7 doanh nghiệp niêm yết đặt mục tiêu lãi tỷ USD năm 2025

Giữa thách thức kinh tế toàn cầu, 7 doanh nghiệp niêm yết gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, VPBank, MB, Vinhomes vẫn vạch ra kế hoạch lợi nhuận tỷ USD năm nay.

Bất chấp những rủi ro cũng như biến động từ thị trường tài chính quốc tế, một loạt "ông lớn" ngân hàng và bất động sản Việt Nam vẫn đưa ra kế hoạch lợi nhuận tỷ USD. Đồng thời kỳ vọng bước vào giai đoạn tăng trưởng mới của nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài những tập đoàn, tổng công ty Nhà nước quy mô lớn như Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Viettel... kỳ vọng tiếp tục ghi nhận lợi nhuận hàng tỷ USD, thị trường còn có 7 doanh nghiệp niêm yết đặt mục tiêu lãi tỷ USD năm nay, trong đó phần lớn là các ngân hàng.

Vinhomes cùng 6 ngân hàng lên kế hoạch lãi tỷ USD

Năm nay, CTCP Vinhomes (HoSE: VHM) là doanh nghiệp duy nhất ngoài nhóm ngân hàng đặt mục tiêu lãi tỷ USD.

Trong đó, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu 180.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 42.000 tỷ (khoảng 1,6 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại), tăng lần lượt 76% và 20% so với năm 2024. Nếu hoàn thành, đây cũng sẽ là kết quả kinh doanh cao nhất trong lịch sử hoạt động của Vinhomes.

Bên cạnh kế hoạch kể trên, Vinhomes cũng đặt mục tiêu doanh số năm nay vào khoảng 150.000-200.000 tỷ đồng, tùy thuộc diễn biến thị trường và tình hình vĩ mô.

Chia sẻ tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2025, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes, đánh giá 2025 là năm có nhiều thách thức, nhưng cơ hội với VHM dự báo nhiều hơn khi công ty có nhiều dự án để triển khai đồng loạt.

Các đại dự án công ty muốn tập trung trong năm nay gồm Vinhomes Global Gate và Vinhomes Wonder City (Hà Nội), Vinhomes Royal Island (Hải Phòng), Vinhomes Green Paradise (Cần Giờ, TP.HCM), Vinhomes Green City (Long An)...

Bà Nguyễn Thu Hằng, Tổng giám đốc Vinhomes cho rằng năm 2025, tỷ lệ hấp thụ, giá bất động sản vẫn sẽ giữ ở nhịp phù hợp. Nguyên nhân là nhu cầu nhà ở trên thị trường vẫn ở mức cao, được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, người dân chuyển dịch ra các khu đô thị mới.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản ở nhiều tỉnh, thành phố trọng điểm cũng đang phục hồi và tăng trưởng nguồn cung. Ngoài ra, lãi suất ổn định, các chính sách lãi suất hỗ trợ người trẻ mua nhà cũng trở thành động lực của thị trường.

Ngoài Vinhomes, thị trường chứng khoán còn 6 ngân hàng cũng kỳ vọng đạt mốc lợi nhuận tỷ USD với chỉ tiêu trước thuế gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank, VPBank và MB.

6 ngân hàng dự kiến lãi tỷ USD

Tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 vừa qua, cổ đông Vietcombank (HoSE: VCB) đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 42.734 tỷ đồng, đồng thời cho biết có thể điều chỉnh theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính.

Đối với lợi nhuận trước thuế hợp nhất, nhà băng này đặt mục tiêu tăng 3,5% so với mức kỷ lục đạt được năm ngoái, tương ứng khoảng 43.714 tỷ đồng (khoảng 1,67 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại).

Nếu hoàn thành kế hoạch này, Vietcombank sẽ tiếp tục là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất ngành, đồng thời đứng top 2 toàn sàn chứng khoán (nếu Vinhomes cũng hoàn thành kế hoạch đặt ra).

Cùng nhóm ngân hàng quốc doanh, cả BIDV (HoSE: BID) và VietinBank (HoSE: CTG) cũng đã đặt mục tiêu lợi nhuận trên mốc tỷ USD năm nay.

Trong đó, BIDV kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm nay tăng 6-10% so với năm liền trước, tương đương mức lãi khoảng 33.000-35.000 tỷ đồng (1,26-1,34 tỷ USD).

Với VietinBank, tại ĐHĐCĐ vừa qua, ban lãnh đạo ngân hàng không trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận cụ thể cho năm 2025 nhưng vẫn cam kết có tăng trưởng so với năm liền trước. Năm 2024, Ngân hàng Công Thương đã thu về khoản lãi trước thuế 31.764 tỷ đồng (1,2 tỷ USD). Do đó, chỉ cần lợi nhuận năm nay không giảm quá 18%, VietinBank sẽ tiếp tục có thêm một năm đạt lợi nhuận trên 1 tỷ USD.

Ngoài bộ 3 ngân hàng quốc doanh kể trên, nhóm ngân hàng còn 3 đại diện khác kỳ vọng lãi tỷ USD năm nay là MB, Techcombank và VPBank.

Trong đó, Ngân hàng Quân đội - MB (HoSE: MBB) kỳ vọng lãi trước thuế hợp nhất đạt 31.712 tỷ đồng (1,2 tỷ USD), tăng 10% so với năm ngoái.

VPBank (HoSE: VPB) đã được cổ đông thông qua kế hoạch lãi trước thuế tăng 26%, đạt 25.270 tỷ đồng (xấp xỉ 1 tỷ USD), cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng.

Còn Techcombank (HoSE: TCB) đã đặt mục tiêu lãi 31.500 tỷ đồng (1,2 tỷ USD) trước thuế, tăng 14% so với năm liền trước.

Nhiều thách thức

Thực tế, 7 doanh nghiệp niêm yết đặt mục tiêu lợi nhuận tỷ USD năm nay không phải những cái tên quá xa lạ vì đều từng ghi nhận mức lãi này trong năm trước đó. Tuy nhiên, để duy trì và tái lập thành tích này trong bối cảnh năm 2025 là một thách thức không nhỏ.

Với Vinhomes, kết thúc quý I, công ty mới báo lãi sau thuế 2.652 tỷ đồng. Dù tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, kết quả này mới chỉ đạt 6% kế hoạch cả năm.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, doanh số bán hàng quý I và doanh số chưa bàn giao tại thời điểm cuối quý lần lượt đạt 35.000 tỷ và 120.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 116% và 7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ kết quả kinh doanh từ các dự án đại đô thị, đặc biệt là Vinhomes Wonder City tại huyện Đan Phượng, TP Hà Nội được mở bán vào giữa tháng 3. Đây cũng được xem là nền tảng để thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận các quý tiếp theo của công ty.

Vietcombank,  VPBank,  Vinhomes,  mbbank anh 1

Kết thúc quý I, Vinhomes mới hoàn thành 6% mục tiêu lợi nhuận năm. Ảnh: Nam Khánh.

Đối với ngành ngân hàng, một trong những động lực tăng trưởng chính năm nay vẫn là hoạt động tín dụng. Theo Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, nhà điều hành đã sớm triển khai các biện pháp thúc đẩy dòng vốn cho nền kinh tế ngay từ đầu năm. Nhờ đó, tín dụng đến nay đã tăng gần 1%, trái ngược với mức âm của cùng kỳ năm 2023-2024.

Dù vậy, lãnh đạo nhiều nhà băng đã chia sẻ quan điểm thận trọng trước những biến động của nền kinh tế toàn cầu năm nay.

Chủ tịch Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết Việt Nam là nền kinh tế mở, phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất nhập khẩu và giao thương quốc tế, trong đó riêng thị trường Mỹ chiếm đến 28% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Vì vậy, nếu Mỹ áp dụng chính sách thuế cao, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, từ đó tác động đến tăng trưởng kinh tế và GDP.

Với Vietcombank, nơi chiếm khoảng 20% thị phần thanh toán quốc tế tài trợ thương mại của thị trường, ông Tùng nhận định tác động này càng rõ nét.

Đặc biệt, danh mục khách hàng FDI của Vietcombank cũng lớn hơn nhiều so với các ngân hàng khác, chiếm khoảng 20% dư nợ bán buôn, trên 40% huy động vốn và hơn 50% doanh số thanh toán quốc tế trong nhóm này. Do đó, các chính sách thuế quan từ Mỹ có thể ảnh hưởng mạnh hơn đến Vietcombank so với phần còn lại của thị trường ngân hàng.

Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú thì cho biết chính sách thuế quan Mỹ có tác động lớn đến ngân hàng, từ tín dụng, huy động vốn, dịch vụ, chất lượng tài sản, lợi nhuận.

Trong đó, dư nợ khách hàng của BIDV bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan vào khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ tín dụng. Trước những tác động này, ban lãnh đạo ngân hàng đã phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh và xây dựng kịch bản thận trọng hơn, dự kiến phải tăng trích lập dự phòng, giảm lợi nhuận.

Chủ tịch MB Lưu Trung Thái cũng thừa nhận ban lãnh đạo ngân hàng đã phải dự trù các tình huống bất lợi có thể xảy ra khi xây dựng kịch bản kinh doanh năm nay. Trong đó, một trong những rủi ro có thể tác động tới lợi nhuận ngân hàng là khả năng gia tăng nợ xấu, nhất là ở nhóm doanh nghiệp xuất khẩu chịu tác động từ các thay đổi chính sách thuế quan.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.