Giải mã bí ẩn 'làng công chúa' nổi danh đất Cảng

Làng Trà Phương (huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng) từ lâu nổi danh bởi vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm của những người con gái nên được mệnh danh là “làng công chúa”.

"Cổ Trai Đế vương, Trà Phương Công chúa"

Theo sử sách, tên cổ của làng Trà Phương vốn là Trà Hương, thuộc huyện Nghi Dương, xứ Hải Dương. Năm 1813, do kiêng húy, nhà Nguyễn đã đổi thành Trà Phương.

Dấu ấn đậm nét nhất của làng Trà Phương gắn liền với Vương triều nhà Mạc (1527- 1593). Câu đồng dao "Cổ Trai Đế vương, Trà Phương Công chúa" được truyền tụng qua bao thế hệ, như một niềm tự hào sâu sắc của người dân Trà Phương về Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn - vợ vua Mạc Đăng Dung. Bà là người con gái tài sắc vẹn toàn của làng, để lại dấu ấn rực rỡ trong lịch sử.

Giải mã bí ẩn 'làng công chúa' nổi danh đất Cảng- Ảnh 1.

Làng Trà Phương, xã Kiến Hưng (mới), có ngôi đình thờ Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn - vợ vua Mạc Đăng Dung.

Lịch sử và truyền thuyết ghi lại, vào giữa thế kỷ XVI, tại làng Trà Phương có cô thiếu nữ Vũ Thị Ngọc Toàn nổi danh khắp vùng vì vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Sau này bà trở thành chính phi của Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung. Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn không chỉ nổi tiếng về nhan sắc mà còn cả về đức độ.

Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn có công lớn với dân làng, mua ruộng cấp cho dân nghèo, tu sửa Chùa cảnh, tạc tượng đúc chuông chấn hưng Phật giáo. Khi Thái Hậu mất, dân làng suy tôn bà là Thành Hoàng làng.

Những câu thơ lưu truyền miêu tả về đẹp về vẻ đẹp của bà:

"Thật là Quốc sắc thiên hương

Ôi! người con gái Trà Phương yêu kiều

Mày ngài mắt phượng mỹ miều

Làn môi tươi thắm bao nhiêu sắc hồng

Hàm răng như ngọc trắng trong

Tóc mây tha thướt tươi hồng làn da".

Giải mã bí ẩn 'làng công chúa' nổi danh đất Cảng- Ảnh 2.

Tượng Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn thờ tại đình làng Trà Phương.

Thừa hưởng vẻ đẹp ấy, các cô gái làng Trà vừa xinh đẹp vừa mộc mạc, giản dị nhưng lại thanh tao, đầy sức hút.

Tìm về làng Trà Phương vào một ngày giáp Tết Ất Tỵ 2025, phóng viên Báo điện tử VTC News có dịp được gặp và trò chuyện cùng ông Ngô Duy Chiểu (SN 1948), nguyên Phó ban Tuyên giáo huyện uỷ Kiến Thuỵ để tìm hiểu về vẻ đẹp của biết bao thế hệ con gái làng Trà.

Trong trí nhớ của ông Chiểu, con gái làng Trà đẹp lắm, “mắt phượng mày ngài”, da trắng như trứng gà bóc, môi đỏ, tóc dài thướt tha, yêu kiều. Biết bao Chánh tổng, bá hộ đến làng tìm gái đẹp để cưới.

Giải mã bí ẩn 'làng công chúa' nổi danh đất Cảng- Ảnh 3.

Vợ chồng ông Ngô Duy Chiểu cùng 2 cô con gái xinh đẹp, hiện là giáo viên đang công tác tại địa phương.

Ông tự hào kể về những vẻ đẹp "sắc nước hương trời" của những cô gái làng Trà khi xưa, đặc biệt là 3 chị em gái: bà Ngô Thị Dĩnh, bà Ngô Thị Cói, bà Ngô Thị Rồng... đẹp nức tiếng hồi đầu thế kỉ XX mà cho tới ngày nay dân làng còn ca tụng. Họ không chỉ đẹp người mà còn đẹp nết, đảm đang, tháo vát, chịu thương chịu khó.

Ngày nay, vẻ đẹp con gái làng Trà vẫn nức tiếng gần xa. Trong cuộc thi Hoa khôi Sinh viên 2016, Ngô Mai Phương, nữ sinh làng Trà Phương đã đoạt giải Á khôi 1 và Miss Thân thiện của cuộc thi, đem lại niềm hãnh diện cho quê hương.

Giải mã bí ẩn 'làng công chúa' nổi danh đất Cảng- Ảnh 4.

Hoa khôi Ngô Mai Phương - niềm hãnh diện của quê hương Trà Phương. (Ảnh: Facebook nhân vật)

Giải mã bí ẩn "làng công chúa"

Theo lịch sử được lưu truyền, làng Trà Phương là một vùng quê có từ thời Hùng Vương, thuộc bộ Dương truyền, hình sông thế núi, đồng ruộng bằng phẳng đẹp đẽ, một vùng sơn thủy hữu tình. Phía Đông Bắc giáp sông Đa Độ uốn lượn - Tây Nam có con đầm dài từ Thiên Cầm đến Kỳ Sơn gọi là Dải yếm Chúa.

Núi Trà như bức bình phong thiên nhiên chắn phía Đông của làng. Trên đỉnh núi có bàn Cờ Tiên, dưới chân núi có đền Linh Quy thờ Thần Rùa Vàng, trong núi có hang động thờ Bà Chúa Thao. Ở di tích đền Linh Quy có tảng đá tự nhiên giống y như một con rùa lớn, tương truyền vô cùng linh thiêng. Dân làng thường đến thắp hương, chiêm bái.

Đặc biệt, làng Trà Phương có 2 giếng cổ có từ thế kỉ XV ở chân núi Trà. Nước trong mát quanh năm và ngọt hơn nước mưa, mùa hè cả Tổng đến lấy nước. Biết bao đời dân làng gánh nước ở đây để uống. Họ còn truyền tai nhau, có lẽ do uống nước từ dòng chảy chắt chiu từ lòng đất núi Trà mà người con gái làng Trà mới xinh đẹp động lòng người đến vậy. Cũng từ đó hình thành câu ca "Giếng Trà Phương vừa trong vừa mát...".

Giải mã bí ẩn 'làng công chúa' nổi danh đất Cảng- Ảnh 5.

Giếng nước được khôi phục và bảo tồn dưới chân núi Trà.

Người làng Trà vẫn lưu truyền truyền thuyết về gương lược, dải yếm mà Bà Công chúa, sau này là Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn để lại cho cháu con.

Giữa cánh đồng xanh ngát rộng lớn gần chân núi có một thửa ruộng hình tròn gọi là Gương Trời. Mùa đông hay mùa hè nắng hạn, thửa ruộng vẫn có nước ngầm từ núi chảy ra quanh năm trong vắt, lấp lánh như mặt gương. Lại có mấy thửa ruộng phía trên trông như chiếc lược, tục gọi là gương lược của Trời, cho nên gái Trà Phương rất đẹp.

Trải qua sự dịch chuyển của thời gian, vạn vật đổi dời, 2 giếng cổ này chỉ còn lưu giữ được 1 giếng, các dấu tích cổ xưa cũng mai một dần. Thế nhưng câu chuyện về thửa ruộng mang hình gương, lược, giếng nước trong nay vẫn còn như sự giải thích cho việc con gái làng Trà thường sở hữu nhan sắc hơn người.

Giải mã bí ẩn 'làng công chúa' nổi danh đất Cảng- Ảnh 6.

Con gái làng Trà Phương không chỉ đẹp người mà còn đẹp nết, chịu thương chịu khó (Ảnh tư liệu của Làng Văn hóa Trà Phương)

Lý giải về vẻ đẹp của người con gái làng Trà, nhà sử học Ngô Đăng Lợi, nguyên Chủ tịch Hội sử học Hải Phòng, nhận định có thể do làng có địa thế phong thủy đặc biệt và lịch sử gắn với Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn.

Đứng trên núi Trà nhìn xuống, những thửa ruộng tự nhiên mang dáng hình giống chiếc lược, chiếc gương và con dao bổ cau – những đồ vật “bất li thân” của người con gái xưa. Chân núi còn có miếu thờ thần Rùa linh thiêng và giếng cổ với dòng nước mát trời cho. Những yếu tố “địa linh” ấy đã góp phần hình thành nên vẻ đẹp của gái làng Trà.

Trà Phương xưa nơi đầm cửa phủ thường mở hội đua thuyền, đêm trăng trai gái hát đúm, hát giao duyên cực hay của vùng đất Kiến Thuỵ. Trà Phương nay dù phát triển hiện đại nhưng vẫn lưu giữ trong mình những dấu tích xưa, là minh chứng về một thời kỳ lịch sử đáng tự hào của “làng công chúa” nổi danh tứ phương.