Sau khi có con, không ít bậc cha mẹ từng âm thầm tra Google: "Làm sao để con thông minh hơn?".
Trong vô số bài viết về nuôi dạy con, nhiều người ao ước có thể gắn cho con một "bộ tăng tốc trí não". Thực tế, trí thông minh của trẻ phụ thuộc vào hai yếu tố chính: di truyền và sự rèn luyện sau này.
Một nghiên cứu của Đại học Edinburgh (Anh) cho thấy, trong giai đoạn đầu đời, yếu tố gen chiếm khoảng 50% ảnh hưởng đến trí tuệ. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên. Nghĩa là, dù không sở hữu "gen vàng", trẻ vẫn có thể trở nên thông minh hơn nếu được nuôi dưỡng và kích thích đúng cách.
Theo các nhà khoa học thần kinh, não bộ con người có tính linh hoạt và không ngừng thay đổi. Nếu cha mẹ biết cách tác động đúng thời điểm, có thể kích thích sự phát triển của các kết nối thần kinh, từ đó nâng cao khả năng tư duy và học tập ở trẻ.

Ảnh minh hoạ
Dưới đây là 3 phương pháp quan trọng giúp kích hoạt trí não của trẻ, được các chuyên gia khuyến nghị nhưng lại thường bị bỏ qua:
1. Giao tiếp hiệu quả giữa cha mẹ và con
Trẻ thường xuyên được trò chuyện với người lớn sẽ có hoạt động não bộ mạnh mẽ và linh hoạt hơn. Không chỉ nói chuyện nhiều, chất lượng giao tiếp cũng vô cùng quan trọng.
Thay vì chỉ hỏi những câu như "Con học bài chưa?", cha mẹ nên bắt đầu từ sở thích của con. Chẳng hạn, nếu trẻ thích siêu nhân, có thể hỏi: "Con thấy siêu nhân đó giỏi nhất ở điểm nào?". Khi được nói về điều mình hứng thú, trẻ sẽ hào hứng, nói nhiều hơn và từ đó kích hoạt khả năng tư duy, lập luận và ngôn ngữ.
Nhiều nghiên cứu, trong đó có cả từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), khẳng định rằng trò chuyện thường xuyên, có chiều sâu với cha mẹ sẽ giúp trẻ có hoạt động não bộ tích cực hơn, từ đó phát triển tư duy ngôn ngữ, trí nhớ và khả năng giải quyết vấn đề.
2. Học cách xử lý cảm xúc – tiền đề cho tư duy linh hoạt
Nghiên cứu từ Đại học Yale chỉ ra rằng: cảm xúc trong thời thơ ấu ảnh hưởng rõ rệt đến sự phát triển của não bộ. Khi trẻ biết cách nhận diện và điều hòa cảm xúc, khả năng học tập và tiếp thu kiến thức sẽ được tăng cường.
Ví dụ, khi trẻ thất vọng vì đồ chơi hỏng hoặc bài tập làm sai, thay vì trách mắng, cha mẹ nên đồng cảm và giúp trẻ gọi tên cảm xúc: "Con đang buồn, giống như trong người có quả bóng căng tức đúng không?". Việc làm này giúp trẻ học cách kiểm soát cảm xúc, từ đó cải thiện khả năng tập trung và tư duy mạch lạc.
Ngoài ra, có thể chơi cùng trẻ các trò như "đoán cảm xúc" qua nét mặt, hình vẽ – những trò chơi đơn giản nhưng mang lại tác động tích cực đến não bộ, giúp trẻ hiểu và làm chủ bản thân tốt hơn.
3. Vận động thể chất – nhiên liệu cho trí não phát triển
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, vận động thường xuyên giúp tăng cường kết nối thần kinh trong não, từ đó nâng cao trí nhớ, khả năng sáng tạo và mức độ tập trung ở trẻ.
Trẻ được vận động đều đặn thường năng động hơn, khỏe mạnh và học nhanh hơn. Dù là chơi nhảy dây, đạp xe, đá bóng hay chỉ đơn giản là đi bộ nhanh, việc "động tay động chân" mỗi ngày sẽ giúp não tiết ra endorphin – hormone giúp cải thiện tâm trạng và tăng hiệu quả học tập.
Không cần đến những bài tập phức tạp, chỉ cần khoảng 30 phút vận động mỗi ngày là đủ để mang lại hiệu quả tích cực cho cả thể chất lẫn trí tuệ của trẻ.
Không có đứa trẻ nào sinh ra đã là thiên tài. Nhưng nếu cha mẹ biết tận dụng giai đoạn "vàng" của sự phát triển não bộ, trẻ sẽ có cơ hội bứt phá ngoạn mục.
Hãy thường xuyên trò chuyện với con bằng ngôn ngữ tích cực, giúp con học cách làm chủ cảm xúc, và duy trì hoạt động thể chất hàng ngày – ba yếu tố tưởng như nhỏ bé nhưng chính là "chìa khóa vàng" để giúp trẻ thông minh hơn mỗi ngày.