Những ngày vừa qua, cộng đồng mạng lại được một phen rôm rả vì chủ đề không mới, nhưng cũng chưa bao giờ cũ: Hà cớ gì mà phải OT (Over Time - Tăng ca ngoài giờ)?
Cuộc tranh luận bắt nguồn từ chia sẻ của một bạn trẻ trên nền tảng Threads. Khi đi ngang qua một tòa nhà văn phòng vào lúc 22:45, vô tình ngước lên thấy vẫn có phòng sáng đèn và một nhân sự đang cần mẫn làm việc, bạn trẻ này không thể không ngưỡng mộ…

Nguyên văn chia sẻ của một người vô tình chứng kiến cảnh nhân sự ở các công ty/tập đoàn lớn làm việc (Ảnh chụp màn hình)
Cộng đồng mạng “chia phe”
Ở phần bình luận của bài đăng phía trên, số đông dân công sở đều “ra rả” phản đối việc OT này, có người khẳng định chắc nịch OT đến 11h đêm là sai luật, vì 1 ngày OT không quá 4 giờ,... có người hô hào “làm ơn đừng lãng mạn hóa việc làm cho công ty/tập đoàn lớn rồi OT tới nửa đêm”,...
Trong 504 bình luận và 197 lượt repost, lác đác đâu đó một vài chia sẻ “ngược chiều”, đại ý rằng thực ra nhờ có quãng thời gian “bào sức” ở các công ty, tập đoàn lớn nên bây giờ sự nghiệp mới hanh thông, HR tự tìm đến mình chứ mình cũng chẳng cần đi rải CV nữa…

Một bên ra sức phản đối việc lãng mạn hóa chuyện “tăng ca quá lố” (Ảnh chụp màn hình)

Một vài người khác bộc bạch rằng được làm việc - với họ đó là niềm vui, và họ làm việc hết mình không phải vì “mấy đồng lương OT” mà là đang xây dựng và phát triển sự nghiệp của chính mình (Ảnh chụp màn hình)
Cứ thế, cuộc tranh luận khó đi đến hồi kết, cũng khó phân định đúng - sai…
Nhân sự làm việc tại các big corp nói gì?
Nếu bạn chưa biết: Mỗi ngành nghề đều có một nhóm công ty/tập đoàn được gọi là Big4 - là 4 “ông lớn” trong chính ngành đó. Chúng ta có Big4 ngành ngân hàng (BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank); Big4 ngành Kế - Kiểm (Deloitte, PwC, E&Y, KPMG); hay cả Big4 ngành Marketing (JWT, Ogilvy, GroupM, Grey, Y&R. WPP Group),...
Để trở thành nhân sự của những “ông lớn” này, chắc chắn là điều không đơn giản vì tỷ lệ chọi cao, quá trình phỏng vấn - làm bài test cũng khó nhằn nhưng đổi lại là chế độ đãi ngộ, lộ trình thăng tiến rõ ràng, và chắc chắn CV sau này sẽ đẹp hẳn lên. Đó là những thứ mà mọi người thường nghĩ về những nhân sự “bước ra từ nhóm Big4”.
Còn sự thật thì sao?
Phương Thảo (30 tuổi, Hà Nội) từng làm việc cho cho 1 tập đoàn trong nhóm Big4 ngành Kế - Kiểm chia sẻ: “Điều đầu tiên mình muốn nhấn mạnh là văn hóa doanh nghiệp của Big4 Việt Nam sẽ khác văn hóa doanh nghiệp của Big4 nước ngoài, dù cùng “1 mẹ” đi chăng nữa.
Với trải nghiệm và kinh nghiệm của mình khi làm Big4 Kiểm toán ở Việt Nam, việc OT đến 1-2h sáng rồi đến 8h sáng hôm sau lại có mặt ở công ty để làm tiếp, là có. Nhưng tùy đợt thôi, chúng mình gọi là “vào mùa kiểm toán” ấy, thì mới vậy, chứ bình thường thì cũng 5-6h chiều là xong việc, đi về thôi.
Làm Big4 nếu OT thì có lương OT rõ ràng, mỗi năm được xét duyệt thăng cấp 1 lần, rồi chế độ đãi ngộ cũng tốt - đặc biệt là vào mùa kiểm toán nên nhìn chung mình cũng không thấy có gì đáng để kêu ca phàn nàn. Đặc thù ngành thôi mà”.

Một trong những lần OT đến hơn 12h đêm của Phương Thảo khi "vào mùa kiểm toán" (Ảnh: NVCC)
Trong khi đó, Hà Chi (34 tuổi, hiện đang sinh sống ở ÚC) - Người từng làm việc cho 1 tập đoàn trong nhóm Big4 ngành Marketing bộc bạch: “Với những người đặt mục tiêu du học Thạc sĩ sau 1 khoảng thời gian đi làm như mình, thì việc vào được Big4 gần như là hành trình xin học bổng hoặc cơ hội ra nước ngoài làm việc sẽ rộng mở hơn rất nhiều.
Mình bắt đầu với trụ sở ở Việt Nam, và giờ mình đang làm việc cho trụ sở ở Úc của chính tập đoàn. Áp lực hay sự cạnh tranh trong công việc thì mình nghĩ là dù làm ở đâu thì cũng khó mà tránh được, chứ chẳng riêng gì Big4. Quan trọng là mình có định hướng cho riêng mình hay không thôi”.
Tóm lại thì: Không nên lãng mạn hóa chuyện OT, đúng nhưng chưa đủ!
Chia sẻ của Hà Chi và Phương Thảo khiến tôi chợt nhớ lại chính mình của cái thời mới tốt nghiệp Đại học, chân ướt chân ráo đi làm. Nếu bạn cũng từng bắt đầu làm việc ở một công ty nhỏ khi mới ra trường, tôi khá chắc bạn sẽ hiểu cảm giác này: Muốn được làm, muốn được bận nhưng… không có việc để làm, không có việc để bận.
Công việc của tôi khi đó gần như không có áp lực, cũng thiếu cả những thách thức để bản thân có cơ hội cọ sát, học hỏi và phát triển. Tôi làm ở đó gần 2 năm, không bao giờ OT, không bao giờ có việc đột xuất bất thình lình sau 17h30. Nghe lý tưởng quá đúng không? Với tôi, câu trả lời là không.

Ảnh minh họa
Ở độ tuổi 25, tôi không thấy được cơ hội phát triển của chính mình nếu cứ tiếp tục hài lòng với sự an nhàn ấy. Thế nên tôi chuyển việc, trầy trật mãi mới xin được vào một công ty với quy mô nhân sự ở mức “vừa” - khoảng 2000 người. Ban đầu thì cũng “ngợp” vì những công việc quá mới, quá khó, cũng “choáng” vì 9-10h tối vẫn còn phải thoăn thoắt cái tay trong các group công việc. Nhưng đổi lại, 6 tháng ở công ty mới, tôi thấy mình phát triển gấp đôi so với 2 năm ở công ty cũ.
Thế nên thiết nghĩ, câu chuyện mà chúng ta nên bàn ở đây, không phải là có nên OT không, hay hô hào nhau đừng bao giờ OT. Vấn đề thực sự cần quan tâm và làm rõ đơn giản chỉ là: Mình muốn gì ở công việc này và định hướng công việc tương lai của mình ra sao?
Chẳng có gì là sai nếu bạn thích một công việc an nhàn, ổn định, không thử thách quá nhiều.
Cũng chẳng có gì là sai nếu bạn thích một việc có tính cạnh tranh, có nhiều thử thách để phát triển và thăng tiến.
Khi đã biết mình kỳ vọng điều gì ở công việc hiện tại và cả định hướng trong tương lai, quyết định có OT hay đúng 17h30 đi về sẽ quay trở lại đúng bản chất của nó: Hoàn toàn là lựa chọn cá nhân. Không ai ép uổng, không ai bắt phải chịu đựng.
Quay trở lại câu hỏi ban đầu: Người bình thường đi làm văn phòng sẽ tan ca lúc 17h30, cùng lắm là 18h… Thế còn những người mà gần 11h đêm vẫn ở công ty, nên đặt biệt danh là gì? Câu trả lời: Là những người không mông lung với sự nghiệp của chính họ.