![]() |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về doanh nghiệp tư nhân ngày 17/2 tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Ngày 17/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc gặp với các doanh nhân hàng đầu nước này - một động thái mang tính bước ngoặt của chính quyền Bắc Kinh, SCMP đưa tin.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức, cuộc họp được đánh giá là một tín hiệu mạnh mẽ từ Bắc Kinh, khẳng định sự ủng hộ đối với khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là ngành công nghệ.
Theo Tân Hoa Xã, ông Tập khẳng định những nguyên tắc cốt lõi và chính sách của chính phủ dành cho kinh tế tư nhân - vốn là một phần không thể tách rời của hệ thống xã hội chủ nghĩa - sẽ được duy trì kiên định và không thay đổi.
Tín hiệu trấn an
Trong khi các quan chức và nhóm nghị sĩ thường xuyên gặp gỡ doanh nhân, thì lần gần nhất Chủ tịch Tập Cận Bình trực tiếp tham dự một cuộc họp cấp cao với các lãnh đạo doanh nghiệp có quy mô tương tự đã diễn ra từ tháng 11/2018. Khi đó, nền kinh tế tư nhân Trung Quốc cũng đang đối mặt với nhiều lo ngại và bất ổn.
Hiện nay, niềm tin của giới doanh nhân và nhà đầu tư tại Trung Quốc vẫn ở mức thấp trong bối cảnh nền kinh tế trong nước phục hồi chậm chạp, căng thẳng địa chính trị với Mỹ leo thang, và những đợt siết chặt quản lý trước đây đối với các tập đoàn lớn như Alibaba nhằm kiểm soát hành vi độc quyền.
Dù Bắc Kinh đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ khu vực tư nhân, nhưng sự không nhất quán từ chính quyền địa phương - như áp đặt các mức phạt nặng để bù đắp ngân sách - đã làm suy giảm hiệu quả của những nỗ lực này.
Phát biểu tại hội nghị, ông Tập khẳng định nền kinh tế tư nhân là một phần quan trọng trong hệ thống xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc và chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển.
“Đây là thời điểm để doanh nghiệp tư nhân phát huy thế mạnh, đóng góp vào đổi mới công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của đất nước”, ông nói.
![]() |
Chủ tịch Tập Cận Bình bắt tay với ông Nhậm Chính Phi - nhà sáng lập kiêm CEO của Huawei Technologies trong Hội nghị chuyên đề về doanh nghiệp tư nhân tại Bắc Kinh ngày 17/2. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Cuộc họp có sự góp mặt của nhiều tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp, bao gồm Jack Ma (người sáng lập Tập đoàn Alibaba), Lôi Quân (nhà sáng lập kiêm CEO Xiaomi), Mã Hóa Đằng (nhà sáng lập kiêm CEO Tencent), Vương Truyền Phúc (chủ tịch kiêm CEO của hãng xe điện BYD) và Nhậm Chính Phi (nhà sáng lập kiêm CEO Huawei Technologies).
Ông cũng nhắc nhở các doanh nghiệp về tầm quan trọng của quản trị minh bạch và công bằng, từ việc tổ chức bộ máy cổ đông, giám sát nội bộ đến quản lý rủi ro hiệu quả. Đồng thời, ông kêu gọi các công ty đầu tư mạnh vào đào tạo và phát triển thế hệ lãnh đạo tương lai.
“Bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào của doanh nghiệp, dù thuộc sở hữu nhà nước hay tư nhân, đều phải được điều tra và xử lý nghiêm minh”, ông Tập cảnh báo.
Dù hội nghị này thể hiện rõ sự ủng hộ của chính quyền đối với giới doanh nghiệp, ý nghĩa sâu xa hơn của nó nằm ở thông điệp gửi tới cộng đồng doanh nghiệp tư nhân nói chung, theo nhận định của Su Yue - nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Economist Intelligence Unit (EIU).
“Danh sách khách mời cho thấy rằng phát triển vẫn là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh, thay vì đánh đổi tăng trưởng để tập trung vào an ninh”, bà Su bình luận.
Những doanh nhân khác có mặt tại hội nghị bao gồm Tăng Dục Quần (chủ tịch tập đoàn pin CATL), Lãnh Hữu Bân (chủ tịch kiêm CEO công ty sữa Feihe), Nan Cunhui (chủ tịch tập đoàn thiết bị điện Zhejiang Chint Electrics), Vương Hưng Hưng (nhà sáng lập công ty robot Unitree) và Ngu Nhân Vinh (nhà sáng lập kiêm chủ tịch Will Semiconductor).
Hội nghị cũng có sự tham gia của Thủ tướng Lý Cường, ông Vương Hộ Ninh - Chủ tịch Ủy ban Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, và Phó thủ tướng Đinh Tiết Tường - người phụ trách phát triển công nghệ.
Theo bà Su, những doanh nhân được mời tham dự đều là những người giữ vị trí tiên phong trong ngành của họ hoặc đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chuỗi cung ứng công nghiệp của Trung Quốc thông qua đổi mới công nghệ. Một số công ty cũng đang từng bước đưa hoạt động kinh doanh của Trung Quốc tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.
Đặc biệt, việc Jack Ma xuất hiện tại hội nghị cấp cao lần này được thị trường xem là dấu hiệu tích cực nhất, theo nhận định của ông Ding Shuang, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Standard Chartered Bank.
Nhà sáng lập Alibaba đã giữ thái độ kín tiếng kể từ cuối năm 2020, sau khi Bắc Kinh chặn đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group - công ty con trong lĩnh vực tài chính công nghệ của Alibaba.
“Jack Ma vẫn được xem là biểu tượng của khu vực tư nhân và đổi mới sáng tạo”, ông Ding nhận định. “Cuộc gặp lần này cũng chính là sự thừa nhận chính thức của chính quyền đối với đóng góp của doanh nghiệp tư nhân trong việc thúc đẩy công nghệ”.
|
Sự xuất hiện của Jack Ma - người sáng lập Tập đoàn Alibaba - là tín hiệu tích cực trong cam kết của Bắc Kinh đối với doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: Reuters. |
Peiqian Liu, nhà kinh tế học châu Á tại Fidelity International, cũng chia sẻ với CNBC rằng điều này có thể khơi dậy tinh thần và sự lạc quan về động lực tăng trưởng mới ở Trung Quốc”.
“Nó thậm chí có thể mạnh hơn cả biện pháp kích thích tài khóa, nếu các nhà hoạch định chính sách thể hiện sự ủng hộ quyết liệt hơn đối với sự phát triển của lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc”, ông Liu nói thêm
Giảm gánh nặng tài chính, đặt trọng tâm vào công nghệ
Một trong những vấn đề lớn mà các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đang phải đối mặt là gánh nặng tài chính do doanh thu từ đất đai của chính quyền địa phương sụt giảm, khiến nhiều địa phương tăng cường áp thuế và phạt nặng doanh nghiệp để bù đắp ngân sách.
Điều này không chỉ khiến môi trường kinh doanh trở nên bất ổn mà còn làm suy giảm niềm tin của doanh nhân và nhà đầu tư.
Chủ tịch Tập đã thẳng thắn thừa nhận vấn đề này và cam kết chính phủ sẽ có biện pháp mạnh tay để khắc phục.
“Chúng ta phải tập trung giải quyết vấn đề chậm thanh toán đối với doanh nghiệp tư nhân, đồng thời chấn chỉnh các khoản phí, tiền phạt và thanh tra tùy tiện”, ông Tập tuyên bố.
Các doanh nghiệp tư nhân cần được bảo vệ hợp pháp, có cơ hội tiếp cận nguồn vốn công bằng và không bị phân biệt đối xử.
Đây được coi là thông điệp quan trọng nhằm trấn an giới kinh doanh, trong bối cảnh đầu tư tư nhân tại Trung Quốc đã giảm 0,1% trong năm 2024, với tỷ trọng đầu tư vào tài sản cố định của khu vực tư nhân giảm từ 56,42% năm 2019 xuống còn 50,08% năm 2023.
![]() |
Tăng trưởng đầu tư của Trung Quốc vào sản xuất công nghệ cao hàng năm. Biểu đồ: SCMP. |
Dù nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức, Bắc Kinh vẫn đang đặt cược vào đổi mới công nghệ như một hướng đi bền vững để thúc đẩy tăng trưởng. DeepSeek, một startup trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc, là minh chứng rõ nét nhất cho tiềm năng này.
Nhà sáng lập kiêm CEO của DeepSeek, ông Liang Wenfeng, cũng có mặt tại hội nghị. Startup này đã trở thành một trong những cái tên đáng chú ý nhất trong lĩnh vực AI tại Trung Quốc, góp phần định hình tương lai công nghệ của đất nước.
“Không có gì ngạc nhiên khi hội nghị lần này tập trung vào việc thúc đẩy đổi mới công nghệ và khôi phục niềm tin của doanh nghiệp tư nhân”, ông Tang Dajie, chuyên gia tại viện tư vấn China Enterprise Institute, chia sẻ.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có dấu hiệu leo thang trở lại, việc Bắc Kinh tập trung vào công nghệ không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn mang tính chiến lược.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách áp thuế 10-15% lên một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ và tăng cường kiểm soát xuất khẩu khoáng sản quan trọng.
Những công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, như DeepSeek và các hãng robot nội địa, đang trở thành tâm điểm trong cuộc đua công nghệ toàn cầu giữa Bắc Kinh và Washington. Những doanh nghiệp này không chỉ thể hiện năng lực đổi mới của Trung Quốc, mà còn đóng vai trò quan trọng trong tham vọng công nghệ của Trung Quốc.
Ông Zhang Zhiwei, chủ tịch kiêm chuyên gia kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management, cũng đánh giá hội nghị ngày 17/2 là “tín hiệu rõ ràng rằng chính phủ muốn doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng hơn trong đổi mới công nghệ”, nhất là khi danh sách khách mời lần này có nhiều gương mặt từ lĩnh vực công nghệ hơn so với hội nghị năm 2018.
“Thật thú vị khi nhớ lại rằng trong lễ nhậm chức của ông Trump, nhiều lãnh đạo ngành công nghệ cũng có mặt. Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ sẽ là trận chiến khốc liệt nhất giữa hai quốc gia và sẽ quyết định sức mạnh kinh tế của họ trong tương lai”, bà Su Yue từ EIU bình luận.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.