Người đàn ông mua bảo hiểm 3,3 tỷ đồng cho con, 7 năm sau cần tiền đi rút thì được thông báo: “Chỉ giải ngân khi con anh mất”

Sau 7 năm mua bảo hiểm, người đàn ông Trung Quốc tá hỏa khi biết sự thật đằng sau.

Theo Sohu, năm 2024, sau khi vợ sinh con gái, anh Kim – một người cha ở Hàng Châu, Trung Quốc, bắt đầu quan tâm đến việc mua bảo hiểm cho thiên thần của mình. Ban đầu, chi phí bảo hiểm cao khiến anh Kim lưỡng lự. Tuy nhiên, những lời giới thiệu đầy hấp dẫn từ nhân viên bán bảo hiểm đã nhanh chóng xua tan mọi nghi ngại. 

“Chỉ cần đóng phí đóng 92.000 NDT/ năm, tức 920.000 NDT (hơn 3,3 tỷ đồng) trong 10 năm, thì từ năm thứ 4, anh đã có thể nhận cổ tức. Khi đáo hạn, cả tiền gốc và lãi sẽ thuộc về gia đình, không thiếu một xu!”, nhân viên này cho biết.

Người này khẳng định rằng sau khi kết thúc hợp đồng, toàn bộ tiền gốc và lợi nhuận sẽ được thanh toán, quy trình yêu cầu quyền lợi cũng được miêu tả là “linh hoạt và thuận tiện”. Vì tin tưởng người này tuyệt đối, anh Kim đã đồng ý mua gói bảo hiểm nói trên.

Thế nhưng 7 năm sau, khi cần gấp tiền cho việc riêng, người đàn ông này đến công ty bảo hiểm để yêu cầu rút tiền thì được thông báo rằng anh chỉ có thể nhận tiền khi con gái qua đời. Nếu anh Kim muốn rút trước, việc này sẽ bị xem là đơn phương hủy hợp đồng, và khoản tiền nhận được chỉ là tiền hoàn lại, không đáng bao nhiêu.

Sự việc này xảy ra khiến niềm tin của anh Kim vào việc mua bảo hiểm đã sụt giảm nghiêm trọng. Theo người đàn ông này, vấn đề nằm ở cách mà nhân viên bán bảo hiểm tiếp thị sản phẩm. Họ giới thiệu đây là một hình thức tiết kiệm có lợi, che giấu bản chất thật sự của sản phẩm – vốn là bảo hiểm tử vong mang tính ràng buộc rất cao. 

Cảm thấy mình bị lừa, anh Kim quyết định chia sẻ vụ việc này trên mạng xã hội để cảnh báo các bậc phụ huynh khác không rơi vào hoàn cảnh tương tự. Vụ việc ngay lập tức gây xôn xao dư luận khiến đại diện Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc – chi nhánh Hàng Châu – đã cử người đến làm việc trực tiếp và tiến hành điều tra.

Người đàn ông mua bảo hiểm 3,3 tỷ đồng cho con, 7 năm sau cần tiền đi rút thì được thông báo: “Chỉ giải ngân khi con anh mất”- Ảnh 1.

Ảnh: Sohu

Theo thông tin trên website chính thức của công ty bảo hiểm,  sản phẩm mà anh Kim mua có tên “Bảo hiểm niên kim China Life – Phiên bản Hạnh phúc Tối ưu”. Trong phần mô tả quyền lợi, sản phẩm nêu rõ: sau khi hoàn tất 10 năm đóng phí, khách hàng sẽ được hưởng trợ cấp chăm sóc sức khỏe, còn nếu người được bảo hiểm qua đời thì sẽ được chi trả quyền lợi tử vong một lần. Không có tùy chọn rút tiền trong thời gian sống như lời nhân viên đã nói. 

Dựa vào các chi tiết được tiết lộ, có khả năng nhân viên bán hàng đã cung cấp thông tin sai lệch hoặc phóng đại quyền lợi của sản phẩm. Điều này vi phạm Điều 131 của Luật Bảo hiểm Trung Quốc, quy định rõ rằng nhân viên bảo hiểm phải trình bày trung thực về sản phẩm, không được phép che giấu hay lừa dối khách hàng. Nếu anh Kim có thể cung cấp bằng chứng về việc bị tư vấn sai lệch, anh hoàn toàn có thể yêu cầu công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Cũng theo Điều 15 của “Luật Bảo hiểm Trung Quốc” hiện hành, bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng sau khi đã ký kết, tuy nhiên việc hoàn trả phí phải dựa trên các điều khoản đã thỏa thuận. Có thể thấy anh Kim hoàn toàn có quyền chấm dứt hợp đồng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc hoàn trả cụ thể bao nhiêu cần dựa vào các điều khoản hợp đồng và quy định liên quan. Nếu phát hiện có hành vi gian lận trong tư vấn, công ty bảo hiểm có thể buộc phải hoàn trả toàn bộ khoản phí đã thu.

Dù kết quả của vụ việc không được công bố, song trường hợp trên cũng là hồi chuông cảnh báo cho người tiêu dùng Trung Quốc: cần hết sức thận trọng khi mua bảo hiểm; không nên tin tưởng tuyệt đối vào những lời mật ngọt của nhân viên tư vấn; yêu cầu hợp đồng chính thức có đóng dấu đỏ của công ty bảo hiểm; đọc kỹ mọi điều khoản và điều kiện. Nếu có điểm nào chưa rõ, người mua nên tham khảo ý kiến những người có kinh nghiệm hoặc chuyên gia. Đồng thời, trang bị kiến thức về pháp luật và các quy định liên quan cũng là cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân.

 (Theo Sohu)