![]() |
Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình đã rời khỏi danh sách tỷ phú năm 2025 của Forbes. Ảnh: Znews. |
Tạp chí Forbes của Mỹ vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2025. Đáng chú ý, Việt Nam chỉ đóng góp 5 tỷ phú trong năm nay sau khi gia đình Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương rời danh sách này.
Cụ thể, 5 tỷ phú Việt có tên gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Trong đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục là người giàu nhất Việt Nam khi sở hữu khối tài sản trị giá 6,5 tỷ USD tính đến ngày 4/1. So với năm ngoái, giá trị tài sản của Chủ tịch Vingroup đã tăng mạnh 2,1 tỷ USD, tương đương 48%.
Hiện tỷ phú Vượng đang đứng thứ 535 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, tăng 177 bậc so với năm trước đó.
Thực tế, theo thời gian thực, Chủ tịch Vingroup kiêm CEO VinFast Phạm Nhật Vượng đang nắm trong tay khối tài sản lên tới 7,7 tỷ USD. Hiện ông Vượng xếp vị trí thứ 397 trong danh sách tỷ phú thế giới, tăng đến 315 bậc nếu tính trong 3 tháng đầu năm nay.
Đà tăng mạnh của cổ phiếu VIC (Vingroup) là động lực chính giúp tài sản của ông ngày càng gia tăng. Trong tháng qua, cổ phiếu VIC đã tăng gần 50% giá trị. Hiện mã này cũng đang có chuỗi 8 phiên liên tiếp tăng điểm.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, VIC đóng cửa ở mức 59.700 đồng/cổ phiếu, cao nhất 19 tháng qua và đóng góp tích cực vào sắc xanh của thị trường chứng khoán.
Vốn hóa của Vingroup cũng mở rộng lên 228.272 tỷ đồng, vượt qua VietinBank để vươn lên vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng vốn hóa HoSE, chỉ xếp sau Vietcombank và BIDV. Vingroup tiếp tục giữ vững vị thế là tập đoàn tư nhân lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
5 DOANH NHÂN VIỆT NAM LỌT DANH SÁCH TỶ PHÚ THẾ GIỚI | ||||||
Nguồn: Forbes. | ||||||
Nhãn | Phạm Nhật Vượng | Nguyễn Thị Phương Thảo | Trần Đình Long | Hồ Hùng Anh | Nguyễn Đăng Quang | |
Năm 2024 | tỷ USD | 4.4 | 2.8 | 2.6 | 1.7 | 1.2 |
Năm 2025 | 6.5 | 2.8 | 2.4 | 2 | 1 |
Kế sau ông Vượng là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Vietjet Air. Năm vừa qua, khối tài sản của bà Thảo đi ngang ở ngưỡng 2,8 tỷ USD.
Trong khi đó, tài sản của “vua thép” Trần Đình Long lại giảm mạnh 200 triệu USD xuống còn 2,4 tỷ USD.
Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ diễn biến không mấy khả quan của cổ phiếu Hòa Phát trên sàn chứng khoán. Trong năm 2024, thị giá HPG hầu như không đổi, dao động trong vùng 26.000 đồng/đơn vị.
Năm vừa qua được xem là giai đoạn biến động với tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Chủ tịch Masan lần đầu ghi tên vào danh sách tỷ phú USD hồi 2018, từ đó đến nay khối tài sản của ông dao động trong khoảng 1-1,9 tỷ USD. Trong đó, mức cao nhất 1,9 tỷ USD được Forbes ghi nhận vào năm 2022.
Năm vừa qua, ông chủ tập đoàn Masan liên tục “biến mất” rồi trở lại danh sách của Forbes do những biến động của cổ phiếu MSN. Hiện ông Quang đang đứng trong danh sách tỷ phú với khối tài sản 1 tỷ USD, giảm 200 triệu USD.
Bên cạnh ông Vượng, tỷ phú Việt cuối cùng chứng kiến khối tài sản “phình to” là Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh. Với 2 tỷ USD, tăng 300 triệu USD sau một năm, ông Hồ Hùng Anh hiện xếp thứ 1.763 trong nhóm giàu nhất thế giới
Năm nay, danh sách của Forbes không có sự xuất hiện của ông Trần Bá Dương và gia đình. Trước đó, gia đình ông Dương sở hữu 1,2 tỷ USD.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.