Gemadept muốn cạnh tranh làm siêu cảng 50.000 tỷ đồng

Gemalink - công ty liên kết của Gemadept - muốn làm cụm cảng Cái Mép Hạ với quy mô hơn 50.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp khẳng định đủ năng lực tài chính để triển khai thành công dự án.

Gemalink hiện là đơn vị trực tiếp vận hành Cảng Gemalink. Ảnh: Baobariavungtau.

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, CTCP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link (Gemalink) đã gửi thư đến Thủ tướng đề xuất đầu tư, phát triển cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ.

Gemalink khẳng định có đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm để triển khai thành công dự án. Nếu được chọn làm nhà đầu tư, doanh nghiệp cam kết mang lại cho dự án lợi thế cạnh tranh vượt trội.

Với mối quan hệ hợp tác chặt chẽ cùng Tập đoàn CMA - CGM, liên minh Ocean Alliance và các khách hàng hiện hữu, Gemalink cho rằng doanh nghiệp sẽ đảm bảo lưu lượng hàng hóa ổn định, thu hút các hãng tàu trong liên minh đến khu bến Cái Mép - Thị Vải.

Gemalink được biết đến là công ty liên kết của CTCP Gemadept (HoSE: GMD), doanh nghiệp đang điều hành hệ thống nhiều cụm cảng lớn như Cảng Nam Đình Vũ, Nam Hải ICD, Cảng Dung Quất, Phước Long ICD, Cảng Gemalink và Cảng Bình Dương.

Trong đó, cảng Gemalink là cảng nước sâu quy mô lớn hàng đầu Việt Nam hiện nay với năng lực tiếp nhận tàu cỡ lớn nhất thế giới, lên đến 250.000 tấn trọng tải.

Thực tế, đây không phải là nhà đầu tư lớn duy nhất quan tâm tới dự án đầu tư xây dựng cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ.

Hồi tháng 4 năm nay, Liên danh Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - Tập đoàn Geleximco - CTCP Vận tải và Thương mại quốc tế (ITC) cũng đã có đơn gửi Thủ tướng đề xuất triển khai dự án đầu tư xây dựng cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ.

Liên danh này đề xuất thực hiện dự án với tổng vốn đầu tư 50.820 tỷ đồng, định hướng xây dựng thành cảng có khả năng đón tàu biển lớn nhất thế giới.

Đồng thời, liên danh cam kết sẽ giải quyết được các vướng mắc khó khăn của nhà đầu tư cũ và khẳng định đủ năng lực để triển khai đầu tư xây dựng dự án phù hợp với quy hoạch mới.

Trước đó, siêu cảng Cái Mép Hạ cũng được nhiều doanh nghiệp tên tuổi trong nước quan tâm như Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Liên danh Besix-Boskalis-Hateco, IMG Innovations, CTCP Xuất nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương, Tập đoàn Mặt Trời, Saigontel...

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050, khu bến Cái Mép, bao gồm dự án Cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ, là khu bến chính của cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế. Dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án trên 50.000 tỷ đồng.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chấp thuận điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu bến Cái Mép Hạ vào quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ, giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Quy hoạch mới nhất xác định bến cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ có quy mô hơn 216 ha, chiều dài tuyến bến 5,96 km, đáp ứng tàu container đến 250.000 tấn trọng tải, với lộ trình đầu tư từ giai đoạn khởi động đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.