Người phụ nữ họ Ngô đang ăn mừng Tết Nguyên đán tại nhà riêng ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc thì gặp tai nạn ngoài ý muốn.
Theo China Press, anh trai của Ngô đã mang về nhà một số món đồ trông giống kẹo sữa mà cô ăn khi còn nhỏ.
Nghĩ rằng đó là món ăn vặt thời thơ ấu, Ngô đã bỏ một miếng vào miệng. Không ngờ, một tiếng nổ vang lên trong miệng khiến Ngô vô cùng sợ hãi.
Tai nạn khiến khoang miệng cô tê liệt, còn lưu lại mùi thuốc súng trong miệng. May mắn thay, Ngô vẫn có thể ăn và đánh răng.
![Cắn nhầm pháo nổ, người phụ nữ bị bỏng miệng- Ảnh 1. Cắn nhầm pháo nổ, người phụ nữ bị bỏng miệng- Ảnh 1.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/84137818385850368/2025/2/7/edit-can-nham-phao-no-nguoi-phu-nu-bi-bong-mieng1-17389035900221621856397.jpeg)
Bao bì bên ngoài của pháo nổ rất giống kẹo gây hiểu lầm. Ảnh: MN News
Hóa ra thứ cô Ngô cắn không phải kẹo mà là pháo nổ. Lúc đó Ngô đang xem tivi trong bóng tối nên không thể nhìn rõ bao bì. "Dù lúc đầu tôi không cảm thấy quá đau đớn, nhưng tôi có thể nếm được vị thuốc pháo trong miệng", người phụ nữ họ Ngô kể.
![Cắn nhầm pháo nổ, người phụ nữ bị bỏng miệng- Ảnh 2. Cắn nhầm pháo nổ, người phụ nữ bị bỏng miệng- Ảnh 2.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/84137818385850368/2025/2/7/can-nham-phao-no-nguoi-phu-nu-bi-bong-mieng2-17389037770071730064875.jpg)
Miệng của người phụ nữ bị tổn thương sau khi cắn nhầm pháo nổ. Ảnh: Oriental Daily
Cô Ngô nói rằng, bao bì của pháo nổ đã gây hiểu lầm, một số cư dân mạng Trung Quốc đồng tình rằng nó có thể bị nhầm lẫn với kẹo. Không có thông tin chi tiết về thời điểm xảy ra vụ tai nạn này.
Thực tế trường hợp pháo nổ bị nhầm thành kẹo không phải hi hữu. Năm 2021, cô Lisa Boothroyd (khi đó 48 tuổi) đến một cửa hàng tiện lợi ở thị trấn Rugby, hạt Warwickshire (Anh) để mua một ít vật dụng. Nhìn lên gian hàng bán bánh kẹo và đồ ăn nhẹ, cô Lisa lấy một chiếc hộp kẹo nhỏ, theo Daily Star.
Chiếc hộp nhỏ thực chất là Fun Snaps, một loại pháo nổ đồ chơi dành cho trẻ con. Những viên pháo nhỏ sẽ phát nổ khi giẫm lên, đập xuống bề mặt cứng hoặc có bất kỳ ma sát nào đủ mạnh. Mỗi viên pháo có kích thước rất nhỏ, chỉ đủ gây ra tiếng nổ vui tai chứ không đủ sức sát thương, ngay cả khi cho nổ trên lòng bàn tay.
Tuy nhiên, bao bì bên ngoài của pháo nổ lại rất giống kẹo nổ. Chính điều này đã khiến cô bị nhầm lẫn. Khi trở về nhà, cô Lisa đã cho một nắm vào miệng và nhai. Pháo đã nổ ngay trong miệng cô.
"Tôi cảm nhận được tiếng nổ trong miệng mình, sau đó là cảm giác đau rát", cô Lisa kể lại. Cô lập tức nhổ bỏ pháo trong miệng và gọi điện cho cơ quan y tế.
Cô được khuyên đi khám bác sĩ ngay. Bác sĩ phát hiện cô bị nứt một chiếc răng, bỏng hóa chất ở một số nơi trong miệng và đã kê thuốc giảm đau mạnh.
"Pháo Fun Snaps nhìn rất giống với các loại kẹo nổ và bao bì cũng rất giống nên dễ bị nhầm lẫn. Tôi vẫn còn run rẩy và bị sốc vào ngày hôm sau", cô cho biết.
Suốt hơn 1 tuần, cô Lisa không thể ăn uống bình thường mà chỉ ăn được bánh mì mềm với ngũ cốc lỏng. Cơn đau cũng khiến cô bị mất ngủ.
Cô Lisa chia sẻ câu chuyện của mình vì muốn mọi người cảnh giác. Những đứa trẻ hoàn toàn có thể bị nhầm lẫn và chịu hậu quả như cô.
Minh Hoa (t/h)