Ngày 14/12, tại Tp.Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại hội nghị, bà Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, nhấn mạnh tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ giao lưu giữa Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và các quốc gia như Campuchia, Thái Lan.
Với lợi thế về đất đai, khí hậu, giao thông và lực lượng lao động, tỉnh Bình Phước có nhiều cơ hội phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, du lịch và xuất khẩu.
Tỉnh Bình Phước xác định rõ đây là cơ hội lớn để tạo ra không gian phát triển mới, động lực phát triển mới và giá trị mới của đất nước, vùng và địa phương, phấn đấu đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao tiềm năng phát triển của tỉnh Bình Phước. Với vị trí địa lý chiến lược, kết nối vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên, tỉnh biên giới, cùng với những giá trị văn hóa lịch sử độc đáo, tỉnh Bình Phước sở hữu nhiều lợi thế để phát triển nhưng đang "ngủ quên".
Bảng quy hoạch mới được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng để đánh thức tiềm năng, tạo ra sức hấp dẫn mới, đưa tỉnh Bình Phước trở thành một địa phương phát triển năng động.
"Tôi đề nghị Bình Phước đặt mục tiêu cùng với phát triển nhà máy, công xưởng, cùng với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo thì chúng ta phải chăm lo hạ tầng xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội phải là các khu đô thị với các hệ sinh thái, đảm bảo đời sống cho người dân", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh cho biết, theo quy hoạch, tỉnh Bình Phước sẽ ưu tiên phát triển hệ thống giao thông liên vùng, bao gồm các cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Gia Nghĩa - Chơn Thành và kết nối các trục phát triển chính.
Đồng thời, tỉnh đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Tp.HCM - Lộc Ninh, sân bay Hớn Quản và 3 cảng cạn tại Hoa Lư, Chơn Thành và Đồng Phú (tại cửa khẩu quốc tế Hoa Lư quy mô khoảng 25ha, tại Chơn Thành khoảng 46ha, tại Đồng Phú khoảng 40ha).
Dịp này, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 32 doanh nghiệp với 32 dự án có tổng số vốn đầu tư 628,7 triệu USD và ký bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Bình Phước với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Công ty TNHH MTV Greenity Hậu Giang.
Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24-11-2023 và được điều chỉnh tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 24-10-2024.
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh Bình Phước đạt trên 10%. Cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 54%; thương mại - dịch vụ 35%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 11%. Kinh tế số chiếm 30% trong cơ cấu nền kinh tế. GRDP bình quân/người đạt 180 triệu đồng (tương đương 7.500 USD). Thu ngân sách đạt 30.000 tỷ đồng. Tỉ lệ đô thị hóa đạt 50%.
Giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh thành lập mới 15.000 doanh nghiệp. Khách du lịch đạt 3,5 triệu lượt khách...Đồng thời, phấn đấu đến năm 2030, quy mô phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 18.105ha. Đến năm 2050, tỉnh Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam bộ.