Fed giữ nguyên lãi suất, cảnh báo lạm phát

Sáng 8/5 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất, đồng thời cảnh báo về nguy cơ tăng lạm phát và thất nghiệp do chính sách thuế của ông Trump.

Chủ tịch Fed nhấn mạnh chính sách thương mại của ông Trump tiếp tục là yếu tố gây bất ổn lớn, đặc biệt là thuế nhập khẩu. Ảnh: Reuters.

Sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất tham chiếu ở mức 4,25-4,5%, mức đã được duy trì kể từ cuối năm 2024.

Trong tuyên bố sau họp, Fed nhấn mạnh rằng kể từ kỳ họp tháng 3, "mức độ bất định về triển vọng kinh tế đã tăng lên". Đồng thời, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận hiện chưa rõ liệu nền kinh tế Mỹ có thể duy trì đà tăng trưởng ổn định hay sẽ chững lại do bất ổn ngày càng lớn và nguy cơ lạm phát tăng mạnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng tuyên bố này chưa phản ánh hết mức độ biến động trong thời gian qua.

"Quy mô, mức độ ảnh hưởng và tính dai dẳng của các tác động từ chính sách hiện tại vẫn rất mơ hồ. Vì vậy, chưa thể xác định chính sách tiền tệ nên phản ứng như thế nào", ông Powell nói.

Song, ông nhấn mạnh rằng lập trường hiện tại vẫn cho phép Fed linh hoạt ứng phó với các thay đổi trong nền kinh tế.

Giới quan sát cho rằng đây là cách nói thận trọng cho thấy Fed - vốn là nhân tố then chốt trong việc điều tiết nền kinh tế - đang rơi vào thế bị động trước khi chính sách của ông Trump thực sự phát huy toàn diện và vượt qua những rào cản pháp lý, chính trị.

"Hàng loạt thông tin về chính sách thuế như Ngày giải phóng, việc trì hoãn thuế quan 90 ngày được công bố hôm 9/4, các đàm phán thương mại thay đổi liên tục cùng tâm lý tiêu cực trong các khảo sát doanh nghiệp và người tiêu dùng đã khiến việc đánh giá triển vọng kinh tế trở nên rất khó khăn", chuyên gia Thomas Simons từ Jefferies nhận xét.

Ông gọi phản ứng của Chủ tịch Fed Jerome Powell là "dự đoán được và mang tính né tránh" trong bối cảnh kinh tế chưa có nhiều tín hiệu rõ ràng.

Hướng đi tiếp theo của chính sách tiền tệ sẽ phụ thuộc vào yếu tố nào - thất nghiệp hay lạm phát - trở thành hiện thực rõ rệt hơn. Nếu thị trường lao động suy yếu, Fed sẽ có cơ sở để hạ lãi suất. Ngược lại, nếu lạm phát tăng tốc, cơ quan này nhiều khả năng phải giữ lãi suất cao để kiểm soát giá cả.

"Fed vẫn đang chờ đợi thêm tín hiệu rõ ràng trước khi hành động", ông Ashish Shah, Giám đốc đầu tư công tại Goldman Sachs Asset Management, nhận định. Ông cho rằng các dữ liệu việc làm khả quan gần đây đã củng cố quan điểm giữ nguyên lãi suất, và chỉ khi thị trường lao động suy yếu mạnh thì việc nới lỏng chính sách mới được cân nhắc.

Kể từ tháng 12/2024 đến nay, Fed chưa thay đổi mức lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, các quan chức vẫn gặp khó khăn trong việc đánh giá chính xác tác động từ chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump, vốn được dự báo sẽ gây áp lực lên cả tăng trưởng và lạm phát trong năm nay. Trong công bố hồi tháng 3, Fed dự kiến giảm tổng cộng 50 điểm cơ bản (0,5%) lãi suất trong năm 2025.

Quyết định duy trì lãi suất lần này nhiều khả năng tiếp tục khiến Tổng thống Trump gia tăng áp lực lên Fed. Trong nhiều tháng qua, ông liên tục kêu gọi cơ quan này hạ lãi suất để giảm thiểu tác động từ các chính sách thuế. Gần nhất là ngày 2/5, sau khi Bộ Lao động công bố báo cáo việc làm tháng 4 với kết quả vượt kỳ vọng.

Tuy vậy, Chủ tịch Powell vẫn kiên định với quan điểm thận trọng, lo ngại việc giảm lãi suất quá sớm có thể khiến lạm phát vượt tầm kiểm soát.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.