Chuyên gia: Áo mặc 5 lần, quần bò mặc 30 lần mới nên giặt - Hóa ra nhiều người đều đang giặt đồ "quá chăm"

Bạn nghĩ sao về đề xuất này?

Cơ quan Chuyển đổi Sinh thái (ADEME) của Pháp đã đưa ra khuyến nghị về việc giảm tần suất giặt quần áo nhằm giảm tác động môi trường. Theo đó, áo thun có thể mặc 5 lần, quần bò 30 lần, trong khi đồ tập thể dục nên mặc ít nhất ba lần trước khi giặt.

Tuy nhiên, đề xuất này nhanh chóng vấp phải phản đối từ công chúng, đặc biệt là những lo ngại về vấn đề vệ sinh, nhất là với trang phục thể thao vốn tích tụ nhiều vi khuẩn và mồ hôi. Dù vậy, nhiều chuyên gia lại cho rằng đã đến lúc cần thay đổi quan niệm về sự sạch sẽ và cân nhắc lợi ích môi trường của việc giặt giũ hợp lý.

Giặt giũ gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn bạn nghĩ

Hoạt động giặt giũ có tác động môi trường đáng kể. Thống kê cho thấy, mỗi năm, máy giặt trên toàn thế giới thải ra khoảng 62 triệu tấn khí CO2. Riêng tại châu Âu, 60% lượng khí thải này đến từ việc làm nóng nước khi giặt. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, số lần giặt trung bình hàng năm đã tăng 9,6% trong giai đoạn 2005-2014, từ 6,2 tỷ lên 6,9 tỷ lượt giặt.

Bên cạnh khí thải carbon, việc giặt quần áo cũng gây ra vấn đề ô nhiễm vi sợi. Trong quá trình giặt, sự ma sát trong lồng giặt khiến các sợi vải nhỏ bị bong ra. Theo Sajida Gordon, giảng viên và nhà nghiên cứu tại Đại học Nottingham Trent, một số loại vải như polyester, nỉ và acrylic có xu hướng thải ra lượng vi sợi lớn nhất.

photo-1740475500311

Một nghiên cứu năm 2016 của Đại học Plymouth (Anh) phát hiện rằng, một lần giặt quần áo làm từ polyester có thể giải phóng tới 700.000 vi sợi siêu nhỏ (Vi sợi chiếm tới hơn 30% tổng lượng ô nhiễm nhựa ở các đại dương trên thế giới.)

Những vi sợi này quá nhỏ để bị giữ lại trong hệ thống xử lý nước thải, khiến chúng đi thẳng ra sông, biển và gây hại cho hệ sinh thái. Khi sinh vật biển ăn phải những hạt vi sợi này, chúng có thể tích tụ trong chuỗi thức ăn, đồng nghĩa với việc con người cũng có nguy cơ tiêu thụ chúng.

Ngoài ra, các loại chất tẩy rửa được sử dụng trong giặt giũ cũng góp phần làm mất cân bằng sinh thái và gia tăng lượng khí thải carbon. Dù nhiều người đã nhận thức được những tác động tiêu cực này, nhưng phần lớn vẫn ngần ngại thay đổi thói quen giặt giũ do lo sợ mất vệ sinh. Một nghiên cứu của Đại học Công nghệ Chalmers (Thụy Điển) chỉ ra rằng nỗi lo ngại về hình ảnh cá nhân thường lấn át các quan tâm về môi trường.

Thực tế, giặt quần áo quá thường xuyên còn làm giảm tuổi thọ của trang phục, khiến chúng nhanh hỏng và làm gia tăng lượng rác thải thời trang. Điều này gây áp lực lên môi trường, khi ngành công nghiệp thời trang vốn đã là một trong những ngành có mức độ ô nhiễm cao nhất thế giới.

Vậy làm thế nào để có thể giảm tần suất giặt quần áo mà vẫn duy trì vệ sinh cá nhân?

Nhà tạo mẫu Lindsay Edwards (Anh) khuyến nghị một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả: sử dụng khứu giác. "Nếu quần áo vẫn có mùi dễ chịu và không có vết bẩn rõ ràng, hãy treo chúng trở lại tủ thay vì ném ngay vào máy giặt", cô gợi ý.

Chuyên gia vệ sinh Heidi Phillips cũng cho rằng nếu không làm việc trong môi trường dễ bẩn, không đổ thức ăn hoặc đồ uống lên quần áo, đồng thời duy trì việc tắm rửa thường xuyên và sử dụng chất khử mùi, thì hoàn toàn có thể mặc một bộ đồ ít nhất hai lần trước khi giặt.

Chuyên gia: Áo mặc 5 lần, quần bò mặc 30 lần mới nên giặt - Hóa ra nhiều người đều đang giặt đồ "quá chăm"- Ảnh 2.

Tuy nhiên, có một số ngoại lệ. Đồ lót, do tiếp xúc trực tiếp với cơ thể và hấp thụ nhiều dầu, mồ hôi cùng tế bào da chết, cần được giặt sau mỗi lần mặc. "Áo len hay cardigan có thể mặc từ bốn đến năm lần nếu có mặc áo lót bên trong", Heidi bổ sung.

Mặc dù vậy, cô không đồng tình với khuyến nghị của ADEME về trang phục thể thao. "Quần áo tập luyện nên được giặt ngay sau mỗi lần mặc", cô nhấn mạnh. "Loại trang phục này thường làm từ sợi tổng hợp, có khả năng giữ ẩm cao, tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển nhanh chóng. Điều này không chỉ gây mùi khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe da liễu".

Tóm lại, việc giảm tần suất giặt quần áo không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn kéo dài tuổi thọ của trang phục. Tuy nhiên, cần có sự điều chỉnh hợp lý để vừa tiết kiệm tài nguyên vừa đảm bảo vệ sinh cá nhân. Những thay đổi nhỏ trong thói quen giặt giũ có thể tạo ra tác động lớn, góp phần xây dựng một lối sống bền vững hơn.