Một vụ tai nạn hi hữu vừa xảy ra tại thôn Xa Thừa, thị trấn Thủy Lý, huyện Nam Đầu (Đài Loan, Trung Quốc), khiến một người đàn ông 67 tuổi suýt thiệt mạng.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 10h sáng ngày 13/7, ông Hồ - người dân địa phương - đến khu vực núi gần nhà để làm công việc phát cỏ quen thuộc.
Tuy nhiên, trong lúc dọn cỏ, ông vô tình làm tổ ong bị kích động, dẫn đến việc bị cả đàn ong vò vẽ tấn công.

Bị đốt nhiều nhát, ông bắt đầu cảm thấy buồn nôn, mệt mỏi và quyết định đi đến một trạm dừng chân gần đó để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, ông đột ngột ngã quỵ và mất ý thức.
Phát hiện sự việc, những người dân có mặt gần đó lập tức gọi cấp cứu. Khi lực lượng cứu hộ thuộc Trạm cứu hỏa Thủy Lý đến nơi, ông Hồ đã trong tình trạng ngưng tim và ngừng thở (OHCA).
Các nhân viên y tế khẩn trương phối hợp cùng các tình nguyện viên và người dân thay phiên nhau thực hiện ép tim (CPR), đồng thời tiêm adrenaline và chuẩn bị thiết bị hỗ trợ hô hấp để tranh thủ từng giây cứu sống nạn nhân.

Nhờ phản ứng nhanh chóng của người dân và sự phối hợp kịp thời giữa đội cứu hộ và các tình nguyện viên, ông Hồ đã được cứu sống. Anh Nghiêm Hoằng Lập, nhân viên Trạm cứu hỏa Thủy Lý, cho biết: "Chúng tôi đến nơi và phát hiện bệnh nhân đã ngưng tim nên ngay lập tức tiến hành các biện pháp cấp cứu, rất may là nhịp tim của ông ấy đã được phục hồi. Nạn nhân sau đó được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ổn định hơn".
Được biết, những ngày gần đây sau khi bão tan, thời tiết tại khu vực núi trở nên nóng nực, tạo điều kiện cho ong vò vẽ hoạt động mạnh. Đây cũng là thời điểm dễ xảy ra các vụ ong tấn công người nếu không cẩn thận.
Vụ việc là lời cảnh báo nghiêm túc đến người dân sống hoặc làm việc gần khu vực rừng núi, cần trang bị đầy đủ bảo hộ và luôn quan sát kỹ trước khi phát quang, làm cỏ hay leo núi, tránh vô tình kích động các tổ ong nguy hiểm.
Các bước xử trí khi bị ong đốt
- Đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có ong một cách nhanh nhất có thể.
- Nhanh chóng lấy vòi chích của ong ra khỏi cơ thể người bị nạn, có thể khều nhẹ hoặc dùng nhíp kẹp. Tuy nhiên, cần tránh việc nặn ép bằng tay vì hành động này có thể khiến nọc độc ngày càng lan rộng.
- Tiếp đó nên giúp người bệnh rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng, nước ấm. Sau đó, bôi dung dịch sát trùng cồn 70 độ lên vết đốt.
- Có thể chườm lạnh lên vết đốt. Đây là cách giúp bệnh nhân giảm đau và giảm sưng hiệu quả.
- Bên cạnh đó, người bệnh phải uống thật nhiều nước. Khi uống nhiều nước, nọc độc của ong sẽ được bài tiết qua nước tiểu, từ đó, giúp nạn nhân giảm nguy cơ suy đa tạng.
- Sau khi tiến hành những bước sơ cứu trên, nạn nhân cần được chăm sóc và theo dõi sát sao.
Đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt khi:
- Bị ong đốt nhiều nốt và ở nhiều vị trí, đặc biệt là ở các vùng quan trọng như: mặt, đầu, cổ,...
- Xác định loài ong đã đốt nạn nhân để ước tính khả năng gây độc. Một số loài ong như: ong rừng, ong vò vẽ hay ong bắp cày,… thường có nọc độc mạnh, rất nguy hiểm.
- Trường hợp người bị ong đốt có các triệu chứng: đau nhiều, mệt mỏi, thậm chí khó thở, phù mặt, đi tiểu có máu,… cần nhanh chóng đưa nạn nhân đi khám.
Minh Hoa (t/h)