Kể từ khi bắt đầu con đường nghiên cứu y khoa vào năm 1951, Tôn Yến, viện sĩ của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc, bác sĩ ung thư lâm sàng và giám đốc Trung tâm nghiên cứu lâm sàng thuốc mới quốc gia thuộc Trung tâm Ung thư Quốc gia Trung Quốc (NCC), đã dành 60 năm để tập trung tìm cách chống lại bệnh ung thư. Hiện nay, mặc dù đã 95 tuổi nhưng ông vẫn khỏe mạnh và luôn giữ được tinh thần phấn chấn. Là một bác sĩ chuyên khoa ung thư, ông Tôn Yến đã nhiều lần chia sẻ bí quyết phòng ngừa ung thư của mình trước công chúng và trên thực tế những điều đó không hề khó khăn như chúng ta nghĩ.
Bác sĩ Tôn Yến luôn tuân thủ những nguyên tắc sống lành mạnh, mà theo ông, chính là “lá chắn” giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư. 4 điều ông tuyệt đối nói “không” gồm:
1. Không đụng đến thức ăn nhiều dầu mỡ, chiên rán và thực phẩm chế biến sẵn
Giáo sư Tôn Yến có một nguyên tắc khi ăn uống: chỉ ăn đến 7 phần no, cảm thấy vừa đủ là buông đũa, rời khỏi bàn ăn ngay. Bên cạnh đó, ông tránh xa mỡ động vật, thịt đỏ và các món chiên rán vì đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hoá.
Theo một báo cáo từ Trung tâm Ung thư Quốc gia Trung Quốc, thiếu hụt trái cây và rau củ trong chế độ ăn uống là nguyên nhân gây ung thư hàng đầu tại nước này, chiếm tới 15,6% trong số 23 yếu tố nguy cơ chính, vượt cả hút thuốc và uống rượu.
Thực phẩm không lành mạnh là một trong những “mồi lửa” kích thích tế bào ung thư phát triển. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói, jambon vào nhóm 1 – nhóm chất gây ung thư hàng đầu. Ăn nhiều loại thực phẩm này làm tăng 18% nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Không chỉ vậy, thịt đỏ cũng là yếu tố nguy cơ cao. Việc ăn nhiều thịt bò, thịt cừu thường xuyên có thể làm rút ngắn tuổi thọ và tăng khả năng mắc ung thư ruột. Đáng lo ngại hơn, khi những loại thịt này được nướng hoặc chiên rán, mức độ sinh ra chất gây ung thư còn cao hơn nữa.
Giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả là: hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, thức ăn nhiều dầu mỡ, và bổ sung rau củ quả mỗi ngày.
Theo Hướng dẫn Dinh dưỡng Quốc gia Trung Quốc, mỗi người nên ăn 300–500g rau xanh và 200–350g trái cây tươi mỗi ngày, kết hợp với lượng thịt phù hợp để cân bằng dinh dưỡng và giảm nguy cơ ung thư.

Bác sĩ Tôn Yến
2. Không hút thuốc, không uống rượu
Giáo sư Tôn Yến nhiều lần lên tiếng kêu gọi cộng đồng kiểm soát thuốc lá nghiêm ngặt như kiểm soát uống rượu khi lái xe. Ông chia sẻ, rất nhiều bệnh nhân ung thư đã bỏ thuốc nhờ nghe lời khuyên của ông. Đương nhiên, nếu họ bỏ thuốc sớm hơn, có lẽ đã không cần phải vào viện.
Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có ít nhất 69 chất gây ung thư như nicotine, hắc ín, nitrosamine… Thời gian hút càng dài, số lượng càng nhiều, tác hại càng lớn.
Theo Báo cáo về tác hại của thuốc lá tại Trung Quốc năm 2020, mỗi năm có khoảng 1 triệu người chết vì hút thuốc, nhiều hơn tổng số người tử vong do HIV/AIDS, lao phổi, tai nạn giao thông và tự tử cộng lại.
Rượu cũng là chất gây ung thư nhóm 1, tức là chắc chắn gây ung thư ở người. Cứ 18 ca ung thư thì có 1 ca liên quan đến uống rượu, bao gồm các loại ung thư như miệng, họng, gan, dạ dày...
3. Không để cơ thể nhiễm các tác nhân gây ung thư
Nhiều loại ung thư không phải do di truyền hay lối sống, mà đến từ các tác nhân truyền nhiễm. Năm 2018, theo thống kê của tạp chí The Lancet Global Health, có khoảng 2,2 triệu ca ung thư mới trên toàn cầu bắt nguồn từ nhiễm trùng, chiếm khoảng 13% tổng số ca.
Bốn tác nhân phổ biến cần lưu ý:
- Virus HPV: liên quan đến hơn 90% ca ung thư cổ tử cung, lây qua quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc trực tiếp.
- Virus viêm gan B (HBV): dẫn đến ung thư gan qua quá trình viêm gan, dẫn đến xơ gan và ung thư. Lây qua máu, quan hệ tình dục hoặc từ mẹ sang con.
- Virus Epstein–Barr (EBV): gây ung thư vòm họng, lây qua nước bọt.
- Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): làm tăng 2–6 lần nguy cơ ung thư dạ dày, lây qua đường miệng hoặc phân. Dùng chung bát đũa, không rửa tay sau khi đi vệ sinh là thói quen dễ gây lây nhiễm.
Ung thư không lây, nhưng tác nhân gây ung thư thì có thể lây. Vì vậy, giáo sư Tôn Yến đặc biệt nhắc nhở mọi người cần duy trì vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, và tiêm vắc-xin đầy đủ (như vắc-xin HPV).

4. Không để bản thân chìm trong cảm xúc tiêu cực
“Đừng tức giận, đừng cố chấp, đừng luẩn quẩn trong suy nghĩ. Hãy học cách sống vô tư một chút” - đó là lời khuyên của giáo sư Tôn Yến về cách đối diện với căng thẳng trong cuộc sống hiện đại.
Ông tự nhận mình là người “vô tư”, bởi ông gần như không bao giờ nổi nóng hay buồn bực. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân ung thư ông từng gặp đều có điểm chung: thường xuyên căng thẳng, trầm cảm, u uất.
Áp lực tinh thần kéo dài khiến cơ thể rơi vào trạng thái stress mãn tính, làm suy giảm miễn dịch và tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển.
Đặc biệt, những cảm xúc tiêu cực như tức giận, buồn bã, tủi thân nếu bị dồn nén, không được giải tỏa đúng cách, sẽ gây tổn thương sâu sắc đến cơ thể.
(Theo 163 news)