Cơ hội lớn của doanh nghiệp Việt Nam

Chuyên gia đánh giá doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn không chỉ ở vai trò nhập khẩu, phân phối hàng Mỹ, mà còn là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối với cảng biển ở TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết ngày 2/7, hai đoàn đàm phán của Việt Nam và Mỹ đã thống nhất tuyên bố chung về khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng. Đồng thời, Tổng bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và tiếp tục trao đổi một số phương hướng, biện pháp lớn để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực then chốt, đột phá như khoa học công nghệ cao.

"Đây là kết quả quan trọng trong đàm phán, tạo niềm tin, kỳ vọng cho doanh nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Trước thông tin tích cực này, ông Nguyễn Tuấn Việt, Tổng giám đốc Công ty xúc tiến xuất khẩu VietGo, đánh giá bước đi này sẽ tạo cú hích mạnh mẽ cho dòng vốn đầu tư, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đồng thời định hình lại vị thế của Việt Nam trong trật tự kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.

Bản lĩnh đàm phán trước đối tác lớn

Ông Việt cho rằng Việt Nam đang đối diện với một đối tác lớn, có tính cách đặc biệt là Tổng thống Donald Trump, người nổi tiếng với phong cách đàm phán cứng rắn, thiên về thắng - thua rõ ràng.

Trong bối cảnh đó, chúng ta đã chọn cách tiếp cận mềm dẻo nhưng không yếu thế, “nhường một bước để tiến hai bước”, đúng như truyền thống ngoại giao khôn khéo của dân tộc.

Thống nhất tuyên bố chung về khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng sẽ mở ra dư địa cho Việt Nam tận dụng thời cơ vàng trong giai đoạn tiếp theo.

Theo ông Việt, việc là một trong những quốc gia đầu tiên thống nhất tuyên bố chung về khuôn khổ Hiệp định thương mại với Mỹ mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực.

Khi Việt Nam chủ động mở cửa thị trường, điều đó tạo áp lực lớn lên các nền kinh tế đang cạnh tranh trực tiếp, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam như một đối tác tin cậy, sẵn sàng hội nhập, là trung tâm sản xuất và trung chuyển hàng hóa mới của khu vực.

thue quan anh 1

Ông Nguyễn Tuấn Việt, Tổng giám đốc Công ty xúc tiến xuất khẩu VietGo. Ảnh: VietGo.

Cửa ngõ chiến lược cho hàng hóa Mỹ vào châu Á

Ngoài lợi thế tiên phong, CEO VietGo cho rằng một trong những tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất từ thỏa thuận sẽ là làn sóng đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam.

“Việc Việt Nam mở cửa thị trường, kết hợp với các yếu tố địa chính trị thuận lợi và năng lực tiếp nhận của nền kinh tế, giúp chúng ta trở thành điểm đến lý tưởng cho doanh nghiệp Mỹ trong giai đoạn dịch chuyển chuỗi cung ứng”, ông nói và cho biết trong cuộc khảo sát tại hội thảo do VietGo tổ chức với hơn 50 doanh nghiệp Mỹ vào tháng 5, đa số doanh nghiệp đều khẳng định không từ bỏ Việt Nam.

Ngược lại các doanh nghiệp Mỹ cho biết muốn dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam vì nước ta sở hữu nhiều lợi thế vượt trội hơn như chính trị ổn định, lao động chất lượng, chi phí cạnh tranh, và đặc biệt là mạng lưới FTA trải rộng toàn cầu.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng Hiệp định thương mại tự do với 17 FTA đã ký kết. Điều này có nghĩa là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu ra thế giới đều được giảm hoặc miễn thuế, biến Việt Nam thành một trung tâm sản xuất lý tưởng.

Không chỉ dừng lại ở thu hút đầu tư, Việt Nam còn đang nổi lên như một trạm trung chuyển chiến lược cho hàng hóa Mỹ đi vào châu Á, đặc biệt là ASEAN.

“Thị trường châu Á, nhất là các nước đang phát triển trong khối ASEAN có nhu cầu rất lớn đối với hàng tiêu dùng và công nghệ Mỹ. Khi hàng Mỹ vào Việt Nam, từ đây chúng ta có thể phân phối lại sang các nước khác với mức thuế ưu đãi theo các FTA sẵn có”, ông Việt phân tích.

Chính điều này cũng mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam không chỉ trong vai trò nhập khẩu và phân phối hàng Mỹ, mà còn là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm giá trị gia tăng và thúc đẩy ngành logistics, thương mại tái xuất, và công nghiệp phụ trợ trong nước.

thue quan anh 2

Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Pexels.

Ưu đãi thuế quan thúc đẩy tăng trưởng

Trong khi đó, Giáo sư David Dapice, chuyên gia hàng đầu về kinh tế phát triển Đông Nam Á, nhận định nếu đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ là cơ hội lớn nhưng còn phải quan sát vì chưa đủ rõ ràng.

“Chúng ta vẫn còn những câu hỏi”, Giáo sư David Dapice nói và cho biết từ thông tin hiện nay, chưa thể hiểu rõ liệu các quy tắc truyền thống hoặc chặt chẽ hơn có được áp dụng trong tương lai hay không.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh điều này mang lại tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước và Việt Nam có thể xem đây là cơ hội để tăng cường hơn nữa việc cung cấp các linh kiện, thực hiện giai đoạn chuyển tiếp trong hoạt động sản xuất.

Vị chuyên gia cũng đánh giá việc là một trong những quốc gia đạt tuyên bố chung về khuôn khổ Hiệp định sớm cho thấy Việt Nam đang làm tốt nếu so sánh với các quốc gia xuất khẩu đang cạnh tranh khác. Chính phủ đã có bước đi chiến lược khôn khéo.

"Nếu giành được ưu đãi về thuế quan, điều đó thậm chí có thể thúc đẩy tăng trưởng", vị Giáo sư nhấn mạnh.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.