Tăng huyết áp là một bệnh lý phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không được kiểm soát đúng cách. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ, suy tim, tổn thương thận hoặc thị lực.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tăng huyết áp có thể là dấu hiệu cảnh báo một rối loạn sâu xa bên trong cơ thể, chẳng hạn như trường hợp dưới đây của anh H.M.N, 34 tuổi.
Anh N vốn là người khỏe mạnh, không có tiền sử mắc bệnh lý nền. Tuy nhiên, cách đây khoảng hai tuần, anh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sốt, đau đầu và chảy nước mũi. Khi đi khám tại bệnh viện địa phương, anh được chẩn đoán mắc cúm B. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ phát hiện huyết áp của anh tăng cao bất thường, lên tới 190/110 mmHg. Anh được kê đơn thuốc hạ huyết áp và cho điều trị tại nhà, tuy nhiên huyết áp vẫn duy trì ở mức cao, dao động từ 160/90 đến 180/90 mmHg.
Không yên tâm với tình trạng trên, anh N tiếp tục đi khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận anh N có huyết áp cao kèm nhịp tim nhanh. Bác sĩ nghi ngờ anh N có bệnh lý nội khoa sâu xa nên anh được chuyển đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương – nơi chuyên điều trị các bệnh lý rối loạn nội tiết – chuyển hóa.
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, anh N được tiến hành thăm khám chuyên sâu và thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Kết quả xét nghiệm máu kết hợp với hình ảnh CT ổ bụng cho thấy anh N có một khối u kích thước 5cm nằm ở tuyến thượng thận trái. Đặc điểm của khối u phù hợp với u tủy thượng thận – một loại u hiếm gặp - có khả năng tiết hormone gây tăng huyết áp đột ngột và khó kiểm soát.

U tuyến thượng thận gây tăng huyết áp. (Ảnh minh hoạ)
Ngay sau khi xác định được nguyên nhân, các bác sĩ đã lập kế hoạch điều trị chặt chẽ, sử dụng thuốc để kiểm soát huyết áp và ổn định tình trạng tim mạch trước phẫu thuật. Sau hai ngày điều trị nội khoa tích cực, huyết áp của anh N đã ổn định, triệu chứng đau đầu giảm hẳn. Bệnh nhân sau đó được hội chẩn liên chuyên khoa và chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u thượng thận trái.
Sau phẫu thuật, anh N hoàn toàn không còn cần sử dụng thuốc hạ huyết áp nữa.
Trường hợp của anh N là một lời cảnh tỉnh quan trọng, đặc biệt với những người trẻ tuổi bị tăng huyết áp kéo dài. Không phải lúc nào tình trạng tăng huyết áp cũng là biểu hiện của bệnh lý tim mạch đơn thuần. Khi huyết áp không được kiểm soát ổn định dù đã dùng thuốc, người bệnh cần nghĩ đến khả năng có nguyên nhân khác tiềm ẩn, đặc biệt là các rối loạn nội tiết như u tuyến thượng thận – một căn bệnh hiếm gặp nhưng có thể điều trị dứt điểm nếu được phát hiện kịp thời.
Trường hợp của anh N cho thấy việc thăm khám chuyên sâu đúng lúc không chỉ giúp phát hiện đúng bệnh mà còn ngăn ngừa được những biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc suy thận – vốn là hậu quả thường thấy của tăng huyết áp không kiểm soát.
Qua trường hợp của anh N bác sĩ khuyến cáo, người dân không chủ quan với tăng huyết áp – đặc biệt ở người trẻ tuổi. Nếu có dấu hiệu bất thường hoặc huyết áp không ổn định dù đã điều trị, hãy đi khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân chính xác Phát hiện bệnh sớm giúp tăng hiệu quả điều trị và đảm bảo sức khỏe cho người dân.