Tập 4 Gia đình Haha – Những ngày trời bao la khép lại chặng hành trình đầu tiên tại Bản Liền (Bắc Hà, Lào Cai) bằng một bữa cơm chan chứa cảm xúc. Ở phần cuối, những giọt nước mắt đã rơi. Cảm xúc vỡ òa, đến mức khán giả phải thốt lên: "Gia đình Haha thành Gia đình Huhu mất rồi!".
Giữa rất nhiều khoảnh khắc đáng nhớ trong tập phát sóng ấy, tôi lại bị ám ảnh bởi những điều vô cùng nhẹ nhàng – thứ tình yêu không cần gọi tên, không cần diễn giải nhưng ai cũng cảm nhận được. Đó là tình yêu của vợ chồng chị Thông – anh Hà: một người phụ nữ vùng cao đầy bản lĩnh và người đàn ông lặng lẽ đứng phía sau vợ, bằng tất cả niềm tin và tự hào.

Không nói yêu nhưng điều gì cũng là yêu
Có một đoạn chia sẻ nhỏ của bạn Đỗ Phúc được kể lại sau hậu trường vô cùng ấn tượng:
"Anh Hà hôm nọ nói với tôi là mong tôi dạy anh cách dùng máy tính, anh muốn phụ vợ quản lý booking của khách. Anh nói anh ngày xưa ít học nên mấy cái này anh không rành, anh chỉ giúp được chị Thông việc đồng áng với bếp núc thôi".
Một người đàn ông miền núi, ít học, cả đời quen tay cuốc chân cào, vậy mà giờ lại muốn học cách dùng máy tính. Không phải để khởi nghiệp hay kinh doanh lớn lao, mà chỉ để phụ vợ, để làm được thêm một việc nhỏ giúp chị đỡ vất vả.
Càng nghĩ, tôi càng thấm: Đó là cách anh yêu – không lời, không màu mè nhưng đầy trách nhiệm.

Anh không giành phần "trụ cột", không ngại vợ giỏi hơn, không thấy tự ti trước sự linh hoạt và tư duy của chị Thông. Ngược lại, anh tin vợ, tin vào con đường chị đã chọn từ 5 năm trước, khi mở homestay giữa núi rừng:
"Anh muốn làm homestay lâu dài, có lẽ giờ lòng tin của anh vào lựa chọn mở homestay của vợ 5 năm trước nó lớn hơn bao giờ hết, anh muốn sau này các con anh cũng theo gót bố mẹ".
Không một câu "anh yêu em", không một lời hoa mỹ nhưng chính điều đó – học vì vợ, tin vợ, mong con đi tiếp con đường của vợ chẳng phải là yêu đó sao?
"Không biết tại sao cô ấy thích mình"
Tình yêu của họ bắt đầu từ nhiều năm trước, khi cả hai còn trẻ, còn làm công xây nhà chung với người trong bản. Anh Hà kể lại, mặt hơi ngại ngùng, miệng cười tủm tỉm:
"Khi đi lấy công nhau làm nhà thì nói chuyện với nhau, hồi ấy chưa có điện thoại như bây giờ đâu. Không biết tại sao cô ấy thích mình, đi đâu cũng thấy đi theo".


Một mối tình chẳng cần tỏ tình, chẳng có tin nhắn yêu đương. Chị Thông là người chủ động – không phải vì chị "mạnh mẽ", mà vì chị biết đâu là người phù hợp để cùng mình đi suốt đời.
Không hoa, không nhẫn, không lời hứa hẹn viển vông, tình yêu của họ bền bỉ đi qua năm tháng bằng sự đồng hành và thấu hiểu. Trên sóng chương trình, khi anh Hà bị phạt uống rượu, chị nhẹ nhàng dặn chồng: "Uống vừa vừa thôi anh nha".
Khi chơi trò nối từ cùng dàn cast mà anh bí từ, chị lặng lẽ nhắc chồng bằng tiếng Tày. Chỉ thế thôi nhưng những hành động nhỏ ấy, ai xem cũng cảm nhận được tình yêu đang hiện diện rõ ràng hơn mọi lời có cánh.
Có những tình yêu không hiện lên bằng nhẫn cưới, không cần những ngày lễ kỷ niệm. Có những người vợ không cần "được yêu như công chúa" nhưng vẫn được trân trọng từng chút. Có những người chồng không nói yêu vợ trước đám đông nhưng lặng lẽ đứng sau, học cách làm booking, phụ bếp, nuôi trâu, bón rau… vì yêu vợ.
Tình yêu của anh Hà – chị Thông là vậy. Giản dị như cơm lam muối vừng, chân chất như ruộng bậc thang mùa gặt, không rực rỡ nhưng vững như đá núi.
Và giữa một thế giới xô bồ nhiều thứ mộng ảo, thì tình yêu chân thành ấy mới chính là điều khiến người ta phải rưng rưng.