Đọc dòng nhật ký "sao con ghét mẹ thế này", người mẹ oà khóc: 5 lý do liệt kê càng khiến chị đau lòng

Tôi muốn gọi điện mắng con ngay lập tức, kể lại hết những vất vả tôi từng vì nó. Nhưng không hiểu sao, lúc ấy, mọi cảm xúc của tôi như bị đóng băng.

* Bài viết của Mẹ Bông Bông - một blogger chuyên về nuôi dạy con ở Trung Quốc.

Gia đình là một trường năng lượng. Khi cha mẹ mang năng lượng tiêu cực, áp dụng những cách nuôi dạy sai lầm, họ sẽ vô tình làm mất đi đi sự trong trẻo, sinh khí và tương lai của đứa trẻ.

Cha mẹ thất bại nhất biến con mình thành "máy chạy không ngừng nghỉ"

Tôi năm nay 42 tuổi, có một cậu con trai đang học cấp hai. Trong mắt người ngoài, con trai tôi là đứa trẻ ngoan, ít nói, hiểu chuyện. Còn tôi – người mẹ được khen là dịu dàng, hết lòng vì con. Cuộc sống tưởng chừng như yên ổn, cho đến một buổi tối…

Hôm đó, đang dọn dẹp, tôi tình cờ thấy quyển nhật ký con để hở trong ngăn bàn. Do dự. Rồi mở ra. Câu đầu tiên đập vào mắt tôi là: "Có lúc con thật sự mong mẹ đi khuất mắt cho rồi!".

Tôi chết lặng.

Đọc dòng nhật ký

Ảnh minh hoạ

Tay run rẩy, tim nghẹn thở, nhưng vẫn không kìm được mà đọc tiếp:

- Con không vào top 3, mẹ nói 'không sao, lần sau cố gắng'. Nhưng con cảm nhận rõ mẹ đang trách móc. Mẹ hay khoe ngày xưa học giỏi, nhưng học giỏi rồi thì sao, có đỗ đại học danh giá đâu!". "Con không chơi game, không lướt mạng. Nhưng chỉ cần con rời sách vở là mẹ nghĩ con lười biếng. Ở nhà này, đến thở con cũng phải theo nhịp của mẹ sao? Sao con ghét mẹ thế này?

- Con ghét Toán nâng cao, ghét học violin. Nhưng mẹ cứ bắt học. Làm bài Toán con chỉ muốn vẽ con rùa lên đó. Kéo đàn trước mặt mẹ, con chỉ muốn đập vỡ cây đàn rồi bỏ nhà đi luôn.

- Mẹ không dạy con như dạy người, mẹ dạy như huấn luyện chó. Con vừa ra khỏi nhà là điện thoại mẹ mở chế độ nghe lén. Mẹ còn kiểm soát cả lời con nói với bạn bè.

- Mẹ nói làm tất cả vì con, nhưng đuổi con ra khỏi đội bóng rổ, con phạm lỗi nhỏ thì gào khóc, nói con là đồ vô ơn, bất tài. Mẹ ép con không có bạn bè, chỉ còn mỗi việc học, ngày ngày là một con rối.

- Mẹ, xin lỗi… Mẹ đi đi được không? Mẹ đi rồi, con mới được tự do…".

Tôi muốn gọi điện mắng con ngay lập tức, kể lại hết những vất vả tôi từng vì nó. Nhưng không hiểu sao, lúc ấy, mọi cảm xúc của tôi như bị đóng băng. Vì sâu trong thâm tâm, tôi biết… con nói đúng. Tôi đặt kỳ vọng cao, tất cả đều là vì con – nhưng cũng vì tôi chẳng có gì để bảo đảm cho tương lai con ngoài việc bắt con phải giỏi, phải cố gắng. Hóa ra, lòng tốt của cha mẹ, kết cục vẫn là bị con cái oán trách.

Tôi lặng lẽ để lại cuốn nhật ký vào chỗ cũ, vờ như chưa từng đọc. Cả đêm trằn trọc không ngủ. Sáng hôm sau, tôi tự nhủ sẽ "rút lại" tình cảm dành cho con. Nhưng nhìn gương mặt non nớt ấy, tôi lại mềm lòng. Đúng là làm mẹ, vết thương vừa lành đã lại quên đau. Thấy con, bao giận hờn lại tiêu tan.

Sau khi con đi học, tôi bắt đầu ngồi lại với chính mình. Con trai tôi đang ở tuổi dậy thì, não bộ phát triển chưa hoàn chỉnh, nói lời quá khích là điều dễ hiểu. Khi hiểu con, cảm xúc của tôi cũng được xoa dịu. Nhưng tôi không dừng ở đó – tôi tiếp tục soi vào chính mình. Rồi nhận ra, tôi đã thực sự sai ở ba điểm:

1. Áp đặt tiêu chuẩn "giỏi" của chính tôi lên con

Tôi từng thất bại, nên ép con phải "thành công" như tôi tưởng tượng. Tôi chưa từng bay cao, nhưng lại bắt con phải mang giấc mơ bay lượn ấy.

2. Nhầm lẫn giữa quyền uy và kiểm soát

Cha mẹ có quyền uy là người có nguyên tắc, tôn trọng con. Còn tôi là kiểu cha mẹ áp đặt – lớn tiếng, không quan tâm cảm xúc con, chỉ đòi hỏi sự phục tùng.

3. Yêu thương không được con cảm nhận là… không có yêu thương

Tôi nói yêu con, nhưng lời hay nói là: "Sao con làm cái gì cũng dở thế?". Tôi làm là: Kiểm soát, giới hạn, can thiệp. Tình yêu gói trong chỉ trích và kỳ vọng, trong mắt con… chỉ là lạnh lùng và áp lực. Gia đình là một trường năng lượng. Mỗi kỳ vọng, mỗi giận dữ, mỗi áp đặt... là một sự tiêu hao. Trẻ không phải là cỗ máy chạy mãi không ngừng. Khi chúng bị "mượn" hết sinh khí, tâm hồn cũng dần cạn kiệt.

Một vòng lặp định mệnh

Những cha mẹ áp đặt con hiện tại, thường cũng từng là đứa trẻ bị áp đặt trong quá khứ.

Tôi từng là một đứa bé, vì trượt hạng mà bị mẹ tát: "Đồ vô dụng! Học hành thế này làm tao nhục mặt!". Bị đẩy vào nhà vệ sinh, bị mắng là câm điếc, là thứ vô dụng. Tôi từng viết thơ, vẽ tranh, dốc hết lòng lấy lòng mẹ, chỉ để nhận lại sự lạnh lùng: "Lo học đi! Đừng bày vẽ mấy trò vớ vẩn!". Dần dần, tôi tự nhủ: "Thế giới chỉ có hạng nhất – và những kẻ thất bại".

Tôi mang tư tưởng đó suốt 20 năm: Thi trượt, học lại, bỏ học, đi làm, lại nghỉ, khởi nghiệp, thất bại, yêu ai cũng không dám thân thiết, sống trong mặc cảm… Cho đến khi có con, tôi đem tất cả ấm ức, hoài nghi, nỗi sợ thất bại… đặt hết lên vai nó. Tôi gọi đó là "yêu con", là "lo cho tương lai con". Nhưng thực chất, là một vòng lặp của tổn thương – từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Chỉ cần thay đổi – là kịp.

Tôi dành hai năm, để chữa lành mối quan hệ với con. Cho đến khi con biết nói đùa, biết từ chối, biết phản bác, biết chia sẻ cả thất bại lẫn tự hào… Cho đến khi tôi nhìn thấy một đứa trẻ sống đúng là nó, chứ không phải phiên bản "mơ ước" của tôi.

Lúc ấy, tôi mới thật sự thở phào.

Thay đổi bắt đầu từ ba điều:

1. Từ người ngồi sau chuyển sang người cầm lái

Không phải lý thuyết nào cũng chữa lành – mà là dũng khí nhìn thẳng vào vấn đề.

Thừa nhận lỗi lầm. Chấp nhận bản thân không hoàn hảo.

Thành thật với con: "Mẹ sai rồi".

Và thành thật với chính mình: "Mẹ cũng từng bị tổn thương".

2. Cảm xúc là phản ứng của cơ thể với suy nghĩ

Cảm xúc tiêu cực thường bắt nguồn từ nỗi sợ – sợ con kém cỏi, sợ bị chê cười, sợ con khổ.

Nhận ra nguồn gốc ấy, tôi mới biết bình tĩnh nói chuyện, thay vì bộc phát.

Khi tôi bình tĩnh, con mới chịu lắng nghe. Khi tôi lắng nghe, con mới dám mở lòng.

3. Không có cứu rỗi nào trong quá khứ hay tương lai – chỉ có hiện tại

Quá khứ là chi phí đã mất, tương lai là điều chưa tới. Chỉ có hiện tại – nơi duy nhất ta có thể thay đổi con đường phía trước.

Chúng ta là kết quả của giáo dục từ cha mẹ, và con cái cũng vậy. Cuộc sống đã quá vất vả rồi, cha mẹ và con cái – xin đừng làm tổn thương nhau thêm nữa. Bắt đầu từ bây giờ, hãy cải thiện vận may của bản thân và con cái bạn.

Nếu mỗi người chịu trách nhiệm về những vấn đề trong cuộc sống của mình, họ có thể sống đúng với con người thật và đẹp nhất của mình.

Khi cha mẹ ngừng áp đặt, khi con không còn là gánh nặng của kỳ vọng – ta mới thật sự bắt đầu một hành trình chữa lành.