Có gì đặc biệt trong đề xuất giảm tới 70% tiền sử dụng đất?

Bộ Tài chính đề xuất giảm tiền sử dụng đất đến 70%, khi chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở cho hộ gia đình, cá nhân. Một số địa phương bày tỏ đồng tình với phương án này.

Bộ Tài chính vừa có tờ trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2024 quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Thời gian qua, tại một số địa phương ghi nhận tình trạng bảng giá đất mới theo Luật Đất đai 2024 tăng cao so với bảng giá cũ, khiến người dân phải nộp tiền sử dụng đất cao gấp nhiều lần khi được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở. Mức chênh lệch này trở thành gánh nặng lớn với các hộ dân có nhu cầu thực sự về nhà ở.

tien su dung dat,  thue dat anh 1

Một hộ dân ở TP Vinh, Nghệ An bị yêu cầu nộp thuế gần 4,5 tỷ đồng khi chuyển đổi 300 m2 đất vườn sang đất ở.

Đơn cử là vụ việc một hộ dân tại TP Vinh, Nghệ An bị yêu cầu nộp gần 4,5 tỷ đồng khi xin chuyển mục đích sử dụng 300 m2 đất vườn sang đất ở khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ bảng giá đất mới ban hành, với giá đất tăng mạnh so với trước, dẫn đến việc người dân phải gánh mức thuế, phí và tiền sử dụng đất rất cao, khó có khả năng chi trả.

Theo phản ánh, có những trường hợp khi chuyển mục đích sử dụng, tiền sử dụng đất phải nộp thậm chí cao hơn cả trị giá thực tế của miếng đất. Điều này làm phát sinh nhiều vướng mắc, nhất là với các hộ dân có đất vườn, ao liền kề nhà ở, muốn hợp thức hóa quyền sử dụng đất.

Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ hai phương án cụ thể:

Phương án 1 (kế thừa tinh thần của Nghị định 45/2014/NĐ-CP trước đây): Bổ sung quy định về mức thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất vườn, ao liền kề nhà ở hoặc đất có nguồn gốc từ đất vườn, ao - vốn không được công nhận là đất ở, sang đất ở. Cụ thể: tính 30% mức chênh lệch giữa giá đất ở và đất nông nghiệp đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở; tính 50% mức chênh lệch đối với phần diện tích vượt hạn mức.

Phương án này cũng áp dụng cho đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có nhà ở đã được công nhận theo Luật Đất đai 2024.

Theo Bộ Tài chính, phương án 1 giảm được nghĩa vụ về tiền sử dụng đất của người dân khi giá đất tính tiền tăng cao so với luật cũ đối với đất vườn ao liền kề thửa đất có nhà ở, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có nhà ở.

Tuy nhiên, phương án này chưa xử lý được vướng mắc đối với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất thuần túy là đất nông nghiệp, sang đất ở khi giá đất tính thu tiền tăng cao.

Phương án 2 (được Bộ Tài chính đưa ra là giữ nguyên quy định như hiện hành tại Nghị định 103/2024/NĐ-CP): Không điều chỉnh theo tỷ lệ phần trăm và vẫn áp dụng cách tính chênh lệch tuyệt đối theo Luật Đất đai 2024.

Ưu điểm của phương án này là đảm bảo tuân thủ nghiêm túc quy định tại khoản 1 Điều 156 Luật Đất đai. Tuy nhiên, nhược điểm lại chính là không giải quyết được tình trạng chi phí tăng vọt, gây khó khăn cho người dân và chưa có cơ chế ưu đãi phù hợp với đặc điểm đất vườn ao gắn liền nhà ở - vốn đã tồn tại phổ biến trong khu dân cư.

Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các địa phương báo cáo nhanh về việc thực hiện tính tiền sử dụng đất đối với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở. Qua tổng hợp, một số địa phương đã đề xuất áp dụng mức thu theo tỷ lệ phần trăm, tương tự như phương án 1, nhằm hỗ trợ người dân trong bối cảnh giá đất có nhiều biến động.