Chứng khoán toàn cầu 'hưng phấn'

Cả thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á đều tăng mạnh trong phiên gần nhất, giữa lúc cuộc bầu cử Mỹ đang diễn ra. Trong khi đó, thị trường châu Âu duy trì sự thận trọng hơn

Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á tăng mạnh giữa cuộc bầu cử Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

Trong phiên giao dịch gần nhất tại Mỹ và phiên đang diễn ra ở một số thị trường, các chỉ số chứng khoán đại diện những thị trường lớn toàn cầu đều đang ghi nhận diễn biến tích cực khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiến dần đến hồi kết.

Mỹ, châu Á khởi sắc, châu Âu thận trọng

Vào ngày cuối của kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, chứng khoán Mỹ ghi nhận diễn biến tăng mạnh, với các cổ phiếu công nghệ và chip dẫn đầu đà tăng trưởng, theo AP.

Chỉ số S&P 500 tăng 1,2%, đạt 5.772 điểm, tiến gần mức kỷ lục được thiết lập vào tháng trước. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones tăng 1%, còn Nasdaq Composite tăng 1,4%.

Đà tăng được thúc đẩy bởi các dữ liệu kinh tế tích cực từ lĩnh vực dịch vụ vào tháng trước. Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ cho biết chỉ số PMI phi sản xuất - một thước đo của lĩnh vực dịch vụ - đã tăng lên mức 56/100 trong tháng trước, cao nhất kể từ tháng 8/2022, so với ngưỡng 54,9 của tháng trước đó.

Điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ dần đi vào ổn định và giảm thiểu rủi ro suy thoái, dù vẫn tồn tại nỗi lo về lạm phát kéo dài.

Đáng chú ý, sự phát triển tích cực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) cũng góp phần lớn vào sự phục hồi của thị trường. Cổ phiếu GlobalFoundries tăng 14,7%, Nvidia tăng 2,4%, Meta Platforms tăng 1,9% và Tesla tăng 3,9%, cho thấy sự hứng khởi của thị trường đối với công nghệ và sản xuất chip, theo Livemint.

Palantir tăng vọt 23% lên mức cao kỷ lục sau khi nâng dự báo doanh thu năm. Trong khi đó, cổ phiếu của Trump Media & Technology Group, công ty mẹ của mạng xã hội Truth Social, dù suy yếu, vẫn kết phiên với mức tăng 1%.

Trước đó, cổ phiếu này đã tăng hơn 15% nhờ tỷ lệ thắng cược của ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump cải thiện trên các sàn cá cược.

Trong khi đó, tại châu Âu diễn biến có phần thận trọng hơn, thị trường chứng khoán kết phiên 5/11 với chỉ số STOXX 600 tăng nhẹ 0,1% nhờ nhóm cổ phiếu công nghiệp, theo Bloomberg.

Hầu hết thị trường khu vực này cũng đều tăng điểm, ngoại trừ FTSE MIB của Italy giảm 7,1% do cổ phiếu Ferrari lao dốc sau báo cáo sản lượng quý III giảm. Ngành công nghiệp tăng hơn 1%, với Melrose Industries (Anh) tăng 4% nhờ dự báo dòng tiền lạc quan từ Citigroup.

"Chiến thắng của Trump có thể tốt cho cổ phiếu Mỹ, nhưng là cơn ác mộng cho thị trường châu Âu và quốc tế. Nếu Harris thắng, cổ phiếu châu Âu và quốc tế có thể hưởng lợi", Ben Ritchie, Quản lý bộ phận cổ phiếu thị trường của Abrdn nhận định.

chung khoan my anh 1

Ông Trump đang dẫn trước bà Harris. Ảnh: New York Times.

Trung Quốc, Nhật Bản đồng loạt tăng điểm

Tại khu vực châu Á, chứng khoán Trung Quốc trong phiên giao dịch gần nhất ghi nhận diễn biến tăng mạnh nhất trong 4 tuần, theo Business Times.

Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite tăng 2,32%, lên mức 3.387 điểm, trong khi chỉ số CSI 300 của các cổ phiếu bluechip tăng 2,53%, đạt 4.044,57 điểm.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng tăng 2,14%, chốt phiên ở mức 21.006,97 điểm, đây là mức cao nhất kể từ ngày 14/10. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,56%, đạt 7.556,62 điểm.

Đà tăng trưởng được thúc đẩy nhờ triển vọng kinh tế tích cực, khi Thủ tướng Lý Cường bày tỏ tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu GDP năm nay và các mục tiêu kinh tế tương lai, sau các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ từ Bắc Kinh.

Tâm lý thị trường cũng cải thiện nhờ khảo sát tư nhân cho thấy hoạt động dịch vụ tháng 10 của Trung Quốc tăng nhanh nhất trong 3 tháng.

Ngoài ra, các chỉ số chứng khoán của Nhật Bản cũng ghi nhận tín hiệu tích cực. Chỉ số Nikkei 225 tăng 1,11%, đóng cửa ở mức 38.475 điểm, và Topix tăng 0,76% lên 2.664 điểm trong phiên giao dịch sau kỳ nghỉ lễ, theo Trading Economics.

Thị trường lạc quan được "tiếp sức" bởi triển vọng kinh doanh ổn định và giá trị đồng nội tệ Nhật Bản suy yếu.

Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn thận trọng trước bầu cử tổng thống Mỹ và quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.