Khi nói đến những loại cây trồng đa năng, có một loại cây vừa có thể dùng để ăn hoặc uống, vừa có thể bôi lên da với tác dụng làm đẹp.
Đó chính là cây lô hội.
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ, cây lô hội được người Ai Cập gọi là “cây bất tử” vì nó có thể sống và thậm chí nở hoa mà không cần đất. “Lô hội đã được sử dụng làm thuốc ít nhất là từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên và vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới”, các nhà khoa học Ấn Độ viết trong một nghiên cứu có tên “Lô hội: Cây bất tử” công bố năm 2010.

Cây lô hội được người Ai Cập gọi là “cây bất tử”.
Theo Wikipedia, lô hội, hay còn gọi là nha đam, có nguồn gốc từ Bắc Phi. Theo truyền thuyết Ai Cập, nữ hoàng Cléopâtre đã sử dụng lô hội để có làn da mịn màng, tươi tắn. Còn đại đế Hy Lạp Alexandros dùng lô hội để chữa vết thương cho binh lính của mình trong những cuộc viễn chinh.
Tại Việt Nam, lô hội mọc nhiều ở các vùng Phan Thiết, Phan Rang… thuộc các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận. Chúng chịu hạn hán và khô nóng rất giỏi. Vì thế chúng được trồng rải rác khắp Việt Nam để làm thuốc hoặc làm cây cảnh.
Tác dụng của lô hội
Như đã nói ở trên, lô hội là loại cây rất đa năng. Chúng có thể được dùng để ăn, uống, làm thuốc và thoa lên da.
Tác dụng trong đông yTheo thông tin trong sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, lô hội có vị đắng, tính hàn, vào 4 kinh can, tỳ, vị và đại tràng. Cây có tác dụng sát trùng, thông tiện, thanh nhiệt, lương can.
Với liều nhỏ, lô hội có thể giúp hỗ trợ tiêu hóa, ăn uống không tiêu. Với liều lớn, cây dùng làm thuốc chữa những bệnh nhức đầu, sung huyết phổi, sung huyết các phủ tạng.
Tuy nhiên, GS Lợi cho biết người tỳ vị hư nhược, sinh tả và phụ nữ có thai không được dùng lô hội.

Với liều nhỏ, lô hội có thể giúp hỗ trợ tiêu hóa, ăn uống không tiêu.
Lô hội vốn đã nổi tiếng với công dụng này. Gel lô hội chứa các chất giúp giảm sưng tấy trên da, làm dịu mẩn đỏ và bong tróc, làm dịu da ngứa và thúc đẩy sự phát triển của các tế bào da mới, theo chuyên trang y tế Web MD.
Do đó, việc thoa gel lô hội lên da có thể hữu ích trong việc điều trị các tình trạng da như:
- Mụn trứng cá
- Mụn rộp (herpes)
- Trầy xước
- Vết côn trùng cắn, đốt
- Bỏng nhẹ và cháy nắng
- Bệnh vẩy nến.

Gel lô hội chứa các chất tốt cho da.
Khi tiêu thụ, chiết xuất lô hội có thể giúp giảm mức cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) không lành mạnh và chất béo triglyceride, đồng thời tăng cường cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) có lợi cho tim. Các nhà nghiên cứu cho rằng lô hội có tác dụng này bằng cách giảm lượng cholesterol mà ruột hấp thụ.
Trị táo bónNước ép lô hội và nhựa cây lô hội được cho là phương pháp điều trị táo bón. Lô hội chứa các chất (như barbaloin) có tác dụng nhuận tràng. Barbaloin làm tăng lượng nước trong ruột, giúp phân dễ đi qua hơn và giúp thức ăn đã tiêu hóa di chuyển dễ dàng hơn qua ruột.

Nước ép lô hội là một món ngon, bổ dưỡng.
Một số nghiên cứu cho thấy nước ép lô hội có thể giúp hạ đường huyết ở những người mắc bệnh tiểu đường và tiền tiểu đường. Các nhà nghiên cứu cho biết các chất trong lô hội có tác dụng phục hồi các tế bào bị tổn thương trong tuyến tụy sản xuất insulin — loại hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Lô hội cũng có thể hạ đường huyết bằng cách giúp các tế bào trong cơ thể phản ứng tốt hơn với insulin.
Các chuyên gia cho biết chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận liệu lô hội có cải thiện kiểm soát lượng đường trong máu ở những người bị tiểu đường hay không.
Giảm ợ nóngBệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng đau đớn khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản và gây ra chứng ợ nóng. Lô hội có thể giúp điều trị chứng trào ngược bằng cách giảm viêm ở thực quản và giảm axit dạ dày. Một nghiên cứu cho thấy xi-rô lô hội có tác dụng tốt tương đương các loại thuốc điều trị trào ngược như ranitidine (Zantac) và omeprazole (Prilosec) nhưng ít tác dụng phụ hơn.

Cây lô hội khi được thái lát.
Lưu ý khi dùng lô hội
Gel lô hội an toàn khi bôi lên da. Việc tiêu thụ cũng có thể an toàn nếu bạn sử dụng đúng liều lượng và chỉ dùng trong thời gian ngắn, theo Web MD.
Tuy nhiên, ở những người nhạy cảm, lô hội bôi ngoài da có thể gây kích ứng và phát ban. Uống liều cao nhựa lô hội có thể gây đau bụng, tổn thương thận và mất cân bằng điện giải.
Tóm lại, lô hội là một loại thực phẩm tự nhiên mà bạn có thể sử dụng bằng nhiều cách. Nó có thể hữu ích cho các tình trạng như mụn trứng cá, cholesterol cao và tiểu đường, nhưng nghiên cứu vẫn còn hạn chế. Hãy trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng lô hội vì nó có thể gây tác dụng phụ không mong muốn ở một số người.