Bài viết hé lộ 6 nguyên tắc cốt lõi trong ăn uống: Từ kiểm soát đạm, muối đến tránh xa kali, phospho… Danh sách thực phẩm "vàng" nên bổ sung và nhóm cần "cấm cửa" ngay lập tức! Đừng bỏ lỡ cuộc trò chuyện chuyên sâu để bảo vệ sức khỏe đôi thận của bạn và người thân!

Thịt đỏ là món ăn người suy thận cần hạn chế. Ảnh minh họa: Internet
Phóng viên: Trước khi đi sâu vào vấn đề dinh dưỡng, xin bác sĩ giải thích cho bạn đọc suy thận mạn là gì và tại sao cần quan tâm đặc biệt đến chế độ ăn ở nhóm bệnh nhân này?
ThS.BS. Nguyễn Thị An Thuỷ: Bệnh thận mạn tính (Chronic Kidney Disease - CKD) là tình trạng thận mất dần các chức năng, một trong những chức năng quan trọng đó là chức năng lọc máu, bài tiết chất thải và cân bằng điện giải một cách không hồi phục, kéo dài trên 3 tháng. Bệnh tiến triển qua 5 giai đoạn, từ nhẹ (giai đoạn 1-2) đến nặng (giai đoạn 3-5). Khi mức lọc cầu thận còn dưới 15 ml/ph/1.73m2 da, người bệnh sẽ phải điều trị thay thế thận suy bằng phương pháp lọc máu, lọc màng bụng hoặc ghép thận.
Nguyên nhân gây bệnh thận mạn tính phổ biến gồm tiểu đường, cao huyết áp, viêm cầu thận mạn, bệnh thận đa nang. Triệu chứng thường mờ nhạt ở giai đoạn đầu như mệt mỏi, phù chân/tay, tiểu đêm, chán ăn… nên nhiều người phát hiện bệnh khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Lý do khiến chúng ta cần chú trọng dinh dưỡng cho nhóm người mắc suy thận mạn bao gồm:
- Khi chức năng thận giảm, thận sẽ không thể lọc máu để đào thải các độc tố và sản phẩm chuyển hóa của cơ thể, nước, kali, phospho… từ thức ăn, dễ gây phù, các biến chứng tim mạch, rối loạn điện giải.
- Chế độ ăn kiểm soát được các chất này sẽ giúp giảm gánh nặng cho thận, làm chậm tiến triển bệnh và kéo dài thời gian dẫn đến phải điều trị thay thế thận.

Nước ngọt cũng là đồ uống người suy thận nên hạn chế. Ảnh minh họa: Internet
Phóng viên: Thưa bác sĩ, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò thế nào với bệnh nhân suy thận mạn?
ThS.BS. Nguyễn Thị An Thuỷ: Dinh dưỡng là yếu tố then chốt giúp kiểm soát tiến triển bệnh và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân. Một chế độ ăn khoa học sẽ mang lại 4 lợi ích quan trọng:
Giảm nguy cơ suy dinh dưỡng do kiêng khem quá mức.
Cân bằng rối loạn chuyển hóa, bảo tồn chức năng thận còn lại.
Làm chậm tiến triển bệnh, trì hoãn thời điểm phải lọc máu.
Cải thiện triệu chứng như buồn nôn, mệt mỏi, giúp người bệnh sống tích cực hơn.
Phóng viên: Vậy nguyên tắc dinh dưỡng cốt lõi cho nhóm bệnh nhân suy thận mạn là gì, thưa bác sĩ?
ThS.BS. Nguyễn Thị An Thuỷ: Người bệnh cần tuân thủ 6 nguyên tắc sau:
Đủ năng lượng: 35-45 kcal/kg/ngày để chống suy dinh dưỡng. Do bệnh nhân thường chán ăn, nên ưu tiên thực phẩm giàu năng lượng nhưng ít đạm như khoai lang, miến dong.
Giảm đạm: Chỉ 0.8g protein/kg/ngày, ưu tiên đạm chất lượng cao từ trứng, sữa, cá .
Hạn chế muối: Dưới 2g natri/ngày, tránh đồ hộp, thức ăn mặn để giảm phù và huyết áp cao.
Kiểm soát kali: Tránh rau xanh đậm, trái cây khô, đậu đỗ… vì thận suy không lọc được kali dư, dễ gây loạn nhịp tim.
Giảm phospho: Hạn chế thịt đỏ, lòng đỏ trứng, hạt sen khô… để phòng ngừa loãng xương.
Cân bằng nước: Tùy vào giai đoạn bệnh, mức độ phù và lượng nước tiểu, người bệnh nên uống nước hợp lý. Nhu cầu nước trung bình trong ngày đối với bệnh nhân suy thận là bằng tổng lượng nước tiểu, lượng dịch trong cơ thể mất đi (do nôn, ói, ...) và khoảng 300 - 500ml.

Người bị suy thận mạn cũng nên tránh ăn các món chiên rán nhiều dầu mỡ. Ảnh minh họa: Internet
Phóng viên: Bệnh nhân nên và không nên ăn những thực phẩm nào, thưa bác sĩ?
ThS.BS. Nguyễn Thị An Thuỷ: Trong dinh dưỡng chúng ta cần chú ý nhóm nên ăn và nên tránh như sau.
Nên ăn
Chất bột ít đạm: Khoai lang, miến dong, gạo trắng.
Đạm chất lượng cao: Trứng, sữa ít béo, cá, thịt gia cầm.
Rau quả ít kali: Bắp cải, súp lơ, táo, lê.
Cần tránh
Thực phẩm giàu kali: Chuối, bơ, rau muống, cà chua.
Đồ ăn mặn: Dưa muối, mì ăn liền, nước mắm.
Thức ăn nhiều phospho: Nội tạng, tôm khô, sữa đặc.
Chất béo xấu: Mỡ động vật, đồ chiên rán.
Phóng viên: Cảm ơn bác sĩ về những chia sẻ hữu ích này!
Triệu chứng bệnh suy thận
Triệu chứng suy thận phát triển theo thời gian nếu tổn thương thận tiến triển chậm và thường không đặc hiệu. Vì thận có khả năng bù trừ rất tốt, nên ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng. Đến khi xuất hiện triệu chứng thì bệnh đã ở giai đoạn trễ.
Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
Buồn nôn, nôn
Chán ăn
Mệt mỏi, ớn lạnh
Rối loạn giấc ngủ
Thay đổi khi đi tiểu: tiểu nhiều vào ban đêm, nước tiểu có bọt, lượng nước tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường, nước tiểu có màu nhạt hơn hay đậm hơn bình thường, nước tiểu có máu, cảm thấy căng tức hay đi tiểu khó khăn, ...
Giảm sút tinh thần, hoa mắt, chóng mặt
Co giật cơ bắp và chuột rút
Nấc
Phù chân, tay, mặt, cổ
Ngứa dai dẳng
Đau ngực (nếu có tràn dịch màng tim)
Khó thở (nếu có phù phổi)
Tăng huyết áp khó kiểm soát
Hơi thở có mùi hôi
Đau hông lưng
Phòng ngừa bệnh suy thận
Thay đổi lối sốngGiữ huyết áp đúng mục tiêu bác sĩ đặt ra. Đối với hầu hết mọi người, mục tiêu huyết áp thường là dưới 140/90 mm HgKiểm soát nồng độ đường và cholesterol trong máuTập thể dục hằng ngày, duy trì cân nặng lý tưởngKhông hút thuốc láThay đổi chế độ ăn uống
Uống đủ nước trong một ngày từ 1,5-2 lít, uống nhiều hơn trong những ngày nóng hoặc vận động ra nhiều mồ hôi
Thực hiện chế độ ăn giảm muối, giảm đạm, giảm dầu mỡ