Ăn quá nhiều, ăn các món có chỉ số đường huyết thực phẩm (GI) cao - nhất là khi đang mắc các bệnh liên quan tới đường huyết cao như tiểu đường có thể dẫn tới nhiều nguy hại cho sức khỏe.
1. Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt từ lâu đã được biết đến là một lựa chọn nên được ưu tiên cho chế độ ăn uống khoa học và bổ dưỡng. Điều này là nhờ ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ cùng vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác. Ăn ngũ cốc nguyên hạt giúp kiểm soát mức cholesterol, cân nặng và huyết áp. Những thực phẩm này cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và các tình trạng khác do stress oxy hóa gây ra.
Tuy nhiên, ăn quá nhiều ngũ cốc nguyên hạt lại gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe. Do giàu chất xơ mà ăn quá nhiều ngũ cốc nguyên hạt dễ gây khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng.
Hơn nữa, một số loại ngũ cốc nguyên hạt đã qua chế biến bằng cách thêm đường hay muối, bơ... khi ăn quá nhiều dễ gây ra tình trạng lượng đường trong máu tăng đột biến, có thể làm tăng cảm giác đói, dẫn đến ăn quá nhiều và tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tình trạng kháng insulin, như tiểu đường và bệnh tim.
Tương tự, gạo lứt vốn là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe được đánh giá cao trong những năm gần đây, đã trở thành “ngôi sao” trong khẩu phần ăn hàng ngày, đặc biệt là của nhiều người cao tuổi.
Mặc dù gạo lứt giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn nhưng khi ăn với lượng lớn thì hàm lượng tinh bột bên trong gạo lứt không được tiêu hóa hoàn toàn sau khi vào ruột vẫn sẽ chuyển hóa thành glucose khiến lượng đường trong máu tăng cao. Đặc biệt đối với người lớn tuổi có độ nhạy insulin kém thì tác dụng hạ đường huyết của gạo lứt sẽ rõ rệt hơn.
2. Khoai lang
Là "biểu tượng" của thực phẩm giàu chất xơ và chất chống oxy hóa, khoai lang thường xuất hiện trong nhiều chế độ ăn như chế độ ăn giảm cân. Nhưng với người cao tuổi, khoai lang không phải là món ăn nên ưu tiên vào bữa sáng hoặc ăn khi đói, nhất là với người có bệnh tiểu đường hoặc có lượng đường huyết dao động lớn.
Bởi tác dụng lên đường huyết của khoai lang có thể "mạnh" hơn bạn nghĩ. Nhất là với các loại khoai ngọt với lượng đường cao như khoai lang mật.
Nói cách khác, mặc dù khoai lang rất giàu chất dinh dưỡng như chất xơ và beta-carotene nhưng hàm lượng đường trong khoai lang không thấp. Đặc biệt, khoai lang chứa nhiều carbohydrate phức hợp, dễ dàng chuyển hóa thành glucose sau khi vào cơ thể, khiến lượng đường trong máu tăng cao và tăng nhanh nếu ăn quá nhiều.
Với người nhạy cảm hơn, ăn khoai lang vào bữa sáng khi bụng đói đôi khi khiến insulin không kịp phản ứng, lượng đường huyết tăng mạnh như "đi tàu siêu tốc" tương tự như khi ăn các loại bánh mì trắng ngọt.
Người bị tiểu đường nên ăn khoai lang không? Có, nhưng chỉ nên ăn 1⁄2 củ khoai lang có kích cỡ trung bình mỗi ngày (tương đương với bổ sung khoảng 15g tinh bột) và nên kết hợp đầy đủ cùng các nhóm chất dinh dưỡng khác như chất đạm, vitamin chất béo lành mạnh khi ăn. Ưu tiên ăn khoai lang luộc, hấp với các giống khoai ít ngọt; tránh ăn khoai chiên, khoai rán khiến chỉ số GI tăng lên.
3. Ngô
Mặc dù ngô luộc có chỉ số GI thực phẩm thấp (52) nhưng ăn quá nhiều ngô, nhất là các loại ngô ngọt, ngô nướng thêm bơ đường hay muối,... có thể làm tăng lượng đường trong máu ở một mức độ nất định. Hơn nữa, ngô vẫn là một món ăn giàu tinh bột. Đặc biệt đối với một số người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường hoặc lượng đường trong máu dao động thì việc ăn ngô phải đặc biệt thận trọng.
Một bắp ngô chứa khoảng 15 gam carbohydrate. Điều quan trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường là phải lưu ý đến lượng carbohydrate mà cơ thể họ cần và tính đến lượng carbohydrate trong ngô khi lập kế hoạch cho các bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ.
Nguồn: Sohu