Chưa từng hút thuốc vẫn bị ung thư phổi, bác sĩ: Nguyên nhân đến từ 1 thứ mà ai cũng thường tiếp xúc, nhất là phụ nữ châu Á

Tình trạng này gặp nhiều ở Đông Nam Á và Trung Quốc nên cần hết sức lưu ý.

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh, tỷ lệ ung thư phổi ở những người chưa từng hút thuốc đang tăng nhanh, trong đó ô nhiễm không khí là một yếu tố quan trọng.

Dạng ung thư phổi này, đặc biệt là ung thư biểu mô tuyến, hiện là loại phổ biến nhất ở phụ nữ tại hơn 185 quốc gia. Năm 2022, số ca mắc ung thư phổi trên toàn cầu lên tới 2,5 triệu người, trong đó phụ nữ chiếm gần 1 triệu trường hợp.

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet Respiratory Medicine, ô nhiễm không khí được xác định là một trong những nguyên nhân chính góp phần vào sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, từ 53% đến 70% số ca ung thư phổi ở những người không hút thuốc có liên quan đến ô nhiễm không khí. Xu hướng này đang gia tăng ở cả nam và nữ trong giai đoạn 2020-2022, với phụ nữ chiếm khoảng 60% tổng số ca mắc.

photo-1738911697931

Theo nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) được công bố trên tạp chí The Lancet Respiratory Medicine, vào năm 2022, có khoảng 200.000 trường hợp ung thư biểu mô tuyến liên quan đến ô nhiễm không khí. Gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí gây ra cao nhất ở Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Khi tỷ lệ hút thuốc giảm trên toàn cầu, số ca ung thư phổi ở những người không hút thuốc lại gia tăng, đưa căn bệnh này trở thành nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng thứ năm trên thế giới.

Xu hướng này đáng chú ý nhất ở phụ nữ và người dân châu Á, với mối liên hệ chặt chẽ giữa ô nhiễm không khí và ung thư biểu mô tuyến tại các khu vực như Đông Á.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc sử dụng nhiên liệu rắn để sưởi ấm và nấu ăn trong gia đình là nguyên nhân chính gây ung thư phổi ở phụ nữ Trung Quốc không hút thuốc.

photo-1738911756137

Trong một cuộc phỏng vấn với The Guardian, tiến sĩ Freddie Bray – tác giả chính của nghiên cứu và là người đứng đầu Bộ phận Giám sát Ung thư của IARC – nhấn mạnh rằng những phát hiện này cho thấy sự cần thiết của việc giám sát chặt chẽ nguy cơ ung thư phổi trong bối cảnh tình hình đang thay đổi.

Ô nhiễm không khí ở Việt Nam

Ô nhiễm không khí khiến con người phải tiếp xúc với các hạt bụi mịn trong không khí bị ô nhiễm. Những hạt này có thể xâm nhập sâu vào phổi và hệ tim mạch, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như đột quỵ, tim mạch, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và nhiễm trùng đường hô hấp. Các nguồn gây ô nhiễm chính bao gồm hoạt động công nghiệp, giao thông vận tải, các nhà máy nhiệt điện than và việc sử dụng nhiên liệu rắn. Hiện tượng ô nhiễm không khí đang gia tăng với tốc độ đáng lo ngại, tác động tiêu cực đến nền kinh tế và chất lượng cuộc sống.

Theo tổ chức WHO, tình trạng ô nhiễm không khí là mối đe dọa đối với sức khỏe con người trên toàn cầu. Ước tính năm 2018, 9/10 người dân trên thế giới đang phải hít thở bầu không khí chứa nồng độ cao các chất ô nhiễm. Ô nhiễm không khí, bao gồm cả môi trường trong nhà và ngoài trời, gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới. Riêng khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận khoảng 2,2 triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí. Tại Việt Nam, tình trạng này cũng đáng báo động với khoảng 60.000 người tử vong mỗi năm do các vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí.

photo-1738911724575

Bên cạnh ô nhiễm không khí ngoài trời, khói thải từ các hộ gia đình cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe của khoảng 3 tỷ người – những người vẫn sử dụng nhiên liệu sinh khối và than đá để nấu ăn và sưởi ấm. Năm 2016, ước tính có khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà. Phần lớn những tác động này ảnh hưởng đến các quốc gia đang phát triển, nơi vẫn còn nhiều hộ gia đình phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu truyền thống.

Không chỉ gây hại trong phạm vi gia đình, ô nhiễm không khí từ sinh hoạt còn góp phần làm gia tăng ô nhiễm môi trường bên ngoài, ảnh hưởng đến cả khu vực đô thị và nông thôn. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng cần được giải quyết nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng và chất lượng không khí.