![]() |
Việc bán ra khi cổ phiếu vừa mới lên giá, hoặc đã giảm giá khá sâu đều khiến người đầu tư chịu tổn thất. Ảnh: T.C. |
Hiệu ứng mỏ neo liên quan mật thiết đến thành bại trong đầu tư. Bạn mua một cổ phiếu với mức giá 500 tệ/cổ phiếu thì sẽ tự động cho rằng nó trị giá 500 tệ. Khi cổ phiếu này tăng lên 550 tệ, có thể bạn sẽ có tâm lý “ăn non”, vì bạn cảm thấy giá đó đã vượt qua giá trị ban đầu. Nhưng có khả năng bạn chỉ tình cờ mua vào trong lúc nó chạm đáy, còn giá trị thực của nó có thể vượt 1.000 tệ.
Đây chưa phải điều đáng sợ nhất, đáng sợ hơn là bạn mua nó ngay lúc chạm đỉnh 2.000 tệ và sau đấy biết được giá trị thực của nó chỉ 1.000 tệ, giờ thì giá của nó giảm còn 1.800 tệ, bạn có lập tức bán cắt lỗ không? Đa số mọi người sẽ không bán, bởi trong tâm trí đã hình thành giá mỏ neo 2.000 tệ, họ sẽ đợi nó tăng lên trên mức giá này mới bán.
Phiên phục hồi có thể xuất hiện hoặc không. Nhưng trên thị trường chứng khoán, một khi đã xác định giá neo thì rất dễ lún sâu vào hố, khả năng cao bạn sẽ không thể nhận ra hoặc chấp nhận giá trị thực của nó, sớm muộn cũng phải thanh lý mới kết thúc được.
Đây là lý do mà mọi người thường nói đầu tư là quá trình “đi ngược bản tính con người”.
Tôi hy vọng mọi người có thể vượt qua bản tính khi đầu tư, đừng bị neo bởi giá ban đầu và rơi vào bẫy. Không có cái gọi là neo giá trong đầu tư, ta chỉ có thể đánh giá giá cả dựa trên báo cáo tài chính, số liệu dự án, quá trình kinh doanh và các thông tin khác của công ty.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhận thấy rằng mỗi người đều có cách tư duy và quan niệm đầu tư khác nhau, khi đã hình thành một tư duy nhất định thì khó có thể chấp nhận những mô thức khác. Bạn thân nhất của Warren Buffett, Charlie Thomas Munger, rất thích trích dẫn một câu ngạn ngữ cổ: “Đối với người cầm búa, mọi vấn đề đều là một cái đinh.”
Ngoài đầu tư, có thể thấy ảnh hưởng của Hiệu ứng Mỏ neo ở mọi lĩnh vực đời sống. Nhiều người trong số các bạn hẳn đã nghe câu chuyện kinh điển này:
Có một cửa hàng bán bánh kếp, một trong hai nhân viên bán hàng luôn có thành tích cao hơn người còn lại, ông chủ cảm thấy rất khó hiểu. Một ngày nọ, ông chủ ngồi trong tiệm để quan sát sự khác biệt giữa hai nhân viên và phát hiện rằng mỗi khi có khách gọi món, một nhân viên luôn nói: Anh (chị) muốn thêm một trứng hay hai trứng?
Như vậy khách hàng sẽ lựa chọn giữa một hoặc hai, chỉ có 30% khách hàng không thêm trứng. Trong khi đó, nhân viên còn lại sẽ hỏi: Anh (chị) có muốn thêm trứng không? Vậy thì phạm vi suy nghĩ của khách hàng chỉ gói gọn trong “có cần thêm trứng không”, rất ít người nghĩ tới việc thêm hai trứng.
Một ví dụ khác, tại sao chúng ta luôn dựa vào nhảy việc để tăng lương? Bởi vì ở vị trí hiện tại, mức lương của bạn được so sánh với thu nhập neo từ trước đó, sếp không nhìn thấy những thay đổi rõ rệt từ bạn thì rất khó chấp nhận tăng lương cho bạn, thông thường mức tăng 5% hàng năm đã tính đến cả thâm niên.
Còn khi nhảy việc, sếp mới quyết định mức lương của bạn dựa trên mức lương mỏ neo của những người khác trong thị trường, mang tính ngẫu nhiên, sẽ có những ông chủ đưa ra mức lương cao hơn tiêu chuẩn nên lúc này bạn sẽ lựa chọn nhảy việc để tăng lương.
Tại sao có những người càng làm nhiều việc thì càng dễ bị sếp mắng? Cùng một việc, cùng tạo ra kết quả như nhau nhưng tại sao có người được khen, còn người bình thường làm rất tốt lại bị mắng?
Mỗi người có giá trị năng lực khác nhau, sếp nhận thấy ai có năng lực thì sẽ kỳ vọng nhiều hơn vào người đó. Ở một mức độ nào đấy, kỳ vọng của con người tương đương với độ sâu của mỏ neo, kỳ vọng càng cao thì mỏ neo càng chìm sâu, hiệu quả neo đậu sẽ càng rõ ràng.
Đối với những nhân viên được đặt kỳ vọng cao, một khi không đạt mức kỳ vọng của sếp thì sẽ bị cho rằng làm chưa tốt. Đối với những nhân viên năng lực kém hơn, sếp không đặt quá nhiều kỳ vọng, chỉ cần họ không phá hoại là đã được khen ngợi rồi.
Nói đến đây, chúng ta đều biết mỏ neo là phương tiện nhận thức nhưng cũng là “chướng ngại vật” ảnh hưởng đến quá trình ta nhìn nhận thế giới. Vậy làm thế nào để thoát khỏi giới hạn suy nghĩ?
Nhà văn người Mỹ Francis Scott Fidgerald từng viết rằng: Để kiểm tra ai đó có thông minh vượt trội hay không, chỉ cần xem anh ta có thể đồng thời tư duy theo hai hướng trái ngược nhau mà không bị cản trở hành vi hay không.
Có thể thấy, dù là ở các khía cạnh khác nhau như tình cảm, mua sắm, tìm việc… đều phải thiết lập tư duy cởi mở, tiếp thu thông tin đa chiều, tránh “neo” vào một nguồn thông tin duy nhất.
Chỉ khi cố gắng tránh tư duy sai lệch theo Hiệu ứng Mỏ neo, chúng ta mới có thể nhìn thấy giá trị thực sự trong mọi khía cạnh của thế giới, đặc biệt là giá trị thực sự của chính mình.