Mạnh dạn nuôi loài vật ít người dám nuôi
Trang trại nhỏ chừng 300m2 của chị Lan nằm nép mình bên lô cao su cạnh quốc lộ 14 qua phường Ngô Mây, Tp. Kon Tum (tỉnh Kon Tum) ẩn chứa một bí mật thú vị.
Bên trong bức tường gạch xây cao và tấm cửa sắt quây kín, 20 chiếc chuồng gạch nhỏ là nơi sinh sống của hàng chục con cheo cheo nhỏ xíu. Loài thú rừng quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam đang có nhiều hy vọng vào tương lai dù số lượng ngoài tự nhiên liên tục sụt giảm từng năm.
Dù là thú móng guốc như hươu nai nhưng cheo cheo kích thước rất nhỏ, mỗi con trưởng thành chỉ dài khoảng 20 - 30cm, cân nặng loanh quanh 2kg.
Bởi vóc dáng nhỏ bé, cheo cheo trông rất ngộ nghĩnh, nhìn vừa giống hươu vừa giống chuột và đang nắm giữ danh hiệu là loài thú móng guốc nhỏ nhất thế giới.
Từng là loài thú sinh sống phổ biến trong các khu rừng từ Bắc tới Nam, cheo cheo ngày càng hiếm dần bởi bị săn bắt quá mức và môi trường sống thu hẹp.

Đàn cheo cheo quý hiếm của chị Lê Thị Lan. Ảnh: Tấn Lực/Tuổi Trẻ Online.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, chị Lê Thị Lan (38 tuổi) cho biết, để xây dựng được mô hình chăn nuôi cheo cheo thành công như hôm nay, chị đã mất hơn 5 năm mày mò và nhiều lần trả giá bằng những bài học kinh nghiệm hàng trăm triệu đồng khi cheo cheo chết.
Chị Lan cho biết trước đây chị từng trải qua nhiều nghề như: trồng cao su, nuôi heo... nhưng không đạt hiệu quả kinh tế. Chị cũng từng tìm hiểu các mô hình nuôi chồn, dúi, nhím đá, nhưng nhận thấy thị trường các loài này đã bão hòa, lợi nhuận không cao. Sau nhiều cân nhắc, chị quyết định chọn nuôi cheo cheo, một loài vật có giá trị kinh tế cao và ít người tiếp cận, nhằm tìm kiếm cơ hội phát triển bền vững.
Theo chị Lan, cheo cheo có nhiều đặc tính để giữ được giá trị ổn định qua thời gian. Đó là không như một số loài có thể đẻ vài con non mỗi lứa, giống cheo cheo sinh đẻ mỗi lứa chỉ một con, họa hoằn lắm mới có lứa đẻ hai con.
Chính đặc tính này khiến nuôi cheo cheo khó phát triển nhanh bầy đàn. Nguồn cung ra thị trường vì vậy sẽ được giới hạn, đảm bảo duy trì giá tốt.
Thời gian, chi phí nuôi thấp, bán giống lên tới 10 triệu đồng/cặp
Ban đầu, khi bắt tay vào nghề nuôi loài động vật quý hiếm và có phần mới lạ này, chị Lan gặp không ít khó khăn, từ cách làm chuồng trại đến kỹ thuật chăm sóc, cho ăn hoặc tiêm phòng dịch bệnh… Chị tự mày mò học hỏi kỹ thuật từ sách vở, báo chí và mạng xã hội. Để nắm chắc kỹ thuật nuôi cheo cheo, chị đến các trại nuôi ở Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai... học hỏi thêm kinh nghiệm.
Đến tháng 6/2024, chị Lan bắt đầu xây dựng trại với 20 chuồng nuôi, chia thành 3 khu vực: khu ghép bố mẹ, khu nuôi cheo cheo con và khu nuôi cheo cheo thương phẩm. Mỗi chuồng rộng trên 6 m², bên trong có 2 viên gạch men được xếp theo hình tam giác làm chỗ cho cheo cheo trú ẩn. Xung quanh đều được phủ thảm cỏ nhân tạo để tránh gây tổn thương cho cheo cheo.

Mỗi chuồng rộng trên 6m², bên trong có 2 viên gạch men được xếp theo hình tam giác làm chỗ cho cheo cheo trú ẩn. Ảnh: Đức Nhật/báo Thanh Niên.
Sau khi xây dựng chuồng trại đúng kỹ thuật, chị Lan nhập 7 cá thể cheo cheo (3 đực, 4 cái) từ Trà Vinh với giá 42 triệu đồng. Đồng thời, chị hoàn tất thủ tục pháp lý để được cấp mã số cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum.
"Tôi đã rất tự tin vì đã tìm hiểu nhiều năm. Nhưng khi nuôi thật thì đàn cheo cheo liên tục bị bệnh do chưa quen khí hậu, môi trường. Nào là đục mắt, tiêu chảy, phù chân… tôi mất khoảng 100 triệu đồng vì thiếu kinh nghiệm", chị Lan chia sẻ với báo Thanh Niên.
Sau thời gian vất vả, chị Lan dần rút ra được kinh nghiệm chăm sóc. Từ vệ sinh chuồng trại, giữ ấm mùa lạnh bằng cách rải thêm rơm lên mái, làm mát mùa hè bằng cách tưới nước lên mái… Đến nay, chị Lan tự tin kiểm soát được hầu hết các nguyên nhân gây bệnh, giúp cheo cheo sinh trưởng, phát triển tốt.

Thức ăn của cheo cheo chủ yếu là cám, bắp hạt, trái cây, rau muống…Ảnh: Đức Nhật/báo Thanh Niên.
Theo chị Lan, thức ăn của cheo cheo chủ yếu là cám, bắp hạt, trái cây, rau muống… Mỗi con chỉ tốn khoảng 2.000 đồng/ngày cho thức ăn. Do đó chi phí chăn nuôi khá thấp. Mỗi ngày, chị chỉ phải bỏ thời gian khoảng 1 tiếng đồng hồ để cho ăn và dọn dẹp vệ sinh chuồng trại.
Từ 7 cá thể ban đầu, sau khoảng 8 tháng, đàn cheo cheo đã tăng lên 24 con. Theo chị Lan, cheo cheo có khả năng sinh sản khoảng 3 lứa mỗi năm, với mỗi lứa thường chỉ 1 con. Chu kỳ mang thai của chúng kéo dài từ 100 đến 105 ngày.
"Cheo cheo sinh sản ít nên việc nhân giống chậm hơn các vật nuôi khác. Nhưng chính điều này khiến giá trị của chúng luôn ở mức cao, không lo rớt giá", chị nói.
Mới đây, chị Lan đã xuất được 7 cặp cheo cheo giống cho các trang trại tại Hà Tĩnh và xã Ia Chim (Tp.Kon Tum) với giá 10 triệu đồng/cặp. Trang trại của chị Lan cũng bán thịt cheo cheo thương phẩm với giá dao động từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg. Ngoài việc bán giống, chị còn cam kết bao tiêu cho các hộ dân có nhu cầu nuôi cheo cheo theo mô hình của mình.
Chỉ sau khoảng 7 tháng kể từ khi bắt tay vào mô hình nuôi cheo cheo, chị Lan đã thu về khoảng 70 triệu đồng. Hiện chị đang lên kế hoạch mở rộng quy mô lên 100 cặp bố mẹ để đáp ứng nhu cầu thị trường đang tăng cao.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Chủ tịch Hội Nông dân phường Ngô Mây, cho hay đây là mô hình chăn nuôi độc đáo trong phường và cả trong tỉnh vì ngoài chị Lan chưa thấy nơi nào nuôi cheo cheo. Nghề nuôi cheo cheo mang lại giá trị kinh tế rất cao, lại góp phần bảo vệ và nhân rộng nguồn gene quý hiếm.
Theo chị Tuyền, chủ trang trại là người phụ nữ khá đặc biệt khi có sự đam mê với các loài động vật rừng. Việc bỏ thời gian nhiều năm để tìm tòi, học cách nuôi cheo cheo của chị Lan không phải ai cũng làm được nếu không đủ sự đam mê.
Đây là mô hình kiểu mẫu thành công mà hội nông dân phường rất tự hào giới thiệu cho các nơi tham quan, tìm hiểu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum), cho hay cheo cheo là loài được xếp vào danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ.
Trước đây, cheo cheo xuất hiện phổ biến tại nhiều vùng rừng núi của Việt Nam, có phạm vi phân bố rộng từ Bắc tới Nam. Nhưng nhiều năm gần đây loài này đã khó bắt gặp hơn trong tự nhiên do suy giảm số lượng bởi nguyên nhân bị bẫy bắt nhiều.
Theo ông Thủy, do đặc tính hiền lành, chậm chạp, cheo cheo dễ trở thành nạn nhân của người săn bắt thú rừng.
"Trong nghiên cứu đa dạng sinh học, cheo cheo được coi như vật chỉ thị tính đa dạng của vùng rừng. Nơi nào còn nhiều cheo cheo chứng tỏ vùng rừng đó còn đa dạng giống loài khác, ngược lại những nơi không thấy cheo cheo cũng có thể hiểu rằng vùng rừng đang suy kiệt", ông Thủy nói.
Minh Hoa (t/h)