FPT họp cổ đông bàn về chiến lược phát triển AI trong 3 năm tới

Chiều 15/4, Tập đoàn FPT đã tiến hành tổ chức phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 để bàn về kế hoạch kinh doanh năm 2025 của doanh nghiệp.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT tại phiên họp cổ đông chiều 15/4. Ảnh: BTC.

Chiều 15/4, CTCP Tập đoàn FPT (HoSE: FPT) đã tiến hành tổ chức phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2025. Một trong những nội dung đáng chú ý được ban lãnh đạo FPT trình cổ đông lần này là chiến lược phát triển giai đoạn 2025-2027 của doanh nghiệp, trong đó đặt trọng tâm vào việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

Chiến lược phát triển AI trong 3 năm tới

Theo báo cáo của HĐQT FPT, từ năm 2024, tập đoàn đã đưa ra 5 định hướng phát triển là: Trí tuệ nhân tạo - Bản dẫn - Công nghệ ôtô số - Chuyển đổi số - Chuyển đổi xanh (AI - Bán - Xe - Số - Xanh), trong đó AI là chiến lược trọng tâm và dẫn dắt.

Sự bùng nổ những phát kiến đột phá trong các mô hình ngôn ngữ tự nhiên (LLM), thuật toán và ứng dụng sớm sẽ tạo ra lực lượng lao động thông minh mới - những “Trợ lý AI” trong mọi hoạt động trên không gian số.

Trong đó, chiến lược AI dẫn dắt (AI-first) của FPT nhắm tới 4 mục tiêu trọng điểm gồm:

Phát triển nền tảng và hệ thống “trợ lý Al" Made by FPT, trong đó tạo ra các mô hình ngôn ngữ, các công cụ, kỹ năng cho nền tảng FPT AI Agents có khả năng tích hợp mở và chi phíphù hợp với đặc điểm thị trường, văn hóa Việt Nam.

dai hoi co dong fpt,  fpt truong gia binh anh 1

Phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của FPT diễn ra chiều 15/4. Ảnh: BTC.

Nâng cao năng suất lao động với AI là trọng tâm: mỗi nhân viên FPT, mỗi công việc trong công ty đều được hỗ trợ hoặc thực thi bởi một Trợ lý AI.

Tích hợp AI vào toàn bộ sản phẩm.

Phát triển nguồn nhân lực về AI, trong đó FPT cam kết đào tạo 50.000 kỹ sư AI, cung cấp kỹ năng, kiến thức về AI cho 500.000 nhân lực vào năm 2030.

Chiến lược AI dẫn dắt được tổ chức triển khai đồng bộ với các chương trình về: Sáng kiến AI; Hạ tầng và Dữ liệu; Nhân lực và văn hóa.

Hai nhà máy AI tại Việt Nam và Nhật Bản dự kiến đi vào vận hành trong năm nay sẽ giúp nâng cao năng lực tính toán phục vụ nghiên cứu và cung cấp dịch vụ AI. FPT cũng đang nghiên cứu mở rộng đầu tư thêm trung tâm dữ liệu và nhà máy AI tại Việt Nam và một số quốc gia khác nhằm dẫn đầu về năng lực tính toán trong khu vực.

Ngoài chiến lược phát triển AI, FPT cũng đặt mục tiêu tiếp tục đầu tư mở rộng danh mục dịch vụ trong lĩnh vực bán dẫn với mảng lắp ráp và kiểm thử (OSAT); mở rộng nghiên cứu các dòng chip mới và nghiên cứu các dòng chip thông minh được tích hợp AI; hướng tới phát triển nguồn nhân lực cho ngành với mục tiêu 10.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030.

Công nghệ ôtô số cùng với phổ cập của thiết bị thông minh cá nhân và hệ thống trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ mới ra mắt, ôtô điện thông minh sớm trở thành động lực tăng trưởng cho ngành công nghiệp 3.500 tỷ USD, dự báo đạt tới 6.800 tỷ USD vào năm 2033 với tăng trưởng trung bình 6,7%/năm.

Tập đoàn đánh giá sự chuyển dịch sang ôtô điện mở ra cơ hội lớn cho các công ty công nghệ như FPT với việc tích hợp các hệ thống vận hành với phần mềm quản lý trung tâm và phát triển các dịch vụ thông minh hỗ trợ lái xe.

Mục tiêu doanh thu vượt 75.000 tỷ đồng

Tại phiên họp này, ban lãnh đạo FPT sẽ trình cổ đông kế hoạch doanh thu năm 2025 đạt 75.400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2024. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 13.395 tỷ đồng, tăng 21%.

Nếu hoàn thành kế hoạch này, đây sẽ là năm thứ 7 liên tiếp FPT ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dương, trong đó ghi nhận năm thứ 5 liên tiếp đạt mức tăng trên 20%.

Trong cơ cấu tăng trưởng, khối công nghệ và viễn thông dự kiến vẫn là động lực chính. Cụ thể, doanh thu mảng công nghệ năm nay được kỳ vọng tăng 26% còn viễn thông tăng 13%. Các mảng giáo dục, đầu tư và hoạt động khác được dự báo duy trì ở mức tương đương năm trước.

Xét về lợi nhuận trước thuế, tất cả các mảng đều được kỳ vọng tăng trưởng 2 chữ số, trong đó khối công nghệ dẫn đầu với mức tăng hơn 27%.

FPT cũng dự kiến chi 11.000 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư trong năm nay. Riêng khối công nghệ sẽ được phân bổ 6.000 tỷ đồng để mở rộng tổ hợp văn phòng tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Quy Nhơn. Đồng thời, đầu tư xây dựng nhà máy AI tại Việt Nam và Nhật Bản.

Khối viễn thông được rót 2.500 tỷ đồng cho đầu tư các trục cáp chính, tuyến cáp biển, nâng cấp hạ tầng viễn thông trong nước và hệ thống trung tâm dữ liệu. Các mảng giáo dục và đầu tư khác cũng được phân bổ 2.500 tỷ đồng để mở rộng khuôn viên đại học và xây dựng thêm các cơ sở đào tạo tại nhiều tỉnh thành.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024, HĐQT FPT trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu. Đây là năm thứ 7 liên tiếp FPT duy trì mức cổ tức tiền mặt này.

Trước đó, công ty đã tạm ứng 10% trong năm 2024, phần còn lại dự kiến được thanh toán trong quý II năm nay.

Ngoài ra, FPT sẽ phát hành hơn 222 triệu cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 15%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 15 cổ phiếu mới. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC kiểm toán của công ty mẹ.

Sau phát hành, vốn điều lệ tập đoàn sẽ tăng từ 14.711 tỷ đồng lên 16.933 tỷ đồng. Thời gian dự kiến thực hiện trong quý III.

Tổng mức cổ tức năm 2024 mà cổ đông FPT dự kiến nhận được là 35%, tương đương 2 năm gần nhất. Năm 2025, tập đoàn giữ nguyên mức cổ tức tiền mặt 20%.

Ngoài ra, FPT cũng trình kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP giai đoạn 2026-2030 dành cho đội ngũ quản lý cấp cao. Tỷ lệ phát hành tối đa không quá 1% trong vòng 5 năm với thời hạn hạn chế chuyển nhượng kéo dài 10 năm.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.