Thông tin về quá trình điều tra vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An tại cuộc họp báo Quý I của Bộ Công an chiều 4/4, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 Bộ Công an) cho biết, đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 3 vụ án liên quan đến sai phạm tại tập đoàn này, khởi tố 30 bị can.
Đầu tiên là vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ... xảy ra tại Tập đoàn Thuận An với 22 bị can, dự kiến sẽ hoàn tất kết luận điều tra vào đầu quý II.

Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.
Hai vụ án còn lại là vụ Đưa hối lộ, Nhận hối lộ xảy ra tại TP.HCM với 4 bị can và vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ tại tỉnh Đắk Lắk với 4 người bị khởi tố. Qua điều tra, đến nay Bộ Công an thu giữ gần 260 tỷ đồng và khoảng 140.000 USD.
Giữa tháng 4/2024, Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An, bị Bộ Công an khởi tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ. Hai thuộc cấp của Hưng và 3 lãnh đạo cấp ban, phòng của tỉnh Bắc Giang cùng bị khởi tố.
Ngay sau đó, Bộ Công an gửi công văn tới nhiều địa phương như Đắk Lắk, Quảng Nam, Phú Yên... yêu cầu cung cấp tài liệu, hồ sơ liên quan đến Tập đoàn Thuận An.
Ngày 22/4, ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
4 ngày sau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về việc đồng ý khởi tố, bắt giam ông Dương Văn Thái (Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) theo đề nghị của VKSND Tối cao.
Tổng cộng, Bộ Công an khởi tố 11 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, thu giữ 122 tỷ đồng và 130.000 USD tiền mặt liên quan.