Loại rau từng mọc dại, không ai ngó tới, nay thành đặc sản đắt như thịt: Giúp giữ rừng và làm giàu

Từng là loại rau mọc dại không mấy ai để ý, rau ngót rừng đã trở thành đặc sản vùng miền, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con vùng cao và góp phần bảo vệ rừng.

Trên thị trường, vào mùa thu hoạch, rau ngót rừng có giá khoảng 150.000 đồng/kg, trong khi hoa của loại cây này được bán với giá lên tới 200.000 đồng/kg – đắt gấp nhiều lần rau ngót thường. Dù giá cao, loại rau này vẫn rất hút khách, đặc biệt là giới sành ăn và các gia đình khá giả. Nhiều người thậm chí phải đặt trước 2–3 ngày, thậm chí cả tuần mới mua được, theo thông tin từ VietNamNet.

Rau ngót rừng – đặc sản vùng cao

Theo ông Nguyễn Văn Biên – Giám đốc Trung tâm Cây giống Tam Đảo (Vĩnh Phúc), rau ngót rừng (cách gọi của bà con vùng núi phía Bắc) còn được biết đến với các tên gọi khác như rau sắng hay rau mì chính.

Đây là loại cây thân gỗ, mọc tự nhiên tại các vùng núi đá ở Việt Nam, phổ biến ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai và một số tỉnh Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng.

Cây thường sinh trưởng ở độ cao khoảng 100–200 mét so với mực nước biển và được thu hái chủ yếu vào mùa xuân, có thể cho thu hoạch nhiều lứa trong năm.

Loại rau từng mọc dại, không ai ngó tới, nay thành đặc sản đắt như thịt: Giúp giữ rừng và làm giàu- Ảnh 1.

Hoa và rau ngót rừng.

Rau ngót rừng có vị ngọt tự nhiên, dễ ăn và thường được dùng để nấu canh hoặc xào. Đặc biệt, khi nấu canh, rau thường được nấu suông để giữ nguyên vị thanh mát. Hoa rau ngót rừng cũng có thể dùng để nấu canh hoặc đồ xôi, mang lại hương vị đặc biệt.

Ông Biên cho biết, nhiều địa phương đang có chính sách phát triển rau ngót rừng với mục tiêu khai thác lá làm sản phẩm thương mại, phục vụ chuỗi nhà hàng, khách sạn, nhất là tại các khu du lịch.

“Tại Tam Đảo nơi tôi sinh sống, trước đây cũng từng khuyến khích bà con dân tộc thiểu số trồng su su phục vụ du lịch. Nhờ cây su su, xã Hồ Sơn đã từng bước thoát nghèo và phát triển kinh tế. Rau ngót rừng cũng có tiềm năng tương tự, đặc biệt là trong các khu du lịch vì nhu cầu tiêu thụ của nhà hàng rất lớn”, ông Biên chia sẻ.

Kết hợp trồng rau – giữ rừng bền vững

Cũng theo ông Biên, cây ngót rừng là loại cây thân gỗ, tán rộng, chủ yếu thu hoạch lá. Mỗi năm có thể cho thu hoạch 2 vụ chính và phụ. Trung bình một cây trồng được 6 năm có thể cho sản lượng khoảng 10 kg lá mỗi vụ.

Việc trồng và khai thác rau ngót rừng đúng cách (chặt ngọn, không chặt cả cây) giúp người dân vừa có nguồn thu nhập ổn định, vừa giữ được rừng. Thay vì phá rừng làm nương rẫy hoặc trồng cây công nghiệp, mô hình này khuyến khích khai thác tài nguyên rừng một cách bền vững.

Với khả năng tái sinh tốt, rau ngót rừng phù hợp với mô hình kinh tế lâm nghiệp sinh thái, có thể trồng xen dưới tán rừng tự nhiên hoặc rừng trồng như keo, sao đen, dổi, hoặc cùng với các loại cây ăn quả. Điều này giúp duy trì độ che phủ rừng, khai thác rau hàng năm và tạo sinh kế ổn định từ cây bản địa.

Hiện nay, một số hợp tác xã nông – lâm tại Sơn La, Nghệ An đã đưa rau ngót rừng vào danh mục sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), kết hợp với phát triển du lịch sinh thái và chuỗi nông sản sạch.

Không chỉ là rau ăn, còn là thảo dược

Ngoài giá trị ẩm thực, rau ngót rừng còn được biết đến như một loại thảo dược giàu dưỡng chất, axit amin và vitamin.

Theo y học cổ truyền, rau ngót rừng có tác dụng mát huyết, hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc, hỗ trợ điều trị các vấn đề tiêu hóa như táo bón, đồng thời giúp giải nhiệt do bia rượu.

Tuy nhiên, lưu ý, phụ nữ mang thai không nên sử dụng rau ngót rừng vì có thể gây co thắt tử cung.