Bức thư của GS. John Vũ khiến người trẻ Việt giật mình: 'Tôi không tin các môn học sử dụng Robot hay AI có thể hiệu quả hơn một người thầy tận tâm dạy bằng cả TÂM lẫn TRÍ'

Bức thư của GS. John Vũ chia sẻ những trăn trở về tương lai giáo dục khi công nghệ, trí tuệ nhân tạo lên ngôi khiến nhiều người suy ngẫm.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Phước, CEO First News - Trí Việt đã chia sẻ trên trang cá nhân bức thư của GS. John Vũ. Nội dung bức thư đã thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng mạng, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Phước viết: "Tôi vừa nhận được là thư của GS. John Vu. Đây là là thư rất hay và bổ ích cho nhiều người Việt Nam chúng ta - nhất là những bạn trẻ. Tôi xin phép GS được đưa lên đây để mọi người cùng đọc và chiêm nghiệm" .

Giáo sư John Vũ từng là kỹ sư phần mềm trưởng của Tập đoàn Boeing tại Mỹ, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học của Đại học Carnegie, Mỹ. Ông còn là dịch giả, tác giả của nhiều đầu sách nổi tiếng.

Bức thư của GS. John Vũ khiến người trẻ Việt giật mình: 'Tôi không tin các môn học sử dụng Robot hay AI có thể hiệu quả hơn một người thầy tận tâm dạy bằng cả TÂM lẫn TRÍ'- Ảnh 1.

Giáo sư John Vũ.

Trong bức thư, GS. John Vũ chia sẻ những trăn trở sâu sắc về tương lai giáo dục trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ. Trong bức thư của GS. John Vũ được ông Nguyễn Văn Phước có đoạn:

Tôi đã hoàn toàn về hưu nhưng giáo dục luôn luôn là một trong những ưu tư và quan tâm hàng đầu của tôi nên tôi với viết bài cần thiết này để chia sẻ với các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam.

Hôm qua, người bạn thân, một giáo sư tại đại học Carnegie Mellon, ghé qua thăm tôi. Mặc dù đã về hưu, không để ý gì đến các tiến triển như vũ bão của công nghệ nhưng điều người bạn này chia sẽ khiến tôi cũng giật mình. Anh nói: "Năm mươi năm trước, khi các đại học dạy cách sử dụng máy tính không ai nghĩ rằng trong tương lai, các máy tính này sẽ có thể thay thế họ." Anh nói thêm: "Trong tương lai gần, khoảng mười năm nữa, đa số các học sinh sẽ học hỏi từ những giảng viên robot qua internet và công ty nào nắm được yếu tố này sẽ trở nên một trong những công ty lớn mạnh nhất thế giới.

Tôi hỏi: Tại sao anh nghĩ như thế? Anh ấy dự đoán: "Tôi tin rằng công ty lớn nhất trên internet sẽ không phải là Google, Microsoft hay Meta nhưng là những công ty xây dựng các chương trình giáo dục mà có thể chưa hiện hữu." Tôi nói ngay: Vấn để dạy trực tuyến trên Internet đã có từ lâu rồi, có hàng ngàn chương trình giảng dạy trực tuyến từ các giảng đường đại học phát sóng khắp nơi và giúp cho một số rất đông người tại các quốc gia đang mở mang có cơ hội học hỏi.

Bạn tôi với giải thích: "Với công nghệ Robot và trí thông minh nhân tạo bùng nổ, những chương trình giảng dạy này sẽ dần dần bị thay thế bởi các giảng viên là người Robot, trông rất giống như người thật với chương trình giảng dạy thích hợp với trình độ học sinh hơn các lớp học trực tuyến ngày nay. Nếu chúng ta có máy bay không người lái, xe hơi không người lái thì lớp học không giáo sư mà sử dụng robot có thể giảng bài, xem xét trình độ học của từng học sinh và thay đổi cách đào tạo sẽ là một cuộc cách mạng lớn của giáo dục trực tuyến. Hiện nay các chương trình giảng dạy tại hầu hết quốc gia đều tuỳ thuộc vào các giảng viên, một số có khả năng và một số thì chỉ làm qua loa, không tận tâm cho lắm. Do đó giáo dục là một cơ hội có tiềm năng rất lớn mà hiện nay đang chờ đợi một sự thay đổi tận gốc rễ. Gần đây hơn, các khóa học trực tuyến mở ra như MIT Opencourseware, Khan academy, Coursera tuy đã tạo ra những thay đổi đáng kể, nhưng đó chỉ là những khóa học được dạy bởi các giáo sư uy tín có tài năng nhưng học sinh có học hay không thì đó là việc của họ. Do đó số người ghi danh học trực tuyến tuy cao nhưng số người hoàn thành khoa học lại rất thấp, đa số đều bỏ học nửa chừng vì không có sự giám sát kỹ lưỡng.

Hiện nay đã có những chương trình đang được nghiên cứu với người giảng bài là một con người ảo (Avatar) hay Robot rất giống người với những "BOT" thông mình gài sẵn vào chương trình học của học sinh. Những chương trình thông minh nhân tạo này sẽ theo dõi việc học và tự động thay đổi giáo án cho từng người trước màn hình để bắt buộc học sinh phải học. Điều này sẽ hiệu quả hơn vì học sinh sẽ học tùy theo trình độ của họ so với khi xưa họ phải cạnh tranh với những học sinh khác để được điểm cao hay sự chú ý của giáo sư. Một học sinh chăm chỉ có thể học rất nhanh gấp ba hay năm lần chương trình giảng dạy thay vì phải chờ đợi theo tiến độ của lớp học. Những "BOT" thông minh cài đặt vào máy tính, sẽ biết học sinh học được gì, khuynh hướng học như thế nào? Trình độ học sinh ra sao? Sở thích học sinh là gì? Và nó sẽ tự động thay đổi tài liệu giảng dạy tùy theo học sinh để cho họ học nhanh hơn và hiệu quả hơn. Điều này cũng như các trò chơi videogame mà trong đó người chơi phải biết nắm bắt các quy tắc cần thiết để đặt điểm số thật cao thì các máy móc thông mình này sẽ giúp người học tăng tốc trong việc học như thế. Những"BOT" cài đặt này sẽ theo dõi, kiểm soát việc học để tìm ra điềm mạnh cũng như điểm yếu của học sinh và sử dụng các thuật toán (Algorithm) đặc biệt để điều chỉnh việc dạy cho phù hợp. Phương pháp "cá nhân hoá" sử dụng trí thông mình nhân tạo là một phương pháp cực kỳ hữu hiệu đang được nghiên cứu để phát triển trong thời gian sắp đến.

Bức thư của GS. John Vũ khiến người trẻ Việt giật mình: 'Tôi không tin các môn học sử dụng Robot hay AI có thể hiệu quả hơn một người thầy tận tâm dạy bằng cả TÂM lẫn TRÍ'- Ảnh 2.

Giáo sư John Vũ.

Tôi nói: "Đây quả là điều tôi không nghĩ ra vì mấy năm nay tôi không theo dõi các tiến trình và các phát kiến công nghệ nữa. Tuy điều này cũng hay đấy vậy theo anh một học sinh hoàn tất chương trình này sẽ ra sao? Bạn tôi nói ngay: "Họ sẽ là những người có kiến thức và kỹ năng có thể áp dụng ngay khi hoàn tất việc học cung cấp cho xã hội một lực lượng lao động có tay nghề rất cao." Tôi hỏi: Có thể những người này có kỹ nâng cao đấy nhưng liệu các máy móc thông minh hay nền giáo dục dựa trên trí thông minh nhân tạo này có thể tạo ra những con người "hoàn toàn" cho xã hội ngày nay không? Nếu không có những con người thực sự, những giáo sư tận tâm không những dạy về kiến thức mà còn dạy cả về tâm hồn, dạy bằng chính bản thân để giúp học sinh trở nên những con người với đúng ý nghĩa của "một người thật" chứ không phải người làm việc như một cái máy. Học sinh tốt nghiệp ngoài kiến thức chuyên môn, ngoài khả năng làm việc còn phải có cả tâm lẫn đức thì ai sẽ dạy những điều này? Bạn tôi không trả lời được câu hỏi này nên im lặng suy nghĩ một lúc. Tôi nói thêm: "Khi xưa tôi dạy môn Học máy (Machine Learning) một trong những khó khăn nhất là dạy về sự tương tác giữa người với người, việc làm việc chung với nhau trong một nhóm, sự trao đổi, hỗ trợ, giúp đỡ chứ không tranh đua, hơn thua hay cạnh tranh thường thấy trong môi trường giáo dục ngày nay. Máy móc không thể dạy việc này, dù có các thuật toán tốt đẹp thế nào. Dù robot có thông minh đến đâu cũng không thể thay thế con người được vì chúng ta có tim, có óc, có tình, và có yêu thương. Do đó tôi không tin các môn học sử dụng Robot hay trí thông mình nhân tạo có thể hiệu quả hơn một người thầy tận tâm dạy bằng cả tâm lẫn trí.

Bạn tôi cười: "Cách đây hơn năm chục năm, Internet mới được phát mình mà ngày nay nó đã nối mạng khắp thế giới, gần như ba phần tư dân số thế giới đều biết sử dụng Interet và khắp nơi những người trẻ đều biết lướt web trên iPhone qua Facebook, Tiktok vv. tôi nghĩ mười hay mười lăm năm nữa việc giảng dạy bằng robot sẽ được áp dụng triệt để khi nhu cầu của những người có kiến thức và kỹ năng cao sẽ được cần và sẽ có rất nhiều công ty khởi nghiệp về giáo dục được thành lập và một hay hai trong số những công ty này sẽ trở thành một Google hay Meta mới trong thoi gian sắp đến.

Tôi đồng ý: Dĩ nhiên việc phải đến sẽ đến vì sức tiến bộ của công nghệ và có thể những công ty giáo dục này sẽ trở thành những công ty hàng đầu nhưng điều làm tôi phân vân là con người lúc đó sẽ như thế nào? Họ có còn là một con người như ngày nay hay chỉ là những cỗ máy vô cùng thông minh nhưng vô tình hay vô cảm?

Lập tức lá thư này đã viral trên MXH và khiến nhiều người phải suy ngẫm. Còn bạn, bạn nghĩ sao về quan điểm của vị giáo sư nổi tiếng này?