Theo Sohu, gần đây, phán quyết của tòa án về vụ tranh chấp tiền tiết kiệm ngân hàng xảy ra tại Hàng Châu, Trung Quốc đã thu hút sự chú ý và thảo luận rộng rãi trên mạng xã hội nước này.
Theo đó, đầu năm 2023, ông Vương đã đến một ngân hàng ở Hàng Châu để gửi tiết kiệm số tiền 5 triệu NDT (khoảng 17,3 tỷ đồng) sau một thời gian dài tích góp. Nhân viên giao dịch tên Tiểu Trương đã tiếp đón ông và giới thiệu hàng loạt những sản phẩm tài chính cho lãi suất hấp dẫn. Tuy nhiên, ông khá tỉnh táo và khẳng định rõ ràng chỉ muốn gửi tiết kiệm có kỳ hạn 1 năm vì sẽ có kế hoạch mua nhà cho con trai trong tương lai.
Theo yêu cầu của khách hàng, nam giao dịch làm thủ tục và giải thích chi tiết các thông tin như số tiền gửi, kỳ hạn và lãi suất khi đưa chứng chỉ tiền gửi cho ông Vương. Đồng thời, người này cũng cho biết sau 1 năm đến rút, ông sẽ nhận được khoản lãi tương ứng là 151.000 NDT. Người đàn ông này đã kiểm tra cẩn thận thông tin trên giấy chứng nhận tiền gửi và lưu giữ cẩn thận sau khi xác nhận thông tin là chính xác.
Tuy nhiên, cho đến năm 2024, sau đúng 1 năm gửi tiền, nam khách hàng này quay trở lại ngân hàng để rút tiền thì bất ngờ nhận được thông tin sẽ không được hoàn trả số tiền này. Người đại diện ngân hàng cho biết Tiểu Trương - người làm thủ tục gửi tiền cho ông năm đó đã bị cảnh sát bắt giữ vì lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để chiếm đoạt số tiền của khách hàng. Vì đây là hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân nam nhân viên nên ngân hàng từ chối chịu trách nhiệm.
![Người đàn ông gửi tiết kiệm 17 tỷ đồng, sau 1 năm đến rút, ngân hàng từ chối trả tiền, khẳng định: Nhân viên đã chiếm đoạt nên họ không có trách nhiệm- Ảnh 1. Người đàn ông gửi tiết kiệm 17 tỷ đồng, sau 1 năm đến rút, ngân hàng từ chối trả tiền, khẳng định: Nhân viên đã chiếm đoạt nên họ không có trách nhiệm- Ảnh 1.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/6/untitled4-1738848006481-17388480072771167837406.jpg)
Sau nhiều lần đàm phán không thành công, ông Vương quyết định khởi kiện ngân hàng ra tòa án địa phương, yêu cầu hoàn trả lại số tiền gốc 5 triệu NDT cùng khoản lãi tương ứng. Đồng thời, người này buộc phía ngân hàng phải chịu toàn bộ số tiền phát sinh trong quá trình ông đòi lại công bằng.
Thẩm phán giải quyết vụ việc này cho biết tranh chấp cốt lõi trong trường hợp này là ngân hàng có phải chịu trách nhiệm bồi thường cho hành vi vi phạm pháp luật của nhân viên hay không?
Khi xem xét vụ việc, toà án nhận định Tiểu Trương đã lợi dụng chức vụ của mình tại ngân hàng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Thẩm phán xét thấy hành này xảy ra tại cơ sở kinh doanh của ngân hàng và sử dụng giấy chứng nhận và con dấu của ngân hàng nên được xem là hành vi thuộc phạm vi nhiệm vụ công vụ. Đồng thời, toà án chỉ ra rằng ngân hàng đã giám sát yếu kém trong việc quản lý nhân viên nên không ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật. Chính vì thế ngân hàng phải chịu trách nhiệm trong việc bồi thường toàn bộ số tiền gốc là 5 triệu NDT cho ông Vương. Đồng thời nhà băng này phải tuân thủ việc trả lãi theo như thoả thuận là 151.000 NDT.
Cảm thấy không hài lòng với phán quyết của tòa án sơ thẩm, người đại diện ngân hàng tiếp tục kháng cáo. Tuy nhiên, tòa án cấp cao vẫn giữ nguyên bản án ban đầu.
Theo Sohu, bản án trong vụ việc này có ý nghĩa quan trọng Nó không chỉ làm rõ trách nhiệm của ngân hàng đối với hành vi vi phạm pháp luật của nhân viên mà còn là bằng chứng chứng minh cho việc luật pháp có thể bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng tài chính. Vụ việc này còn nhắc nhở tất cả các tổ chức tài chính cần tăng cường quản lý kiểm soát nội bộ, hoàn thiện cơ chế phòng ngừa rủi ro và quan tâm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
(Theo Sohu)