Giấc mơ siêu cường chip toàn cầu của Đức dần lụi tàn

Tham vọng của Thủ tướng Olaf Scholz nhằm tái định hình nền kinh tế lớn nhất châu Âu bằng các khoản trợ cấp bán dẫn đang gặp trở ngại nghiêm trọng sau khi dự án lớn của Intel đổ bể.

Bên trong nhà máy sản xuất chất bán dẫn GlobalFoundries tại Dresden (Đức). Ảnh: Bloomberg.

Tháng 8/2024, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và các quan chức cấp cao khác đã chính thức tham gia khởi công nhà máy của Tập đoàn Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), với tham vọng biến khu vực kém phát triển ở miền Đông nước Đức này thành biểu tượng kinh tế mới, Bloomberg đưa tin.

Tuy nhiên, chưa đầy một tháng sau, dự án trị giá hơn 30 tỷ euro của Intel tại Magdeburg - thuộc miền Đông nước này - bị đình chỉ, dù trước đó công ty nhiều lần cam kết tiếp tục.

Giờ đây, tham vọng biến Đức thành siêu cường bán dẫn của Scholz dần trở nên xa vời khi chính sách công nghiệp trọng tâm bị lung lay vì thông báo của Intel.

Song không chỉ Đức, chiến lược mở rộng sản xuất chip của châu Âu cũng đang rơi vào hỗn loạn.

Cuộc đua kiểm soát "dầu mỏ số"

Nỗ lực tái định vị Đức thành trung tâm sản xuất chip là một phần trong cuộc đua toàn cầu nhằm kiểm soát ngành công nghiệp được xem như "dầu mỏ của thời đại số" và là động lực thúc đẩy các công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo.

"Những con chip này có mặt ở khắp mọi nơi - trong điện thoại, máy hút bụi, tủi lạnh... Toàn bộ nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc vào chúng. Sự phụ thuộc vào khí đốt Nga chẳng là gì so với điều này", Phó thủ tướng Robert Habeck chia sẻ, đồng thời khẳng định Đức không nên từ bỏ Intel.

Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu nâng thị phần sản lượng chip toàn cầu lên 20% vào năm 2030 - một mục tiêu mà nhiều người cho là không thể đạt được. Theo phân tích của Hiệp hội Công nghiệp Đức Zvei và công ty tư vấn Strategy&, thị phần này vào năm 2024 chỉ là 8,1% và nếu không có thêm đầu tư, con số này sẽ giảm xuống còn 5,9% vào năm 2045.

MỸ NẮM HƠN MỘT NỬA THỊ PHẦN CHIP BÁN DẪN TOÀN CẦU
Thị phần sản xuất chip bán dẫn các quốc gia.
Nhãn Mỹ Đài Loan Trung Quốc Nhật Bản Liên minh châu Âu Hàn Quốc
Thị phần % 50.2 7 7.2 9 12.7 13.8

Thực tế, không một nhà sản xuất chip hàng đầu nào trên thế giới, bao gồm Intel, Samsung hay TSMC, có nguồn gốc từ châu Âu. Khu vực này cũng chật vật cạnh tranh với các khoản trợ cấp khổng lồ từ các chính phủ khác trong cuộc đua bán dẫn. Cụ thể, Trung Quốc đã mạnh tay đầu tư 142 tỷ USD, trong khi Mỹ hỗ trợ bằng các ưu đãi thuế cùng 39 tỷ USD thông qua Đạo luật CHIPS.

Vào đầu năm 2024, dự án sản xuất chip tiên tiến nhất của Intel tại Đức từng được cựu Giám đốc điều hành Pat Gelsinger ca ngợi là "bước tiến vượt bậc cho toàn châu Âu". Tuy nhiên, dự án hiện bị tạm dừng 2 năm và nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá đây thực chất là một sự từ bỏ.

Đức vỡ mộng

Thất bại của dự án Intel là đòn giáng nặng nề nhất trong hàng loạt trở ngại đối với Scholz. Các kế hoạch mở rộng của Wolfspeed Inc. và nhà cung cấp ôtô Đức ZF Friedrichshafen AG cũng bị rút lại, trong khi GlobalFoundries chuyển một phần sản xuất từ Dresden sang Bồ Đào Nha.

Dự án Scholz tham gia khởi công hồi tháng 8/2024 - liên doanh ESMC của TSMC, Infineon Technologies AG, NXP Semiconductors NV và Bosch - là nỗ lực khả thi còn sót lại để thu hút đầu tư quốc tế, tạo việc làm và bù đắp cho sự suy giảm của các ngành như khai thác than.

Không chỉ Đức, các quốc gia châu Âu khác cũng gặp thất bại trong tham vọng phát triển ngành bán dẫn. Intel đã hoãn kế hoạch xây dựng nhà máy tại Ba Lan, trong khi dự án liên doanh trị giá 7,5 tỷ euro giữa ST Microelectronics và GlobalFoundries tại Crolles, Pháp cũng đang bị đình trệ.

Tuy nhiên, không quốc gia nào đặt kỳ vọng lớn vào khoản đầu tư như Đức, nơi Thủ tướng Olaf Scholz dẫn đầu nỗ lực thu hút Intel với khoản trợ cấp lên tới 10 tỷ euro từ ngân sách công, đồng thời liên tục thuyết phục các quan chức cấp cao để đạt được sự đồng thuận.

Mặc dù chính phủ biết rõ Intel đang gặp khó khăn tài chính, các quan chức Đức vẫn duy trì liên lạc thường xuyên với CEO Intel Pat Gelsinger, người khẳng định mọi việc đang diễn ra theo kế hoạch chỉ vài ngày trước khi dự án bị ngừng lại. Ba Lan cũng rơi vào tình huống tương tự, theo Thứ trưởng Bộ Số hóa Ba Lan Dariusz Standerski.

"Thông tin về vấn đề tài chính của Intel không phải là bí mật. Nhưng khi chúng tôi nêu vấn đề này tại các nhóm làm việc, người ta cho rằng khoản đầu tư này có thể giúp Intel thoát khỏi khó khăn", ông Standerski nói.

Giải thích về vụ việc, Intel cho biết quyết định hoãn đầu tư "dựa trên dự báo nhu cầu thị trường". Công ty tiết lộ sẽ đánh giá lại cơ hội đầu tư vào cuối thời gian tạm dừng kéo dài 2 năm. Nếu nhu cầu thị trường trở lại như kỳ vọng, hãng sẽ tiếp tục sản xuất tại châu Âu.

Khó khăn chồng chất nhưng Đức chưa từ bỏ

Việc dừng dự án Intel tại Magdeburg vào tháng 9/2024, cùng với cảnh báo từ Volkswagen AG về khả năng đóng cửa nhà máy ôtô cùng tháng, đã giáng một cú đòn mạnh vào chính phủ của ông Scholz.

Thất bại của Intel đã gây chia rẽ trong giới chuyên gia công nghiệp. Một số cho rằng ông Scholz không thể bị chỉ trích vì đã cố gắng, nhưng số khác lại cho rằng kế hoạch của ông thiếu một chiến lược đồng thời để kích cầu từ các khách hàng tiềm năng.

Theo chuyên gia kinh tế Veronika Grimm, Thành viên Hội đồng cố vấn kinh tế độc lập của Scholz, và Lars Feld, Giáo sư chính sách kinh tế từng tư vấn cho Bộ trưởng Tài chính Lindner, vấn đề cơ bản nằm ở cách sử dụng trợ cấp. "Một nhà nước mạnh không nhất thiết phải can thiệp mọi lúc, mọi nơi. Bạn không thể khắc phục những điều kiện bất lợi bằng trợ cấp", Grimm nhận xét.

Bất chấp thất vọng, ông Scholz chưa từ bỏ hy vọng định vị Đức là trung tâm sản xuất chip. Chính phủ nước này vẫn đang tìm kiếm các giải pháp thay thế, trong đó có việc thuyết phục Samsung đầu tư. Tuy nhiên, tập đoàn Hàn Quốc chưa bày tỏ hứng thú mở rộng sản xuất tại châu Âu, một nguồn tin nội bộ tiết lộ.

Bộ Kinh tế Đức đã triển khai một gói trợ cấp bán dẫn mới vào tháng 11/2024 với ngân sách dự kiến khoảng 2 tỷ euro, nhằm hỗ trợ 10-15 dự án trong các lĩnh vực như sản xuất tấm wafer và lắp ráp chip.

Tuy vậy, việc đưa Đức trở thành trung tâm sản xuất chip tiên tiến vẫn là thách thức lớn. TSMC đã tuyên bố sẽ không sản xuất các sản phẩm chip tiên tiến nhất bên ngoài Đài Loan (Trung Quốc). Điều này có nghĩa rằng "giấc mơ" của ông Scholz về việc xây dựng một vị thế đáng kể của Đức trong ngành công nghiệp chip vẫn còn xa vời.

Ngay cả khi mục tiêu này có thể đạt được trong tương lai, Thủ tướng Scholz có thể không còn đủ thời gian để chứng kiến. Các cuộc thăm dò cho thấy đảng Dân chủ Cơ đốc giáo đối lập đang trên đà chiến thắng vào cuộc bầu cử tháng 2, khiến tham vọng của ông Scholz về một "di sản công nghiệp" lớn có nguy cơ bị bỏ dở.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.