Chuyện xưa: Công tử nhà giàu thành kẻ lang thang
Trong Liêu Trai Chí Dị có một câu chuyện kể về Vương Sinh, một cậu ấm thuộc thế hệ giàu có thứ ba, ông nội cậu là người giàu nhất vùng. Người ta thường nói "giàu không quá ba đời", vì vậy ông nội Vương Sinh từ nhỏ đã rất chú trọng việc dạy dỗ cậu, không chỉ mời thầy giỏi nhất mà còn đích thân chỉ dạy cậu cách thức kinh doanh. Nhưng trời không chiều lòng người, Vương Sinh lớn lên lại trở thành một kẻ ăn chơi trác táng.Sau khi ông nội và cha qua đời, gia đình Vương Sinh sa sút hoàn toàn, cuối cùng phải sống trong một túp lều tranh dưới chân núi.
Một hôm có một bà lão đến, tự xưng là Hồ Ly tinh đã tu luyện thành công. Tổ tiên nhà họ Vương trước đây từng có ơn với bà, nay thấy gia đình sa sút nên bà đặc biệt đến báo đáp. Vương Sinh nghe vậy mừng rỡ khôn xiết, nhưng bà lão không cho cậu vàng bạc châu báu mà nói: "Ta vốn là người ngoài thế tục, nên không có tiền tài gì cho ngươi."
Vương Sinh nghe vậy liền sốt ruột nói: "Bà không cho tôi thứ gì thì làm sao giúp tôi khôi phục gia nghiệp?" Bà lão nói: "Ngươi xem, ngươi hiện còn lại mười lạng bạc cuối cùng, hãy dùng số tiền đó mua một lô vải, rồi vận chuyển đến kinh thành bán, ta đảm bảo ngươi có thể kiếm được nhiều tiền." Vương Sinh bán tín bán nghi nhưng vẫn lấy bạc ra mua vải.
Trước khi đi, bà lão dặn dò Vương Sinh: "Ngươi phải nhớ kỹ 'siêng năng chớ lười biếng, khẩn trương chớ chậm trễ, chậm một ngày, hối hận cũng đã muộn'." Ý muốn nói với Vương Sinh rằng, muốn làm thành việc này thì phải siêng năng chớ lười biếng, phải nhanh chóng chớ chậm trễ, trên đường đi chỉ cần trì hoãn một ngày là hối hận cũng đã muộn.
Nhưng không ai ngờ rằng, vừa đi được nửa đường thì gặp phải một trận mưa như trút nước. Vương Sinh từ nhỏ sống trong nhung lụa, chưa từng trải qua mưa gió như vậy, hơn nữa đường sá lầy lội, khổ sở không nói nên lời. Vì vậy cậu ta tìm một quán rượu, định đợi mưa tạnh rồi tiếp tục lên đường. Vương Sinh nghĩ, ngồi không ở quán rượu cũng chán, dù sao sắp giàu rồi, chi bằng cứ gọi ít rượu ngon món ngon. Kết quả cậu ta uống đến say mèm, khi tỉnh lại thì đã mất cả một ngày. Lúc này mưa đã tạnh từ lâu, Vương Sinh vội vàng lên đường.
Gần đến kinh thành, nghe người ta nói giá vải tăng vọt, trong lòng cậu ta mừng thầm. Nhưng khi đến chợ, cậu mới phát hiện giá vải hôm qua đã giảm xuống một nửa. Thì ra hai ngày trước có hoàng tử lấy vợ, vải vóc trên thị trường đều bị mua hết, sau khi hôn lễ kết thúc, giá vải lập tức giảm mạnh.
Vì vậy, tính cả chi phí trên đường đi, Vương Sinh vừa vặn lỗ hết sạch tiền. Muốn quay về cũng không có tiền lộ phí, hơn nữa cũng không còn mặt mũi gặp lại bà lão Hồ Ly tinh kia, Vương Sinh vừa buồn bực vừa hối hận, chỉ còn cách đi ăn xin. Từ một chàng công tử nhà giàu trở thành kẻ ăn mày lang thang.
Vậy câu chuyện này nói lên đạo lý gì? Chính là có những người dù thông minh, học thức cao nhưng cũng định sẵn không bao giờ làm giàu được.
Mấu chốt không thể làm giàu, chính là câu nói Hồ Ly tinh dặn dò Vương Sinh: "Việc làm giàu 'siêng năng chớ lười biếng, khẩn trương chớ chậm trễ, chậm một ngày, hối hận cũng đã muộn'."
Thành công của một người cần phải có nhiều tố chất, ví dụ như học vấn và trí tuệ, nhưng chỉ có những thứ này thì vô dụng, bởi vì bạn phải cần cù, siêng năng, còn phải biết nắm bắt cơ hội, hành động nhanh chóng.
Chuyện nay: Học sinh cá biệt trở nên giàu có, thành công
Trong thực tế cuộc sống hiện nay, chúng ta gặp không ít những người thành công nhưng xuất phát điểm là những học sinh cá biệt, từng bết bát trong học hành. Hoặc không ít trường hợp, từng là nhân vật mờ nhạt trong lớp, nhưng khi ra đời lại trở thành 'ngôi sao sáng'. Đơn cử như Tỷ phú Richard Branson bỏ học năm 16 tuổi bởi kết quả quá tệ nhưng thực tế hiện nay ông là một tỷ phú lừng danh thế giới. Một điều không thể phủ nhận, điểm số ở trường thực sự không có vai trò lớn, quan trọng nhất. Không ít những đứa trẻ học hành rất bình thường, nhưng lớn lên lại rất thành công, nhờ sự chăm chỉ - nỗ lực - nắm bắt cơ hội.
Các nhà tâm lý học của Viện Liệu pháp Gestalt (Moskva, Nga) đã thực hiện nhiều nghiên cứu để tìm câu trả lời vì sao nhiều học sinh kém lại ra đời thành công hơn học sinh giỏi. Theo họ, những học sinh cá biệt không cần vất vả xây dựng hình tượng giống như học sinh giỏi. Họ không làm mọi thứ một mình. Nếu như, n hiều học sinh giỏi tuân theo quy tắc "Nếu muốn làm xong việc gì đó, hãy tự mình làm lấy". Điều này là do họ đã quen với việc tự thân kiểm soát mọi thứ. Trong khi đó, học sinh cá biệt lại dựa vào sự giúp đỡ, hợp tác cùng người khác để đạt được điều mong muốn.
Khi trưởng thành, mỗi bên vẫn tuân theo những khuôn mẫu này. Trong khi một số người tự vắt kiệt sức mình bằng cách làm nhiều hơn khả năng thực tế thì lại có người san sẻ hay ủy thác nhiệm vụ của họ cho người khác.
Tôi có một người bạn tên Tâm, là học sinh xuất sắc của lớp nhiều năm liền. Một điều tôi nhận thấy rõ ở cậu ấy, là quy tắc bất di bất dịch: "Tôi làm điều này một cách hoàn hảo hoặc không làm gì cả". Sống như vậy rất mệt mỏi, bởi đơn giản là Tâm không thể thành công trong mọi việc. Một lần, cậu ta không đạt giải học sinh giỏi cấp Quốc gia như dự định, Tâm vô cùng suy sụp và chìm đắm rất lâu trong thất bại ấy. Sau này đi làm, cậu chôn vùi sự nghiệp của mình trong bế tắc bởi miệt mài cố gắng chứng minh mình sẽ làm được tốt nhất trong khi rất nhiều cơ hội - sự chuyển biến đã vụt qua.
Trong khi đó, Quang một cậu bạn cùng lớp với Tâm, luôn trong danh sách cá biệt bởi thành tích học tập ì ạch, nhưng sau này, cậu trở thành giám đốc một công ty vật liệu xây dựng nhập khẩu có tiếng ở Hà Nội. Chúng tôi nhận thấy, cậu rất rõ ràng trong việc bày tỏ sự không hứng thú với những thứ cậu cho là vô nghĩa, thay vào đó Quang chỉ tập trung vào những thứ cho là quan trọng, tiềm năng phát triển. Chính sự ưu tiên và sự cọ xát thực chiến trong kinh doanh đã khiến công việc của cậu ngày càng thăng hoa. Quang cũng chia sẻ với chúng tôi rằng, khi bước ra thương trường, bản thân cậu đã va vấp và gặp không ít sai lầm. Nhưng, chẳng sao hết, sai thì sửa, sai thì làm lại - Chính khả năng thích ứng này giúp cậu đương đầu với những biến cố lớn, trong khi với những người vốn tự dựng cho mình cái mác hoàn hảo - thất bại là ngày tận thế.
Thực ra, cuộc đời dài rộng, kiến thức trong sách vở chỉ là một hạt cát nhỏ, muốn xây nên lâu đài lớn cho riêng mình cần biết bao cây đời xanh tươi ngoài kia. Thế nên, tận dụng kiến thức, vận dụng uyển chuyển cùng với sự tập trung, nỗ lực, biết nắm bắt thời cơ mới mong đổi vận.
***
Kết luận:
Người xưa nói "Giàu có không quá ba đời nhưng đạo lý có thể truyền mười đời", điều này có vẻ hơi cường điệu, nhưng thực ra, đó cũng là kinh nghiệm và trí tuệ được tích lũy từ kinh nghiệm sống và hành nghề lâu đời, vẫn có những điều nhất định, câu nói này cũng có ý nghĩa tham khảo.
Có câu: "Vương hầu tương tương, trữ hữu chủng hồ", có ý khuyên răn mọi người rằng: Là Vương Hầu cũng vậy đều không phải trời sinh đã có địa vị cao quý, là người bình thường nhưng biết cố gắng, làm nhiều việc thiện, tích được đại đức thì cũng có thể thay đổi được vận mệnh. Ngược lại, người mà trời sinh đã giàu có sung sướng nhưng nếu chỉ biết phóng túng bản thân, khi hưởng hết phúc rồi thì cũng trở nên nghèo khổ.