Theo thông tin từ Baidu, cô Lưu – một người dân sống tại Hàng Châu (Trung Quốc) – đã tham gia đấu giá một căn hộ tại thành phố Thiệu Hưng với kỳ vọng cho thuê sinh lời. Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá, cô bất ngờ phát hiện nhiều khoản phí phát sinh khiến khoản đầu tư tưởng chừng hấp dẫn trở thành gánh nặng tài chính.
Tưởng cơ hội đầu tư, ai ngờ thành rắc rối
Cô Lưu cho biết mình từng nghe một người bạn chia sẻ về tiềm năng đầu tư tại khu vực này, việc cho thuê nhà sẽ mang lại lợi nhuận ổn định. Thấy tiềm năng đầu tư, cô Lưu quyết định bỏ vốn tham gia đấu giá một số căn hộ đang được rao bán tại khách sạn Vĩnh Lợi trên phố Thế Kỷ Đông, thành phố Thiệu Hưng. Mức giá thị trường các căn hộ trong khu vực dao động từ 200.000 đến 300.000 NDT (tương đương 705 triệu đến 1 tỷ đồng).
Condotel là những căn hộ chung cư cao cấp nhưng hoạt động như một khách sạn. Condotel thường được xây ở các thành phố lớn và các khu nghỉ dưỡng lớn, để du khách có thể sử dụng các tiện ích tương tự của một căn hộ chung cư và phục vụ cho mục đích kinh doanh du lịch.

Ngày 30/3, cô Lưu đấu giá thành công căn hộ số 1702 rộng khoảng 83m² với mức giá 312.300 NDT (hơn 1,1 tỷ đồng), đặt cọc 50.000 NDT (khoảng 176 triệu đồng). Tưởng rằng mọi thủ tục sẽ diễn ra suôn sẻ, nhưng khi đến nhận nhà, cô phát hiện mình không thể lên tầng vì hệ thống thang máy bị khách sạn kiểm soát.
Chi phí phát sinh không như kỳ vọng
Sau nhiều nỗ lực, cô Lưu cuối cùng cũng liên hệ được giám đốc khách sạn – ông Hứa. Trước các nghi vấn của cô Lưu, ông lại chỉ trả lời rằng: "Phí quản lý là 8.000 NDT/năm, phí điện nước tính riêng. Cô sẽ được cấp thẻ thang máy để sử dụng cá nhân."
Tuy nhiên, khi bị cư dân và cô Lưu chất vấn vì sao mức phí quản lý lại cao bất thường, ông Hứa lại trả lời mơ hồ, chỉ cho biết sẽ "báo cáo lại với lãnh đạo cấp trên".
Cô Lưu chia sẻ: "Tiền thuê căn hộ là hơn 10.000 NDT (khoảng 35 triệu đồng) mỗi năm. Mỗi năm, phí quản lý và phí sử dụng thang máy lên đến 8.000 NDT (khoảng 28 triệu đồng), còn tiền điện nước thì phải trả riêng. Với các khoản chi phí này, lợi nhuận kỳ vọng từ việc cho thuê nhà gần như bị “bào mòn”. Thay vì thu lời, cô đang đối mặt với nguy cơ lỗ vốn và nhiều rắc rối hành chính đi kèm".

Cô cho biết, trong thông báo đấu giá, đơn vị tổ chức – Công ty TNHH Thanh lý phá sản Trung Phá – có nêu rõ rằng người mua phải tự tìm hiểu về các chi phí phát sinh như điện, nước, phí quản lí… và trực tiếp thương lượng với khách sạn. Tuy nhiên, cô khẳng định không nhận được thông tin cụ thể về chủ sở hữu cũ, và sau khi phát hiện các khoản chi phí bất hợp lý, cô đã liên hệ công ty để hỏi về khả năng đấu giá lại căn hộ.
Trước phản ánh của cô Lưu, đại diện Công ty Trung Phá thừa nhận họ không thể can thiệp vào mức phí quản lý do phía khách sạn quy định. Đơn vị quản lý khách sạn lại cho biết, mức phí có thể khác nhau giữa cư dân địa phương và người ngoài tỉnh, và không có tiêu chuẩn cố định. Vì vậy, người mua phải tự đến khảo sát và hỏi thông tin trước khi đấu giá.
Khi cô Lưu bày tỏ lo ngại có thể bị khách sạn kiện ngược lại, đại diện công ty đấu giá khẳng định: Nếu xảy ra tranh chấp, phía bị kiện sẽ là công ty đấu giá, không phải cá nhân người mua.
Không hài lòng với thái độ thiếu rõ ràng của khách sạn, cô Lưu cho biết hiện tại mình không muốn tiếp tục thương lượng và đang chờ phản hồi chính thức từ phía quản lý khách sạn. Cô cũng cho biết sẽ xem xét các bước pháp lý tiếp theo để bảo vệ quyền lợi của mình.
Câu chuyện của cô Lưu là một lời cảnh tỉnh dành cho những nhà đầu tư bất động sản qua hình thức đấu giá, đặc biệt là khi chưa nắm rõ thông tin, điều kiện kèm theo hoặc các ràng buộc pháp lý. Trong một thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, sự chủ quan có thể khiến một cơ hội đầu tư béo bở trở thành gánh nặng không mong muốn.
(Baidu)