Hai vợ chồng gửi tiết kiệm 70 tỷ đồng, ăn trưa xong tài khoản còn 0 đồng, tòa án tuyên bố: Ngân hàng chỉ phải chịu 20% trách nhiệm

Tích cóp bao năm được một khoản tiền lớn, hai vợ chồng ở Trung Quốc không ngờ mình lại mất trắng chỉ sau một bữa ăn trưa.

Sản phẩm tài chính với lãi suất hấp dẫn

Năm 2017, sau nhiều năm làm ăn khấm khá, vợ chồng bà Đinh và ông Vương ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc tích góp được một khoản tiền 20 triệu NDT (khoảng 70 tỷ đồng). Sau khi bàn bạc với nhau, hai vợ chồng dự định sẽ gửi khoản tiền này ở ngân hàng một thời gian, kiếm thêm chút lãi rồi tiếp tục rút ra để đầu tư.

Lúc này, một người họ hàng của ông Vương là Viên Quân, hiện đang làm quản lý cấp cao tại một ngân hàng ở địa phương đã liên hệ với hai vợ chồng. Viên Quân cho biết, ngân hàng mình làm việc hiện đang có một gói đầu tư tài chính tương tự như gửi tiết kiệm, nhưng có lãi suất cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm thông thường và muốn giới thiệu nó cho vợ chồng ông Vương. Viên Quân còn nói thêm, gói đầu tư này còn có thêm chế độ ưu đãi cho người nhà của nhân viên công tác tại ngân hàng.

Sau khi được Viên Quân thuyết phục, hai vợ chồng ông Vương và bà Đinh quyết định đầu tư vào gói tài chính mà người họ hàng này giới thiệu. Ban đầu, bà Đinh nói với chồng thử đầu tư 5 triệu NDT (khoảng 17 tỷ đồng) trước, nhưng Viên Quân nói với hai vợ chồng rằng số tiền gửi phải đạt mức yêu cầu mới có thể nhận được ưu đãi cao nhất.

Tin tưởng người họ hàng đã nhiều năm làm việc tại ngân hàng, lại là quản lý cấp cao, ông Vương và bà Đinh đồng ý gửi toàn bộ 20 triệu NDT (khoảng 70 tỷ đồng) vào ngân hàng của Viên Quân dưới hình thức gói đầu tư tài chính.

Bà Đinh cũng cho biết, khi thực hiện giao dịch ngân hàng này, Viên Quân và nhân viên cấp dưới đã rất nhiệt tình hỗ trợ cho vợ chồng bà từng bước hoàn tất các thủ tục. Ký xong hết các giấy tờ liên quan, hai vợ chồng đã đến một nhà hàng gần ngân hàng để ăn trưa trước khi trở về nhà.

Dùng bữa xong, ông Vương thanh toán tiền ăn và nhân tiện thử kiểm tra tài khoản tiết kiệm trong app của ngân hàng. Tuy nhiên, ông không thể tin vào mắt mình khi thấy số tiền trong trong tài khoản hiển thị số 0 tròn trĩnh. Ông Vương lập tức gọi điện thoại cho Viên Quân nhưng không liên lạc được, hai vợ chồng vô cùng hoang mang, liền nhanh chóng quay trở lại ngân hàng.

Hai vợ chồng gửi tiết kiệm 70 tỷ đồng, ăn trưa xong tài khoản còn 0 đồng, tòa án tuyên bố: Ngân hàng chỉ phải chịu 20% trách nhiệm- Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Đặt niềm tin nhầm người

Khi ông Vương và bà Đinh đến ngân hàng và yêu cầu kiểm tra tài khoản, nhân viên ngân hàng cũng xác nhận tài khoản của ông bà đã không còn đồng nào. Người đại diện còn cho rằng, đây là hoạt động chi tiêu và khấu trừ bình thường, không liên quan đến hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, ông Vương cho biết không hề nhận được tin nhắn thông báo biến động số dư nào.

Không thể chấp nhận được điều này, hai vợ chồng yêu cầu nhân viên ngân hàng gọi Viên Quân ra để giải thích. Nhưng người phụ trách ngân hàng khẳng định Viên Quân đã đi công tác và tạm thời không có mặt ở ngân hàng. Nghe những lời này, ông Vương không kìm được cơn tức giận, nhất quyết đòi ngân hàng giải quyết. Cuối cùng, họ đành đề nghị hai vợ chồng quay về và chờ đợi để ngân hàng có thêm thời gian kiểm tra, đồng thời cam đoan sẽ tìm ra giải pháp xử lý cho khách hàng.

Đến ngày hôm sau, vẫn không thấy phía ngân hàng liên hệ lại, vợ chồng ông Vương quyết định mời luật sư và cảnh sát địa phương cùng đến trụ sở ngân hàng để làm rõ sự việc. Lúc này, ngân hàng mới cho biết họ đã cố gắng liên lạc với Viên Quân nhưng vẫn không nhận được hồi âm. Đồng thời, ngân hàng cũng nhận được khiếu nại từ nhiều khách hàng khác, rằng họ gặp phải tình trạng tiền biến mất trong tài khoản không rõ lý do như vợ chồng ông Vương.

Dựa trên thông tin mà ngân hàng cung cấp, cảnh sát phát hiện Viên Quân đã có hành vi lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt tiền gửi của các khách hàng, bao gồm cả họ hàng của mình là vợ chồng ông Vương. Với chiêu mời chào gói quản lý tài chính ưu đãi, Viên Quân đã kêu gọi được nhiều người gửi tiền vào ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế những khoản tiền vừa gửi vào tài khoản của khách hàng đã bị Viên Quân thực hiện thủ thuật, chuyển sang tài khoản riêng của mình. Mặt khác, phía hệ thống ngân hàng sẽ chỉ ghi nhận rằng khách hàng đã chi tiêu và chuyển tiền cho nơi khác như những giao dịch chuyển khoản bình thường. 

Khi vụ việc đã sáng tỏ, cảnh sát địa phương ở tỉnh Sơn Tây nhanh chóng truy tìm Viên Quân. Viên Quân bị bắt giữ khi đang trên đường bỏ trốn ra nước ngoài, tuy nhiên, nhưng số tiền bị chiếm đoạt của các nạn nhân đều đã bị tẩu tán, vẫn chưa được thu hồi. Với tư cách là nạn nhân, ông Vương và bà Đinh cho rằng ngân hàng địa phương cũng phải chịu trách nhiệm và kiện ngân hàng này ra tòa.

Ban đầu, phía ngân hàng cho rằng họ không liên quan đến vụ việc này. Tất cả hoạt động phi pháp xuất phát từ cá nhân Viên Quân, hệ thống ngân hàng không ghi lại nên họ không hề hay biết sự cố đã xảy ra. Nhưng xét thấy nhiều là nạn nhân trong vụ việc và số tiền chiếm đoạt quá lớn, tòa án đã đưa ra phán quyết ngân hàng phải chịu 20% đối với các nạn nhân. 

Đồng thời, tòa án và cảnh sát tỉnh Sơn Tây cũng đưa ra lời nhắc nhở: Các khách hàng có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm hay sử dụng gói quản lý tài chính ở ngân hàng hay bất kỳ cơ sở nào cũng cần phải cảnh giác khi được nhân viên trao đổi riêng. Đừng vội tin tưởng vào những lời chào mời gửi tiền với lãi suất cao, để tránh bị lợi dụng hoặc sập bẫy lừa đảo như trường hợp trên. 

(Theo Baijiahao)