![]() |
Ông Yoshio Murata, Chủ tịch Takashimaya, cho biết tập đoàn đang muốn tăng tỷ trọng đóng góp lợi nhuận từ thị trường Việt Nam. Ảnh: Nikkei Asia. |
Takashimaya - tập đoàn bán lẻ cao cấp hàng đầu Nhật Bản - đang hướng trọng tâm vào thị trường Việt Nam như một chiến lược mở rộng kinh doanh quốc tế, trong bối cảnh tăng trưởng nội địa gặp giới hạn do suy giảm dân số.
Ông Yoshio Murata, Chủ tịch Takashimaya, chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia: "Mục tiêu của chúng tôi là nâng tỷ trọng lợi nhuận từ Việt Nam lên 5-10% tổng lợi nhuận toàn tập đoàn".
Bất động sản và nội thất: Con át chủ bài
Theo ông Murata, lợi nhuận của Takashimaya tại thị trường Việt Nam đang ở mức 4%, đến từ các dự án bất động sản tại Hà Nội và trung tâm thương mại Takashimaya tại TP.HCM (khai trương từ năm 2016).
Tuy nhiên, với kế hoạch mở rộng, Takashimaya kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm trở thành thị trường chủ chốt đóng góp lớn vào lợi nhuận toàn cầu của tập đoàn.
"Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi sẽ tối ưu hóa các danh mục bất động sản có được thông qua mạng lưới địa phương", ông Murata cho biết.
Takashimaya hiện xem mảng phát triển thương mại quốc tế là "động lực tăng trưởng", với kỳ vọng lợi nhuận hoạt động của phân khúc này sẽ tăng 13% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 2/2025.
Ông Murata cũng nhấn mạnh về việc đẩy mạnh mô hình "kinh doanh dòng tiền", tức tạo lợi nhuận từ việc hợp tác bán biệt thự, nhà phố cùng các nhà phát triển bất động sản như Nomura Real Estate Development (Nhật Bản) và Tập đoàn Vingroup (Việt Nam).
"Khu vực Hà Nội đang trong giai đoạn phát triển hệ thống đường sắt và cao tốc. Khi mạng lưới giao thông hoàn thiện, các dự án bất động sản xung quanh sẽ bùng nổ", ông phân tích. "Hiện tại, tỷ trọng từ kinh doanh dòng tiền vẫn còn thấp, nhưng tôi tin rằng mô hình này đang hoạt động rất tốt tại Việt Nam".
![]() |
Một trung tâm thương mại Takashimaya tại TP.HCM. Ảnh: Nikkei Asia. |
Takashimaya dự kiến bắt đầu ghi nhận lợi nhuận từ các khoản đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn 2027-2028.
Trước đó, tập đoàn đã công bố kế hoạch đầu tư lên đến 51 tỷ yen (340 triệu USD) vào việc mở rộng thị trường quốc tế đến tháng 2/2027 - khoản đầu tư lớn nhất theo từng phân khúc trong chiến lược trung hạn của tập đoàn từ tháng 4 năm ngoái.
Đặc biệt, vào giữa tháng 2, Takashimaya tuyên bố sẽ thành lập một công ty thiết kế nội thất cao cấp tại TP.HCM vào tháng 5 tới. Ông Murata tiết lộ: "Chúng tôi sẽ nhận đơn đặt hàng thiết kế nội thất cho biệt thự tại Việt Nam".
Tận dụng kinh nghiệm và uy tín của công ty con Takashimaya Space Create trong thiết kế nội thất khách sạn và thương hiệu xa xỉ, tập đoàn kỳ vọng tạo dấu ấn riêng tại thị trường này.
"Lĩnh vực thiết kế nội thất tại Việt Nam vẫn là một đại dương xanh - thị trường ít đối thủ cạnh tranh. Nhu cầu về nội thất mang phong cách Nhật Bản với những chi tiết tinh tế đang gia tăng, và chúng tôi có lợi thế đặc biệt nhờ vào chuyên môn của Takashimaya", ông Murata bày tỏ.
Chiến lược mở rộng chuỗi bán lẻ
Tập đoàn Takashimaya đang đặt cược vào Việt Nam như một "thị trường tăng trưởng lớn nhất" nhờ vào sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu và thượng lưu.
![]() |
Doanh thu thị trường bán lẻ của Việt Nam. Biểu đồ: Nikkei Asia. |
Không chỉ dừng lại ở trung tâm thương mại Takashimaya tại TP.HCM, tập đoàn này còn lên kế hoạch mở thêm một trung tâm thương mại mới tại Hà Nội vào năm 2027. Ngoài ra, tập đoàn cũng đang mở rộng sang lĩnh vực giáo dục bằng cách hợp tác vận hành trường học với một đối tác tại Việt Nam.
Hiện tại, trung tâm thương mại Takashimaya ở TP.HCM có khoảng 150 cửa hàng chuyên biệt kết hợp với hệ thống bách hóa, vận hành theo mô hình đã được chứng minh thành công tại Singapore.
Ông Yoshio Murata, Chủ tịch Takashimaya, chia sẻ: "Tại Đông Nam Á, có rất nhiều nhu cầu cho những trung tâm mua sắm đẳng cấp như Takashimaya Singapore. Nếu điều kiện phù hợp, chúng tôi sẽ cân nhắc mở rộng sang các quốc gia lân cận".
Trên thực tế, nhiều khách hàng từ Malaysia, Indonesia thường đến mua sắm tại trung tâm Takashimaya ở Singapore, sau đó tiếp tục ghé thăm cửa hàng tại Nhật Bản. Điều này cho thấy tiềm năng lớn để mở rộng sang các nước trong khu vực, dù kế hoạch này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Không chỉ mở rộng quy mô, Takashimaya còn đặt mục tiêu tạo sự liên kết giữa các cửa hàng tại TP.HCM, Thái Lan và Singapore.
Theo ông Murata, tập đoàn sẽ sớm triển khai hệ thống tích điểm chung, dịch vụ chăm sóc khách hàng xuyên biên giới và các tiện ích mua sắm khác giữa các trung tâm tại khu vực ASEAN.
![]() |
Các thương hiệu trung tâm thương mại hàng đầu tại Việt Nam. Biểu đồ: Nikkei Asia. |
Tại Việt Nam, Chính phủ đã nâng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 lên 8%, cao hơn mức 6,5-7% trước đó. Sự bùng nổ của ngành xuất khẩu công nghệ cùng với nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu đã giúp nền kinh tế duy trì đà phát triển mạnh mẽ.
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam đang dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế, với mức khoảng 6% mỗi năm đến năm 2029. Điều này càng củng cố niềm tin của Takashimaya khi chọn Việt Nam làm thị trường trọng điểm trong chiến lược mở rộng.
Trong quá khứ, thị trường bán lẻ Việt Nam chủ yếu do các mô hình thương mại truyền thống chi phối. Tuy nhiên, từ những năm 2010, các nhà bán lẻ quốc tế đã gia nhập và phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự chuyển đổi sang mô hình bán lẻ hiện đại.
Lotte Mart của Hàn Quốc mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào khoảng năm 2010. Hiện tại, hệ thống này đã có 16 cửa hàng trên cả nước. Aeon của Nhật Bản gia nhập thị trường vào năm 2014 và mở rộng mạng lưới lên 6 trung tâm mua sắm.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.