Loài cây quý hiếm bậc nhất thế giới, chỉ có độc nhất ở Việt Nam

Theo tài liệu nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Lâm Đồng, loài cây quý hiếm này được cho là xuất hiện cùng thời với khủng long và gần như đã bị tuyệt diệt trên thế giới, chỉ còn sót lại ở Việt Nam.

Không ít loài cây quý hiếm, có giá trị kinh tế cao tồn tại ở Việt Nam. Trong đó, thông hai lá dẹt được coi là một trong những loài cây thân gỗ quý hiếm, đặc biệt, khiến nhiều người tò mò và tìm hiểu.

Loài cây quý hiếm bậc nhất thế giới, chỉ có độc nhất ở Việt Nam- Ảnh 1.

Cây thông hai lá dẹt. Ảnh: báo Công an nhân dân

Thông hai lá dẹt có tên khoa học là Pinus Krempfii, thuộc họ Thông (Pinaceae). Đây là loài thông cổ với đặc trưng là hai lá dẹt hình lưỡi kiếm, trên thế giới chỉ có độc nhất ở Việt Nam. Loài thông này được nhiều nhà thực vật học trên thế giới hết sức quan tâm.

Ban đầu, loài thông quý hiếm này được gọi là Pinus Krempfii H.Lec. (thuộc họ Abietaceae), mang tên nhà thực vật học người Đức M. Krempf, người đầu tiên thu mẫu vật thông hai lá dẹt ở thượng nguồn Sông Mao trên độ cao 1.350m. 

Sau này, nhà thực vật học người Pháp là A.Chevalier đã lấy tên Ducamp của một quản đốc thủy lâm người Pháp, người tổ chức nên Cục lâm nghiệp ở Đông Dương, để đặt tên cho loài là Ducampopinus Krempfii (Lec) A.Chev, nhưng cuối cùng thì tên chuẩn vẫn là Pinus Krempfii Lecomte, và tên Ducampopinus Krempfii (Lec) A.Chev được coi là tên đồng nghĩa (synonyme). Người ta còn gọi loài thông này với tên gọi khác là thông Sré.

Loài cây quý hiếm bậc nhất thế giới, chỉ có độc nhất ở Việt Nam- Ảnh 2.

Theo tài liệu nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Lâm Đồng, thông hai lá dẹt là loài thông cổ được cho là xuất hiện cùng thời với khủng long và gần như đã bị tuyệt diệt trên thế giới, chỉ còn sót lại ở Việt Nam.

Thông hai lá dẹt phân bố hẹp ở Lâm Đồng (vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà), Khánh Hòa (khu vực Khánh Vĩnh, khu bảo tồn nhiên nhiên Hòn Bà) và Chư Yang Sin (Đắk Lắk).

Thông hai lá dẹt thường gặp rải rác như là những cây đại thụ cao trên dưới 30m, đường kính có thể từ 1,5 - 1,6m, đôi khi lên tới 2m. Tán của cây khá rộng, dày, sẫm màu và có hình rẻ quạt. Đoạn thân dưới cành lớn, hầu như không có cành nhánh. Cây mầm thường có từ 10 - 13 lá mầm đầu tiên hình xoắn cong về một hướng như lưỡi liềm, lá dài khoảng 2 - 3cm, tiếp đến là các lá nhỏ mọc quanh thân, dài 1,5 - 2,5cm. 

Loài cây quý hiếm bậc nhất thế giới, chỉ có độc nhất ở Việt Nam- Ảnh 3.

Cây Thông hai lá dẹt nhỏ.

Cây ở độ tuổi non (5 - 20 tuổi), lá dài và rộng bản (dài 10 - 15cm) hơn lá cây trưởng thành, xếp như hai lưỡi kéo ở phần đầu cành. Cây trưởng thành lá nhỏ và ngắn lại (dài 4 - 5cm), mọc thành búi dày ở đầu cành, làm cho tán cây thông già dày và sẫm màu hơn.

Quả của cây Thông hai lá dẹt chín vào mùa mưa (tháng 9, tháng 10 hàng năm). Hạt nhỏ màu nâu nhạt, hình bầu dục dài, có cánh tròn ở đầu, khi chín có thể phát tán trong một phạm vi khá rộng và nón quả còn tồn tại một thời gian trên cây. 

Thông hai lá dẹt sinh trưởng rất chậm, tăng trưởng đường kính khoảng 1mm/năm. Như vậy, nếu cây có đường kính 2,5m thì tuổi cây có thể đạt tới 1.000 năm, hoặc ít ra là hàng trăm năm. 

Gỗ Thông hai lá dẹt được xếp vào nhóm I trong bảng 8 nhóm gỗ của Việt Nam. Gỗ mềm, nhẹ, ít nhựa, màu từ trắng đến vàng nhạt, có nhiều đặc tính kỹ thuật tốt, có thể sử dụng làm nhà, làm bao bì, bột giấy, sợi tổng hợp…

Ở Lâm Đồng, thống kê bước đầu có khoảng trên 1.000 cá thể Thông hai lá dẹt và chưa phát hiện quần thể nào có trên 250 cá thể trưởng thành. Số cá thể trong quần thể bình quân khoảng 20 cây, hiếm khi có quần thể có số lượng cá thể trưởng thành trên 100 cây. Trong cấu trúc quần thể, có nhiều cây thành thục và quá thành thục (đường kính trên 80cm) nhưng lại thiếu lớp cây kế cận. Bên cạnh đó, không gian sống của loài Thông hai lá dẹt ngày càng bị thu hẹp do tác động phá rừng, cùng với sự thiếu hụt về các thông tin liên quan cần thiết cho công tác bảo tồn, nên Thông hai lá dẹt đang bị đe dọa thực sự trong tương lai gần.

Theo tiêu chuẩn phân loại của Sách đỏ Việt Nam, Thông hai lá dẹt được xếp vào cấp V (Vulnerable) - sẽ nguy cấp (có thể bị đe dọa tuyệt chủng); còn theo tiêu chuẩn IUCN, Thông hai lá dẹt được xếp vào cấp EN (Endanger) - nguy cấp.

Những cây thông hai lá dẹt hàng trăm năm tuổi chưa bao giờ hết là mục tiêu săn lùng của lâm tặc.

Loài cây quý hiếm bậc nhất thế giới, chỉ có độc nhất ở Việt Nam- Ảnh 4.

Cây Thông hai lá dẹt 1.100 năm tuổi, tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà

Tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) có một cây thông hai lá dẹt 1.100 tuổi vô cùng quý hiếm. Cây được người K'Ho, Lạch, Cil bản địa xem là "cây thần linh" nên không được xâm phạm mà phải tìm mọi cách bảo vệ.

Chu vi gốc cây thông hai lá dẹt này lên đến 7,3 mét, phải mất đến 7 người ôm mới hết. Đặc biệt, phần rễ cây thông trải qua hàng ngàn năm đã lan ra rất rộng, tạo thành những hang hốc bên dưới rất bí ẩn. Lớp mùn dày hàng mét chứng tỏ sự phong phú và lâu đời của gốc cây này.

Không chỉ có thông hai lá dẹt từ thời cổ đại, trong Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà còn có khoảng 2.077 loài thực vật có mạch, 131 loài thú, 304 loài chim, 15 loài hạt trần, 302 loài lan…Đây còn là một trong 221 vùng chim quan trọng của thế giới, là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang và là Vườn di sản ASIAN.

Minh Hoa (t/h)