2024 là năm đầu tiên có trên 10 ngân hàng Việt Nam lãi trên 10.000 tỷ đồng. Ảnh: Nam Khánh. |
Năm 2024, hệ thống ngân hàng tư nhân Việt Nam ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ về lợi nhuận, khi số lượng ngân hàng báo lãi trên 10.000 tỷ đồng tăng từ 6 lên 8 ngân hàng so với năm 2023. Cùng với 4 nhà băng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank), năm 2024 cũng đánh dấu năm đầu tiên thị trường Việt Nam ghi nhận hơn 10 nhà băng báo lãi trên chục nghìn tỷ đồng.
Năm 2024, lần đầu tiên Sacombank, LPBank và SHB gia nhập "câu lạc bộ" lãi trên 10.000 tỷ đồng. Trong khi đó, MB vẫn vừng vàng vị trí số 1 trong khối ngân hàng tư nhân, với khoản lãi trước thuế hợp nhất vượt 28.000 tỷ đồng.
Lần đầu gia nhập "câu lạc bộ vạn tỷ"
Năm 2024 đã có 5 ngân hàng tiếp tục ghi nhận lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng là MB đạt 28.800 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước; Techcombank đạt 27.538 tỷ đồng (+20%); ACB đạt 21.006 tỷ đồng (+5%); HDBank đạt 16.000 tỷ đồng (+23%); VPBank đạt 20.013 tỷ đồng (85%).
Đặc biệt, danh sách này đã góp mặt thêm 3 cái tên mới, gồm SHB với 11.543 tỷ đồng (+25%), LPBank đạt 12.168 tỷ đồng (+73%) và Sacombank đạt 12.720 tỷ đồng (+33%).
Trong số nhà băng báo lãi lớn này, tăng trưởng vượt trội nhất là VPBank và LPBank.
Với VPBank, năm 2024, nhà băng này ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng tới 85% so với năm trước, đạt hơn 20.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, riêng quý IV/2024, lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng này đã vượt 6.100 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế 2024 của ngân hàng mẹ VPBank cũng đạt gần 18.300 tỷ đồng, tăng 36%.
Một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào thành công này là sự phục hồi mạnh mẽ của công ty tài chính FE Credit sau quá trình tái cấu trúc. Công ty con của VPBank đã liên tiếp báo lãi trong 3 quý gần đây, mang về 500 tỷ đồng lợi nhuận năm 2024, đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của ngân hàng.
Ngoài ra, ngân hàng của Chủ tịch Ngô Chí Dũng đã tập trung mạnh mẽ vào mảng bán lẻ và hưởng lợi từ sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Nhà băng này không chỉ mở rộng quy mô tín dụng mà còn đạt được sự tăng trưởng ổn định trong các phân khúc chiến lược và các phân khúc tiềm năng từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Bên cạnh đó, hoạt động thu hồi nợ của VPBank cũng ghi nhận những kết quả tích cực năm qua, với thu từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất năm 2024 đạt 5.600 tỷ đồng, cao gấp2 lần so với năm trước. Đặc biệt, nhờ sự hậu thuẫn từ cổ đông chiến lược SMBC, phân khúc FDI của ngân hàng đã ghi nhận dư nợ tín dụng tăng trưởng gấp 3 lần so với năm 2023.
LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ NHÓM NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TƯ NHÂN | |||||||||
Nguồn: BCTC NH. | |||||||||
Nhãn | MB | Techcombank | ACB | VPBank | HDBank | Sacombank | LPBank | SHB | |
2024 | tỷ đồng | 28800 | 27538 | 21006 | 20013 | 16000 | 12720 | 12168 | 11543 |
2023 | 26306 | 22888 | 20068 | 10987 | 13017 | 9595 | 7039 | 9245 |
LPBank cũng đã có lần đầu tiên đạt cột mốc lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng. Ngân hàng này, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Nguyễn Đức Thuỵ đã báo lãi trước thuế 12.168 tỷ đồng năm 2024, tăng tới 72% so với năm trước.
Theo LPBank, nguyên nhân chính dẫn đến kết quả này là đà tăng trưởng mạnh mẽ trong thu nhập lãi thuần quý IV/2024, sau khi ngân hàng tập trung vào việc khai thác tối đa lợi thế mạng lưới và đa dạng hóa nhóm khách hàng. Đồng thời, việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của kết quả kinh doanh.
Ngoài ra, chiến lược kiểm soát chất lượng tín dụng chặt chẽ và quá trình chuyển đổi số toàn diện đã giúp giảm chi phí hoạt động so với cùng kỳ.
Cũng góp mặt trong “câu lạc bộ vạn tỷ” năm nay là ngân hàng SHB của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển, với mức lợi nhuận 11.365 tỷ đồng, tăng 24%. Đây là kết quả kinh doanh tốt nhất trong lịch sử của nhà băng này.
Trong khi các ngân hàng khác đạt được kết quả ấn tượng, VIB lại không thể duy trì vị trí trong “câu lạc bộ” này vào năm 2024, khi báo lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 9.004 tỷ đồng, giảm 16% so với mức hơn 10.700 tỷ đồng của năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc ngân hàng phải trích lập một khoản dự phòng rủi ro tín dụng lớn trong khi thu nhập lãi thuần, lãi thuần từ các hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối đều giảm 2 con số. Ngoài ra, việc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ và mở rộng các dịch vụ ngân hàng số kéo theo chi phí hoạt động mà VIB phải chi trả tăng cao hơn.
Kỳ vọng tăng trưởng từ tín dụng, đầu tư công năm 2025
Năm 2025, các ngân hàng được kỳ vọng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Dự báo từ VCBS cho thấy lợi nhuận trước thuế của ngành ngân hàng sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 15% trong cả năm, mặc dù có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngân hàng. Trong đó, nhóm ngân hàng tư nhân sẽ có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
VNDirect nhận định tăng trưởng tín dụng sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng trong năm 2025. Ảnh: Nam Khánh. |
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng ngành ngân hàng đã thể hiện khả năng chống chịu tốt trước các tác động từ biến động vĩ mô quốc tế và các khó khăn trong nền kinh tế trong nước, đặc biệt là ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn 2022-2023.
Với nền tảng tích cực đó, tổng thu nhập của ngành ngân hàng dự báo tăng trưởng 15,3% trong năm 2025, chủ yếu nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế và việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công.
Tuy nhiên, thu nhập ngoài lãi sẽ chỉ tăng 8,5%, do mảng bảo hiểm ngân hàng (bancassurance) vẫn gặp khó khăn. Chi phí hoạt động sẽ tăng chậm hơn tổng thu nhập, ở mức 10,8%, giúp các ngân hàng duy trì khả năng sinh lời ổn định.
Các chuyên gia từ VNDirect cũng nhận định rằng tăng trưởng tín dụng sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng trong năm 2025. Nhu cầu tín dụng dự kiến sẽ chủ yếu đến từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, sản xuất và xây dựng.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.