Năm học 2024 - 2025, em Phương Chi, con gái chị Phương Mai (hiện làm việc trong lĩnh vực giáo dục, Hà Nội) đỗ 5 trường cấp 2 chất lượng cao (CLC): Trường Ngôi Sao Hoàng Mai; Trường THCS Cầu Giấy; Trường THCS Nam Từ Liêm; Trường THCS Thanh Xuân; Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành. Phương Chi lựa chọn theo học tại Trường Nguyễn Tất Thành.
Chị Mai chia sẻ, thời điểm con học lớp 3, vì đánh giá sức học con bình thường nên chị dự tính cho con học trường công nhẹ nhàng. Nhưng rồi chị nhận ra, quan trọng không phải con đang ở đâu, mà là mình muốn con đi đến đâu và đồng hành thế nào. Bởi CLC không dành riêng cho "thần đồng", cũng không có nghĩa ngay từ đầu con bạn phải thuộc top 1, top 2 của trường, lớp. Đầu vào các trường CLC đều rất cao, nhưng quan trọng là chuẩn bị đúng cách và có chiến lược ôn luyện.
Nếu ba mẹ muốn con vào CLC, đừng để nhận xét "bình thường" làm chùn bước. Định hướng sớm, có lộ trình rõ ràng, giúp con tự tin – một học sinh "bình thường" hoàn toàn có thể làm nên chuyện nếu đi đúng hướng!

Chị Mai và con gái
Con không top 1, top 2 vẫn thành công nếu có chiến lược
Những năm đầu tiểu học, chị Mai không quá đặt nặng thành tích mà tập trung giúp con hình thành thói quen học tập tốt và sự tự tin trong việc tiếp thu kiến thức. Các con của chị học ở mức tiếp thu tốt, nhưng quan trọng hơn là chị muốn con có tinh thần tự giác, ham học hỏi và không bị áp lực quá sớm
"Mình luôn theo sát nhưng theo cách tôn trọng nhịp độ phát triển tự nhiên của con. Ở tiểu học, mình giúp con xây dựng nền tảng tư duy và thói quen tìm tòi. Khi con lên cấp 2, mình hướng dẫn con cách tự học, quản lý thời gian và phát triển các kỹ năng mềm cần thiết để chuẩn bị cho môi trường khó hơn. Bé nhỏ nhà mình thiên về tư duy logic, học nhanh và khá độc lập. Bạn ấy không muốn bị áp lực với việc học, thích chơi nhạc cụ dân tộc (sáo), piano, thích đan móc len, chơi game và tập gym", chị nói.
Thời điểm con lên lớp 5, chị Mai mới xác định cho con thi CLC, tìm hiểu kỹ từng trường và đề thi để có kế hoạch phù hợp. Giai đoạn này, con chị mới học thêm, cả 3 môn Toán Văn Anh mỗi môn 1 buổi/tuần. Trước đó chỉ học trên lớp, thành tích tốt vì con tiếp thu cũng ổn.
Con không thật sự tự giác học nên chị Mai phải có phương pháp đồng hành. Ví dụ thay vì giục giã con học đi thì chị sẽ để con chủ động với câu hỏi: Con định mấy giờ bắt đầu ngồi vào bàn học. Thường con hay trả lời là 15 phút nữa và con có làm đúng cam kết.
Cụ thể:
Lớp 3 - 4, chị tập trung giúp con: Tư duy phản biện thay vì học vẹt. Học đa dạng, không chỉ SGK. Rèn bản lĩnh thi cử qua các cuộc thi nhỏ.
Lớp 5: Ôn thi CLC. Không chỉ kiến thức, con cần rèn tư duy, tốc độ làm bài và tâm lý thi cử.
• Toán: Tập trung tư duy logic, dạng đề mở.
• Tiếng Việt: Viết đoạn văn, cảm thụ văn học mỗi ngày.
• Tiếng Anh: Luyện đề, luyện đề và luyện đề.

Phương Chi cùng các bạn trong một hoạt động
Không cần luyện thi sớm, quan trọng là điều này
Nói về việc liệu có cần cho con đi "luyện thi" từ lớp 1, 2 hay không, chị Mai cho rằng, dù thấu hiểu lý do tại sao nhiều phụ huynh lo lắng và muốn chuẩn bị sớm, nhưng chị không nghĩ rằng bắt đầu từ lớp 1, lớp 2 là điều kiện bắt buộc để thi đỗ CLC. Thành công không phải là cuộc đua tốc độ, mà là hành trình kiên trì với chiến lược phù hợp.
Khi cho con đi học thêm muộn, chị Mai thấy con không bị "đuối" so với các bạn, vì khi đó, con đã có nền tảng tự học tốt và biết cách tư duy. Ban đầu, con có chút bỡ ngỡ với dạng đề thi, nhưng chỉ mất một thời gian ngắn để làm quen và cải thiện. Điều quan trọng là con hiểu bài, chứ không phải chạy theo số lượng bài học.
Trong quá trình luyện thi, chị luôn cố gắng giữ cân bằng giữa học và nghỉ ngơi. Chị phân bổ thời gian theo nguyên tắc: học hiệu quả hơn là học nhiều. Con có thời gian tự học, thời gian học với thầy cô, nhưng vẫn có đủ thời gian vui chơi, thư giãn. Con là "game thủ", ngày nào cũng phải chơi game 1 tiếng mới học được. Ngoài việc học, con tham gia các hoạt động thể thao, đọc sách, chơi nhạc cụ và có thời gian đi chơi với gia đình, bạn bè.
Vì vậy, bà mẹ này cho rằng, quan trọng hơn học thêm sớm là xây dựng nền tảng vững chắc cho con, bao gồm tư duy logic, kỹ năng đọc hiểu, khả năng tự học và tinh thần chủ động trong việc học tập. Ngoài ra, khi con có tâm lý thoải mái, việc học sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Chị không đặt nặng việc con nhất định phải đỗ trường CLC. Nếu con trượt CLC thì vẫn còn công lập đúng tuyến gần nhà.
"Theo mình, điều quan trọng nhất để con đạt được mục tiêu thi đỗ trường CLC không phải là học thêm thật nhiều mà là có phương pháp học hiệu quả, biết cách tư duy và giải quyết vấn đề. Ngoài ra, sự kiên trì, tự tin và tâm lý vững vàng khi thi cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu con có sự chuẩn bị đúng hướng, dù không học thêm quá sớm, con vẫn có thể đạt được mục tiêu", chị nói.
Ngoài ra, quá trình chuẩn bị thi CLC không chỉ là luyện đề mà còn cần sự kiên trì, tinh thần tự tin và tâm lý vững vàng. Hãy đồng hành cùng con, nhưng cũng để con có không gian tự lập, biết cách quản lý thời gian và cân bằng giữa học tập với các hoạt động khác.

Phương Chi đỗ 5 trường CLC
Nếu con không phù hợp, đừng ép
Chị Mai cho rằng, nếu học sinh có tố chất bình thường nhưng có sự quyết tâm, phương pháp học đúng và sự hỗ trợ phù hợp từ gia đình, thì hoàn toàn có thể thi đỗ vào hệ CLC. Mỗi đứa trẻ có một tốc độ phát triển riêng, đừng so sánh con với người khác mà hãy giúp con phát huy thế mạnh của mình. Khi con có sự chuẩn bị đúng hướng và tâm lý thoải mái, việc thi đỗ CLC sẽ không còn là áp lực quá lớn.
Tuy nhiên, yếu tố cần lưu ý là môi trường học tập có phù hợp với con hay không. Hệ CLC thường có yêu cầu cao hơn về học tập và kỷ luật, nên nếu con có khả năng thích nghi tốt, sẵn sàng nỗ lực và không bị áp lực quá lớn, thì đây có thể là một lựa chọn tốt. Ngược lại, nếu việc theo đuổi hệ CLC khiến con căng thẳng và mất đi sự cân bằng trong cuộc sống, thì ba mẹ nên cân nhắc kỹ về mục tiêu và định hướng dài hạn cho con.
Quan trọng nhất là con được học trong môi trường phù hợp với năng lực và tính cách của mình, giúp con phát triển tốt nhất chứ không chỉ chạy theo danh hiệu.
Con không cần là thiên tài, nhưng phải có động lực. Nếu con ghét học vì áp lực, mọi kế hoạch đều vô nghĩa. Điều cốt lõi nhất không phải ngôi trường con học có tên trong "top", mà là con được học cách hạnh phúc và phát triển đúng tiềm năng. cha mẹ nên biết lắng nghe tiếng nói bên trong của con, thay vì áp đặt những kỳ vọng có thể là chiếc áo quá khổ với thể chất và tâm hồn non nớt của trẻ.