"Định vị" để xóa nhà nhiều xuyệt

Cần tính đến phương án kết hợp dùng bảng chữ cái, số để đặt tên đường ở từng khu phố, ấp, tách các hẻm để đặt tên riêng

Một thực tế gây khó cho cư dân đô thị hiện nay là có những ngôi nhà 4-5 xuyệt. Vì vậy, sau sắp xếp, việc đổi tên đường, khu phố, ấp ở các đô thị lớn càng trở nên cấp thiết để tạo thuận lợi cho người dân.

Gian nan tìm nhà siêu xuyệt

Anh Phan Công Tài, tài xế xe công nghệ, cho biết tuần trước anh nhận một đơn hàng để giao tại số nhà 1806/127/2/6/15/27/3 Huỳnh Tấn Phát, xã Nhà Bè, TP HCM. Chạy lòng vòng con hẻm 1806 hơn 10 phút, anh không thể tìm thấy địa chỉ cần giao. Lạc lối giữa "mê cung" số nhà, anh đành gọi điện thoại cho người nhận ra đầu hẻm để nhận hàng.

Chị Minh, cùng ngụ hẻm 1806, cho biết con hẻm này trước nay nổi tiếng với những căn nhà siêu xuyệt, có đến hàng trăm căn nhà như vậy. Do lắm xuyệt, nên việc người giao hàng, tài xế xe cứu thương... than vãn do không tìm ra địa chỉ là không hiếm. "Mỗi lần gọi xe cứu thương, nhận hàng online, tôi đều phải ra đầu hẻm để hướng dẫn xe vào. Bởi có hướng dẫn qua điện thoại, họ cũng không tìm được" - chị Minh nói. Tương tự, tại nhiều con hẻm đường Bùi Tư Toàn, phường An Lạc, TP HCM cũng có nhiều căn nhà từ 3-5 xuyệt. Bà Nguyễn Thị Hậu (ngụ tại một hẻm của đường Bùi Tư Toàn) cho biết do số nhà nhiều xuyệt nên đi làm giấy tờ rất cực. "Khi viết giấy tờ mà cần điền địa chỉ, tôi phải canh trước canh sau thì mới đủ giấy" - bà Hậu than.

"Định vị" để xóa nhà nhiều xuyệt- Ảnh 1.

Địa chỉ siêu xuyệt ở xã Nhà Bè nay đã được thay số mới, tuy nhiên người dân vẫn sử dụng địa chỉ cũ do địa chỉ mới chưa cập nhật trên Google Maps. Ảnh: ANH VŨ

Song theo người dân, nỗi băn khoăn này có phần được tháo bỏ khi cuối năm 2024, chính quyền địa phương đã đổi số nhà từ 6 xuyệt sang 2 xuyệt. Theo ghi nhận, nhiều căn nhà đã thay đổi địa chỉ mới nhưng vẫn tiếp tục giữ lại địa chỉ cũ. Điển hình như địa chỉ 1806/127/2/6/15/27A nay đã đổi thành 1806/127/127; hay địa chỉ 1806/127/2/6/15/32 nay đã đổi thành 1806/127/138. Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy các địa chỉ này cũng không theo quy luật rõ ràng, rất khó tìm. Dù đã thay đổi sang còn 2 xuyệt, song trên ứng dụng Google Maps, địa chỉ mới vẫn chưa được cập nhật. Do đó, khi đặt hàng hay cần bất cứ việc gì dùng địa chỉ, họ vẫn sử dụng địa chỉ cũ. Cũng tại con hẻm 1806, dù một số căn nhà đã thay đổi số song vẫn còn nhiều căn nhà có đến 3-4 xuyệt, được đặt lộn xộn.

Nhiều người dân kiến nghị sau sáp nhập, chính quyền thành phố có phương án để chuyển những địa chỉ siêu xuyệt thành một địa chỉ ngắn gọn, dễ nhớ hơn.

Cần đề án đặt tên đường

Thời gian qua, một số địa phương cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để xóa nhà siêu xuyệt, do lịch sử để lại và đặc thù phát triển đô thị.

Quận Bình Tân (cũ) là vùng ngoại ô nên quá trình phát triển đô thị hình thành nhiều tuyến hẻm từ 3-4 xuyệt. Địa phương có nhiều dự án đầu tư công, mở rộng một số tuyến đường nên nhiều nhà trong hẻm đã giảm bớt xuyệt; đồng thời rà soát cụ thể để điều chỉnh số nhà. Chẳng hạn, tại dự án mở rộng đường Tên Lửa nối với Tỉnh lộ 10, nhiều nhà trong hẻm lúc trước tới 3 xuyệt, hiện mở rộng đường thì trở thành nhà mặt tiền. Trong khi đó, đối với quận nội thành cũ thì không xáo trộn nhiều vì đã ổn định từ lâu. Địa phương chỉ chỉnh lý lại một số phát sinh như chia tách thửa, nhập thửa hoặc bổ sung đường mới. Như đường Rạch Bùng Binh ở quận 3 cũ dự kiến sẽ đổi tên khác và đổi biển số nhà cho tuyến đường này.

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP HCM, cho rằng sau hợp nhất, TP HCM triển khai chuyển đổi, đổi tên khu phố, ấp đối với phường xã, đặc khu là cần thiết, phù hợp tình hình mới. Đồng thời cần đặt ra mục tiêu, phương pháp và lộ trình để giải quyết bài toán tên đường và xóa nhà nhiều xuyệt trên địa bàn thành phố. TS Nguyên phân tích khi trên toàn địa bàn TP HCM mới hoàn thiện việc sắp xếp, chuyển đổi tên khu phố, ấp bảo đảm không trùng lắp thì sẽ định danh, định vị rõ ràng từ tên phường, xã đến khu phố, ấp. Trên cơ sở đó xây dựng đề án nghiên cứu kỹ việc đặt tên đường nhằm đơn giản hóa địa chỉ nhà để dễ nhớ, dễ tìm. Thực tế hiện nay quỹ tên đường có hạn và thực tế triển khai thời gian qua cũng bất cập và chưa được giải quyết triệt để. Vì vậy không nên kỳ vọng việc dùng tên nhân vật lịch sử, địa danh để đặt tên đường cho TP HCM mới rất rộng lớn, tỉ lệ đô thị hóa cao. Thay vào đó, cần kết hợp dùng bảng chữ cái, số để đặt tên đường. Lựa chọn này phù hợp khi đặt tên đường ở từng khu phố, ấp. Điều này cũng giúp tạo dữ liệu chi tiết, chính xác để số hóa tên đường, giúp cho người dân, du khách tìm địa chỉ dễ dàng hơn. Theo TS Nguyên, đối với các tuyến đường, địa chỉ nhà có nhiều xuyệt thì cần khảo sát từng tuyến cụ thể để phù hợp tình hình thực tế, thậm chí gắn tới khu phố để dễ định vị, quản lý. Theo đó, để giảm bớt xuyệt thì phải tách các hẻm để đặt tên riêng, khi đó địa chỉ nhà sẽ gọn hơn, đơn giản hơn giúp dễ định vị, dễ nhớ và dễ tìm nhà.

Sở Nội vụ TP HCM đã hướng dẫn các địa phương về chuyển đổi, đổi tên khu phố, ấp đối với phường, xã đặc khu thuộc TP HCM. Về trình tự xây dựng phương án đổi tên khu phố, ấp, UBND phường, xã, đặc khu xây dựng phương án về đổi tên khu phố, ấp, báo cáo xin chủ trương cấp ủy cùng cấp, trình HĐND cùng cấp ban hành nghị quyết theo thẩm quyền.

Đối với việc chuyển đổi khu phố thành ấp hoặc ấp thành khu phố, UBND phường, xã, đặc khu lập danh sách các khu phố cần chuyển đổi thành ấp hoặc danh sách các ấp chuyển đổi thành khu phố trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định. 

Cập nhật thông tin, dữ liệu số nhà

Triển khai Thông tư 08/2024 của Bộ Xây dựng quy định đánh số nhà và gắn biển số nhà, công trình xây dựng, UBND TP HCM đã giao các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện thông tư trên địa bàn quản lý, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đồng thời, cập nhật và quản lý thông tin, dữ liệu về số nhà, bảo đảm tích hợp, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu khác có liên quan khi có yêu cầu. UBND TP HCM cũng giao sở, ngành liên quan hướng dẫn việc liên thông kết nối hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về số nhà với các hệ thống khác bảo đảm tuân thủ kiến trúc chính quyền điện tử TP HCM.