Hoàn cảnh trái ngược của các nhà môi giới chứng khoán

Thị trường chứng khoán sôi động trong quý II không giúp tất cả nhà môi giới hưởng lợi. Một số doanh nghiệp lãi nghìn tỷ, trong khi nhiều bên lỗ hoặc chịu cảnh lợi nhuận giảm sâu.

TCBS, VIX, SSI bão lãi nghìn tỷ trong quý II. Ảnh: Phương Lâm.

Dù thị trường chứng khoán trong quý II/2025 ghi nhận nhiều thời điểm giao dịch sôi động, kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán lại cho thấy sự phân hóa ngày càng rõ rệt.

Trong khi một số doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội thị trường để cải thiện lợi nhuận, không ít nhà môi giới lao đao do chi phí tăng cao và hoạt động tự doanh kém hiệu quả.

Ồ ạt bão lãi nghìn tỷ

Trong bối cảnh phân hóa mạnh về kết quả kinh doanh, CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) dẫn đầu lợi nhuận toàn ngành chứng khoán với khoản lãi sau thuế 1.420 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận TCBS gia tăng chủ yếu đến từ doanh thu hoạt động tăng 19%, nhờ tăng trưởng cho vay ký quỹ (margin), hoạt động môi giới và tự doanh chứng khoán. Quý II cũng là quý TCBS ghi nhận mức lãi cao nhất kể từ khi công bố báo cáo tài chính.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty chứng khoán thành viên của Techcombank ghi nhận 2.431 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 9% so với cùng kỳ năm liền trước.

Trong khi đó, Công ty CP Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II tăng đột biến, lên gần 1.302 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần cùng kỳ. Theo lý giải của doanh nghiệp, thị trường chứng khoán quý II tăng tích cực, VN-Index lên cao nhất hơn 2 năm. Nhờ đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) của công ty đã tăng 2.056 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Cùng với đó, hoạt động cho vay và phải thu tăng mạnh với dư nợ đạt 9.281 tỷ đồng (tăng 161%), kéo theo lợi nhuận từ hoạt động này tăng 81%.

Lũy kế nửa năm, lợi nhuận của Chứng khoán VIX đạt gần 1.674 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ năm trước.

Công ty Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) của đại gia Nguyễn Duy Hưng cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng trong nửa năm qua. Theo báo cáo tài chíng riêng lẻ của SSI quý II, công ty mẹ SSI đã lãi trước thuế 1.144 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt 923 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ quý IV/2021. Công ty ước kết quả hợp nhất là 1.197 tỷ đồng, thực hiện 53% kế hoạch năm.

Lợi nhuận tăng đến từ đà tăng trưởng ở cả mảng cho vay ký quỹ và hoạt động đầu tư, đặc biệt là danh mục tài sản FVTPL và doanh thu margin đều tăng đáng kể. Hết quý II, công ty này có dư nợ cho vay margin và ứng trước đạt hơn 33.134 tỷ đồng, tăng 51% so với đầu năm.

Lũy kế nửa đầu năm, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ SSI là 1.767 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện cùng kỳ 2024.

Không ít nhà môi giới đi lùi

Bên cạnh những doanh nghiệp lãi nghìn tỷ, tăng mạnh, cũng không ít công ty chứng khoán ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm, thậm chí lỗ.

Điển hình là Công ty Chứng khoán HSC (HoSE: HCM). Dù doanh thu hoạt động quý II đạt hơn 1.073 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty lại chỉ đạt 192 tỷ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất tính từ quý IV/2023. Công ty lý giải nguyên nhân chính là do chi phí hoạt động tăng mạnh. Ngoài ra, kết quả hoạt động tự doanh cũng giảm do thị trường có một đợt điều chỉnh mạnh làm ảnh hưởng đến kết quả đầu tư.

Lũy kế 6 tháng, tổng doanh thu của HSC đạt 2.073 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi sau thuế giảm 29% xuống 419 tỷ đồng.

CTCP Chứng khoán FPT - FPTS (HoSE: FTS) cũng chịu tác động tiêu cực từ diễn biến thị trường. Doanh thu hoạt động trong quý II đạt 239 tỷ đồng, giảm 22%. Lợi nhuận sau thuế theo đó giảm sâu tới 62%, còn 61 tỷ đồng. Nguyên nhân chính đến từ khoản lỗ gần 10 tỷ đồng trong mảng tự doanh, chủ yếu do định giá lại khoản đầu tư vào cổ phiếu MSH - từng là mã đầu tư hiệu quả của FPTS ở các quý trước.

Tình hình thậm chí nghiêm trọng hơn với Công ty Chứng khoán Apec (APS). Riêng quý II, tổng doanh thu hoạt động của nhà môi giới này chỉ đạt 45 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty theo đó báo lỗ ròng 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 27 tỷ đồng.

Theo lý giải của doanh nghiệp, nguyên nhân thua lỗ là thị trường tài chính biến động mạnh, các khoản đầu tư nắm giữ của công ty bị đánh giá lại giá trị, từ đó dẫn đến các khoản đầu tư tài chính bị đánh giá giảm 74% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy tính đến hết tháng 6, lỗ lũy kế của APS đã vượt mốc 75 tỷ đồng.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư trở thành khái niệm phổ biến. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra trong nước và thế giới. Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực đầu tư phổ biến như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, ngoại hối, tiền ảo... Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.