Người ta hay nói bệnh từ miệng mà ra, nhiều căn bệnh không phải tự nhiên mà có, cũng chẳng phải là chuyện “một sớm một chiều”. Thực tế, chúng liên quan rất chặt chẽ đến những thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày của chúng ta. Đặc biệt, có những thói quen tưởng là tiết kiệm, là tốt nhưng thực chất lại tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.
Thói quen 1: Ăn đồ ăn đã hỏng một phần
Trái cây hơi thối một góc, bánh mì mốc một chấm nhỏ, khúc mía có đoạn hỏng... Nhiều người nghĩ chỉ cần cắt bỏ phần hư là chỗ còn lại vẫn ăn được nhưng thực tế không đơn giản như vậy.

Bác sĩ tại Bệnh viện Trung Sơn (thuộc Đại học Phục Đán, Trung Quốc) cho biết, khi thực phẩm đã mốc, phần mốc mà bạn nhìn thấy chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Còn nấm mốc và độc tố đã lan sâu vào bên trong thực phẩm.

Việc ăn thực phẩm mốc có thể gây đau bụng, dị ứng, thậm chí ảnh hưởng đến đường hô hấp. Đặc biệt, trong quá trình nấm mốc phát triển, chúng sản sinh ra độc tố nấm mốc – đây là chất có thể gây ngộ độc, suy giảm miễn dịch, thậm chí dẫn đến ung thư, dị tật bẩm sinh cho con người.
Thói quen 2: Ăn đồ thừa, hâm đi hâm lại
Đây chắc hẳn là thói quen của rất nhiều người - Nấu 1 lúc cả nồi thức ăn to để sau chỉ việc hâm lại, đỡ mất thời gian cơm nước. Cũng có người vì tiếc đồ ăn còn dư nên cất tủ lạnh, để hôm sau, hôm sau nữa lại lấy ra ăn tiếp. Lâu lâu ăn một bữa thì không sao, nhưng nếu đây là thói quen thường xuyên thì lại rất nguy hiểm.

Bác sĩ Chu Chí Vĩ (Bệnh viện Ung bướu Trung Sơn, Trung Quốc) cho biết, những thói quen ăn uống không lành mạnh như ăn đồ mặn, đồ muối chua, hay thường xuyên ăn đồ thừa hâm lại, chính là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

Thói quen 3: Dùng đũa gỗ, đũa tre lâu năm không thay
Có nhũng gia đình dùng một đôi đũa gỗ suốt mấy năm trời, chỉ cần chưa gãy là vẫn dùng tiếp.
Theo chuyên gia Hàn Hồng Vĩ (Trung tâm Đánh giá Rủi ro An toàn Thực phẩm Trung Quốc), đũa gỗ, đũa tre là nơi nấm mốc rất dễ phát triển, đặc biệt nếu môi trường ẩm ướt. Chỉ cần điều kiện thuận lợi, nấm mốc có thể sinh sôi chỉ sau một ngày.

Đáng nói là đũa bị mốc có thể nhiễm độc tố aflatoxin – chất có khả năng gây ung thư, đặc biệt là ung thư gan. Vậy nên 1 thói quen ăn uống cần phải thay đổi để đảm bảo sức khoẻ chính là thay đũa thường xuyên và vệ sinh đũa đúng cách, phơi khô trước khi dùng.

Thói quen 4: Dầu ăn để quá lâu vẫn dùng
Nhiều người nghĩ rằng dầu ăn còn hạn sử dụng thì yên tâm nhưng không phải vậy. Một khi đã mở nắp, chỉ sau 3 tháng là bắt đầu có rủi ro.

Dầu ăn để lâu có thể bị oxy hóa, biến chất, thậm chí bị nhiễm aflatoxin. Dấu hiệu nhận biết là dầu có mùi khét, vị hôi, khi đun lên khói nhiều, cay mắt. Những loại dầu như vậy nếu dùng thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ ung thư gan.
Lời khuyên cho bạn là nếu nhà ít người, nên mua chai dầu nhỏ. Nếu dùng dầu chai lớn thì nên chiết ra chai nhỏ, ưu tiên chai đục hoặc có lớp mờ để hạn chế ánh sáng. Tránh để dầu ăn ở chỗ có ánh nắng trực tiếp.

Thói quen 5: Tái sử dụng dầu chiên nhiều lần
Chiên đồ ăn thường phải dùng nhiều dầu, vì tiếc nên nhiều người giữ lại dầu thừa để dùng nấu tiếp.
Bác sĩ Dư Uyển Đình (Bệnh viện Nhân dân số 3, Thành Đô, Trung Quốc) cho biết, dầu đã chiên ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra chất béo chuyển hóa (trans fat) và các sản phẩm oxy hóa có hại. Khi tiếp tục dùng dầu này để nấu ăn, chất gây ung thư sẽ tăng lên rất nhiều.

Thói quen 6: Ngại bật máy hút mùi khi nấu ăn
Nhiều người nấu nướng hay xào nấu lửa to nhưng lại tiếc tiền điện nên không bật máy hút mùi. Việc này vô tình khiến bạn hít phải rất nhiều khói dầu.
Bác sĩ Đào Tân Tào (Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật) cho biết, khói dầu không chỉ gây kích ứng mũi, mắt, họng, dẫn đến viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, mà về lâu dài còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Đáng lo hơn, khói dầu còn là yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi.

Nguồn: Aboluowang