black Friday. Ảnh: CNBC. |
Black Friday là cơ hội để người tiêu dùng sở hữu những món đồ yêu thích với mức giá hợp lý.
Tuy nhiên, nếu không có kế hoạch mua sắm cẩn thận, người tiêu dùng dễ dàng rơi vào cạm bẫy mua sắm ngẫu hứng, từ đó dẫn đến tình trạng chi tiêu lãng phí.
Người tiêu dùng Gen Z có xu hướng mua sắm ngẫu hứng do tác động của mạng xã hội. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels. |
Thiết lập thói quen mua sắm chậm rãi
Theo khảo sát do OnePoll thực hiện vào năm 2023, hơn ⅓ đáp viên cho biết phần lớn hoạt động mua sắm của họ xuất phát từ hành vi ngẫu hứng.
Xu hướng “mua sắm chữa lành” (retail therapy) là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến thói quen mua sắm ngẫu hứng. Theo khảo sát do Bread Financial thực hiện vào đầu năm 2024, 79% người tiêu dùng Gen Z (sinh năm 1997-2012) cho biết mạng xã hội có tác động lớn đến quyết định mua sắm của họ. Sau khi nhận hàng, họ lại chìm trong cảm giác chán nản và hối hận.
Không chỉ vậy, theo chuyên gia tín dụng Daniel Braun, một nguyên nhân khác khiến nhiều người mua sắm ngẫu hứng là chương trình khuyến mãi trong thời gian giới hạn.
Vào những dịp khuyến mãi lớn như Black Friday, nhiều nhà bán lẻ thường xuyên sử dụng loại hình khuyến mãi này để thúc đẩy nhu cầu mua sắm ngẫu hứng của người tiêu dùng, từ đó giúp nâng cao doanh số bán hàng.
Ngoài ra, Jack Howard, trưởng phòng bộ phận sức khỏe tài chính tại công ty dịch vụ tài chính Mỹ Ally Financial, chia sẻ rằng việc mua được món hàng khuyến mãi trong thời gian giới hạn còn mang lại cảm giác thỏa mãn tạm thời cho người mua. Thế nhưng, không lâu sau, họ rơi vào trạng thái tiếc nuối và hối hận bởi những món đồ không mang lại giá trị sử dụng.
Để thoát khỏi tình trạng mua sắm ngẫu hứng, chuyên gia tài chính tiêu dùng và thiết lập ngân sách Andrea Woroch (Mỹ) đề xuất xây dựng thói quen mua sắm chậm rãi (slow shopping). Woroch chia sẻ đây là xu hướng mua sắm khuyến khích người tiêu dùng nên mua sắm có chủ đích và giới hạn trong phạm vi ngân sách đặt ra.
Bên cạnh đó, thói quen này cũng giúp người tiêu dùng dành thời gian xem xét tình hình tài chính cá nhân, đồng thời nhìn nhận việc mua sắm giống như khoản đầu tư sinh lời.
Lập ngân sách giúp người tiêu dùng dễ kiểm chi tiêu, tránh mua sắm quá mức. Ảnh minh họa: Diane Helentjaris/Unsplash. |
Lập kế hoạch quản lý ngân sách
Bên cạnh việc thay đổi hành vi mua sắm ngẫu hứng mùa Black Friday, người tiêu dùng cần xây dựng thói quen lập kế hoạch quản lý ngân sách.
Kimberly Palmer, chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân tại công ty tài chính cá nhân Mỹ NerdWallet, khuyến khích người tiêu dùng lập một danh sách bao gồm các những thứ cần mua và hạn mức chi phí cụ thể. Điều đó giúp việc theo dõi và kiểm soát chi tiêu trở nên dễ dàng hơn, đồng thời hạn chế rơi vào tình trạng chi tiêu vượt mức ngân sách.
Trong trường hợp không biết bắt đầu từ đâu, người tiêu dùng có thể tham khảo các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân. Nhiều ứng dụng ngân hàng, ví điện tử trên thị trường hiện nay đã tích hợp tính năng theo dõi chi tiêu và lập ngân sách cho người dùng.
Dịch vụ “mua trước, trả sau” tiện lợi nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh minh họa: Nathan Dumlao/Unsplash. |
Cân nhắc dịch vụ “mua trước, trả sau”
Những năm gần đây, dịch vụ “mua trước, trả sau” (buy now, pay later) ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Dù mang lại nhiều tiện lợi khi mua sắm, như trong các dịp khuyến mại lớn như Black Friday, các chuyên gia tài chính cá nhân cho rằng người tiêu dùng nên cân nhắc trước khi sử dụng dịch vụ này.
Theo nghiên cứu mới nhất đăng tải trên tạp chí Journal of Marketing của Hiệp hội Marketing tại Mỹ, nhóm người tiêu dùng sử dụng dịch vụ “mua trước, trả sau” có xu hướng chi tiêu nhiều hơn những người không dùng.
Nghiên cứu cũng cho thấy nhóm đối tượng này cho rằng họ đang kiểm soát tốt ngân sách cá nhân khi thanh toán chi phí được chia nhỏ thành nhiều đợt. Vì thế, họ tiếp tục mua nhiều sản phẩm hơn với hình thức này do không có cái nhìn rõ ràng về tình hình tài chính của bản thân.
Bruce McClary, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách mảng thành viên và truyền thông tại Quỹ Tư vấn Tín dụng Quốc gia Mỹ, đưa ra lời khuyên rằng người tiêu dùng nên ưu tiên hình thức thanh toán toàn bộ, thay vì sử dụng dịch vụ “mua trước, trả sau”.
Trong trường hợp muốn sử dụng hình thức mua sắm này, người tiêu dùng nên cân nhắc về tình hình tài chính cá nhân và khả năng thanh toán các khoản phí được chia nhỏ.
McClary nói rằng việc mua sắm bằng hình thức “mua trước, trả sau” không phải lúc nào cũng mang lại hệ quả tiêu cực.
“Nếu luôn thanh toán đúng hạn, điều đó cho thấy người tiêu dùng có tính kỷ luật và biết quản lý ngân sách. Như vậy, hình thức ‘mua trước, trả sau’ có thể giúp họ xây dựng hành vi quản lý tài chính hiệu quả”, ông cho biết.
Nên đầu tư tiền vào đâu?
Trong hơn 200 năm qua, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, thị trường chứng khoán vẫn là nơi tốt nhất để các nhà đầu tư dài hạn xây dựng sự sung túc. Nhưng để thành công trong mảng này, cần hiểu rõ các quy luật của thị trường, hiểu các mùa hoạt động của nó. Câu hỏi lớn nhất về tài chính trong tâm trí tất cả chúng ta ngày nay là gì? Theo kinh nghiệm của tác giả Anthony Robbins trong cuốn Đầu tư thông minh, chúng ta đều đang tìm kiếm câu trả lời cho cùng một vấn đề: “Tôi nên đặt tiền của mình vào đâu?”.