Đa cấp "thật" xin đóng cửa, cảnh giác xuất hiện biến tướng

Nhiều doanh nghiệp đa cấp tự nguyện xin dừng hoạt động, song người dân cần cảnh giác với các mô hình "biến tướng" đa cấp

Đầu tháng 4 vừa qua, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) thông báo xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Người Lái Xe Mặt Trời Việt Nam (Sunrider Việt Nam).

Đa cấp "thật" xin đóng cửa, cảnh giác xuất hiện biến tướng- Ảnh 1.

Số lượng doanh nghiệp kinh doanh đa cấp ngày càng ít đi

Công ty đa cấp này có trụ sở chính tại tòa nhà Lam Giang, số 167-173, đường Trần Hưng Đạo (quận 1, TP HCM). Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc là bà Nguyễn Ngọc Mỹ Uyên.

Sunrider Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp từ ngày 15-7-2015, được gia hạn lần thứ nhất ngày 5-6-2020, sửa đổi bổ sung gần nhất lần thứ 3 ngày 11-11-2024.

Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết doanh nghiệp này tự xin chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp. Trên website, doanh nghiệp thông báo chấm dứt hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp tại Việt Nam từ ngày 31-12-2014 do những năm gần đây, hoạt động kinh doanh khó khăn.

Đáng chú ý, hồi năm 2020, Công ty TNHH Người Lái Xe Mặt Trời Việt Nam đã từng bị phạt 370 triệu động vì nhiều lỗi vi phạm trong quá trình hoạt động bán hàng đa cấp.

Trước đó, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cũng thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty TNHH Siberian Health Quốc tế; Thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã giảm từ 67 doanh nghiệp vào năm 2016 đến nay chỉ còn 16 doanh nghiệp có giấy phép đang hoạt động.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau gần 7 năm triển khai Nghị định 40 năm 2018 của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp ghi nhận từ các địa phương, doanh thu toàn thị trường kinh doanh đa cấp đạt trung bình khoảng 16.000 tỉ đồng/năm. Khoảng 37,8% số doanh thu này được doanh nghiệp chi trả hoa hồng cho người lao động tham gia mạng lưới bán hàng.

Các doanh nghiệp nhóm này nộp tiền thuế các loại vào ngân sách Nhà nước trung bình khoảng 1.600 - 1.800 tỉ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2018 - 2024.

Tuy nhiên, đang có xu hướng giảm từ cuối 2023 đến nay do phạm vi hoạt động và số lượng doanh nghiệp tham gia kinh doanh đa cấp thu hẹp, các loại hàng hóa thiếu sự đa dạng và giá bán kém cạnh tranh, nhất là hàng giá rẻ phân phối qua các nền tảng thương mại điện tử.

Theo Bộ Công Thương, năm 2025, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động quản lý nhà nước, thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cho biết cần tăng cường công tác cảnh báo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng nhận diện, phòng tránh các biểu hiện biến tướng của kinh doanh đa cấp cho mọi tầng lớp nhân dân.