Theo Toutiao, anh Lý ở Thâm Quyến, Trung Quốc, vốn là chủ sở hữu của một công ty sản xuất linh kiện điện tử. Sau 5 năm thành lập, tình hình làm ăn của công ty này khá ổn định nhưng lại không có sự bứt phá so với các đối thủ khác trên thị trường. Cho rằng nguyên nhân của vấn đề có thể đến từ cách thức quản lý cứng nhắc của mình, anh Lý đã thuê một số chuyên gia trong nước đến hỗ trợ nhưng tình hình cũng không cải thiện hơn là mấy.
Năm 2021, nghe lời khuyên của bạn bè, anh Lý đã chi 3,5 triệu NDT/năm (hơn 12 tỷ đồng) mời một giám đốc người Nhật về điều hành và mở rộng công ty giúp mình.
Theo đó, vị sếp người Nhật này đã 61 tuổi, là Tiến sĩ tốt nghiệp Đại học Tokyo. Ông cũng từng làm việc tại Tập đoàn điện tử lớn ở Nhật Bản gần 20 năm và có rất nhiều kinh nghiệm quản lý. Dù mức lương 3,5 triệu NDT/năm là khá cao song vì muốn giúp công ty bước sang kỷ nguyên mới, anh Lý cũng không do dự.
Thậm chí, để vị sếp này cảm thấy thoải mái làm việc, anh Lý còn sắp xếp cho ông ấy ở trong một căn phòng hạng sang tại khách sạn 5 sao trong thành phố và trả trước tiền ở 1 năm. Những tưởng việc làm này sẽ giúp công ty của anh Lý càng phát triển, nào ngờ chỉ 1 năm sau đó, công ty này suýt phá sản.
Khi nghe tin công ty được quản lý bởi một lãnh đạo mới, nhiều nhân viên trong công ty của anh Lý tỏ ra khá hào hứng. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc, không khí làm việc trong công ty bắt đầu trở nên căng thẳng.
Hoá ra sau 1 tháng tiếp nhận công việc, vị sếp người Nhật đã nhanh chóng thành lập bộ phận quản lý kinh doanh để giám sát ngân sách của công ty với mục đích giảm tải chi phí không cần thiết. Sau đó, ông ấy còn ban hành rất nhiều quy định về giờ làm, tăng ca cũng như sử dụng hình phạt để răn đe nếu nhân viên phạm lỗi.
Kể từ khi vị sếp này trực tiếp quản lý và điều hành, vấn đề tài chính của công ty đã phần nào được giải quyết. Tuy nhiên cũng từ đó, nhiều nhân viên thường đến văn phòng của anh Lý để phàn nàn rằng cơ chế quản lý mới khiến họ rất áp lực. Chưa hết, việc phân chia giờ làm quá cứng nhắc, không đủ linh hoạt cho nhân viên khiến họ rất mệt mỏi. Dẫu vậy, anh Lý cho rằng do nhân viên chưa quen với cách làm việc của sếp mới và cần thêm thời gian để thích ứng nên cũng không quá bận tâm.
Dưới dự quản lý của sếp mới, công ty của anh Lý quả có sự thay đổi. Doanh thu có thời điểm tăng vọt khiến anh Lý càng thêm tin tưởng vị sếp Nhật này. Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau, người đàn ông này mới nhận ra rằng công ty của mình đang có vấn đề.
Theo đó, nhiều nhân viên trong công ty vì chịu không nổi áp lực nên đã chọn cách rời đi. Khi mà doanh thu quá lớn, nhu cầu đẩy mạnh sản xuất tăng lên nhưng thiếu nhân lực, vị sếp Nhật chọn phương án tuyển thêm người mới. Thế nhưng nhiều nhân viên mới chưa quen việc nên chất lượng sản phẩm làm ra không đạt tiêu chuẩn, thường xuyên phải làm lại gây lãng phí nhân lực và tài chính.

Ảnh minh hoạ: Internet
Dần dần, nhiều quản lý bộ phận cũng xin từ chức. Họ đưa ra lý do công ty có quá nhiều quy trình cần phê duyệt, hệ thống quá cồng kềnh và hiệu quả công việc rất thấp. Ngay cả những nhân sự đồng hành cùng công ty từ những ngày đầu thành lập cũng muốn nghỉ việc khiến anh Lý bắt đầu nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề và đến gặp vị sếp người Nhật để trao đổi. Tuy nhiên, dưới sự thuyết phục của ông ta, anh Lý vẫn quyết định trao niềm tin cho người này thêm một lần nữa.
Cứ thế, tình hình công ty của anh Lý càng tệ. Vì thường xuyên thay đổi người, nhân viên mới chưa nắm rõ quy trình nên hiệu quả công việc giảm sút, không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Đến cuối năm 2022, sau một năm dưới sự quản lý của vị sếp người Nhật, gần như tất cả khách hàng trước đó của anh Lý đã đều không còn, một số nhân viên cũ và nhân viên xuất sắc cũng đã rời đi. Công ty này gần như rơi vào khủng hoảng. Đường cùng, anh Lý đành phải nói lời tạm biệt với vị sếp người Nhật và trở lại tiếp quản công ty.
Sau sự việc này, anh Lý đau đớn nhận ra rằng cách quản lý của vị sếp Nhật có thể rất tốt nhưng lại chưa thực sự phù hợp với công ty của mình. Trong kinh doanh, việc áp dụng cái hay, cái giỏi của người khác có thể là cần thiết nhưng trước hết, người lãnh đạo cần xét xem cái hay, cái tốt đó có thực sự phù hợp với doanh nghiệp của mình hay không. Với trường hợp của anh Lý, việc áp dụng mà không có sự cân nhắc kỹ càng đã khiến tâm huyết bao nhiêu năm của người đàn ông này suýt đổ sông đổ bể. Đây cũng là bài học xương máu mà có lẽ cả đời này anh Lý không bao giờ quên.
(Theo Toutiao)