Người đàn ông nhặt được 18 triệu đồng liền trả lại, mấy ngày sau bị người đánh rơi khởi kiện, tòa án tuyên bố: Anh phải trả thêm 51 triệu đồng

Có lòng tốt nhặt được của rơi trả lại người mất, nhưng người đàn ông Trung Quốc không ngờ mình lại vướng phải kiện tụng và phải liên tục ra hầu tòa.

Năm 2023, trên đường đi làm về, người đàn ông họ Hoàng sống ở Tất Tiết, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc nhặt được 5.350 NDT (khoảng 18,6 triệu đồng). Sau đó, anh Hoàng trả lại cho người mất tiền thông qua sự hỗ trợ của cảnh sát địa phương. Không ngờ vài ngày sau, người mất tiền họ Vương lại tìm đến bảo rằng thực tế mình bị đánh rơi 20.000 NDT (khoảng 69,7 triệu đồng) và yêu cầu anh Hoàng trả lại 14.650 NDT (khoảng 51,1 triệu đồng). Điều này khiến anh Hoàng vô cùng bàng hoàng. Thậm chí đối phương còn đòi khởi kiện nếu anh không trả đủ tiền.

Cụ thể, theo lời ông Vương, 64 tuổi, vào ngày xảy ra vụ việc, ông đã rút 40.000 NDT (khoảng 139,5 triệu đồng) từ ngân hàng rồi bắt xe khách về nhà. Khi đi qua khu vực anh Hoàng sinh sống, ông Vương đã vô tình làm rơi nhiều cọc tiền xuống đường trong lúc nhường chỗ cho các hành khách khác xuống xe.

Khi phát hiện ra bị mất tiền, ông Vương đã ngay lập tức gọi điện báo cảnh sát. Sau khi kiểm tra camera an ninh bên đường, cảnh sát xác định người nhặt được tiền của ông Vương vào thời điểm đó đó là người đàn ông 28 tuổi họ Hoàng. Nhận được cuộc gọi của cảnh sát, anh Hoàng xác nhận mình chỉ nhặt được 5.350 NDT (khoảng 18,6 triệu đồng) trên đường và đồng ý trả lại tất cả cho người mất.

Những tưởng mọi việc đã giải quyết ổn thỏa, nhưng vài ngày sau ông Vương lại nói rằng đã mất 20.000 NDT và yêu cầu anh Hoàng trả lại 14.650 NDT như đã nói ở trên. Về phía anh Hoàng, anh vẫn khẳng định bản thân chỉ nhặt được đúng 5.350 NDT và từ chối trả thêm. Hơn nữa ngày trả lại tiền, ông Vương cũng không hề đề cập đến việc mình đã mất 20.000 NDT. Vì vậy, anh Hoàng cho rằng mình đang bị người mất tiền tống tiền.

Sự việc rơi vào bế tắc vì không bên nào chịu nhượng bộ. Sau đó, ông Vương đã báo cảnh sát và còn có đến 3 nhân chứng đồng ý làm chứng về vụ việc. Theo báo cáo, thời điểm đó 3 nhân chứng ngồi trên xe khách và chứng kiến anh Hoàng nhặt được số tiền mà ông Vương đánh rơi. Mặc dù vậy, anh Hoàng vẫn không chịu trả số tiền mà bản thân anh khẳng định mình không hề lấy. Cuối cùng, ông Vương đệ đơn lên tòa án địa phương tại Tất Tiết, tỉnh Quý Châu, yêu cầu anh Hoàng hoàn trả 14.650 NDT (khoảng 51,1 triệu đồng).

Sau khi thụ lý vụ án, tòa sơ thẩm phán quyết rằng việc anh Hoàng nhặt được 20.000 NDT (khoảng 69,7 triệu đồng) được xác nhận thông qua lời khai của ba nhân chứng và các bằng chứng khác. Vì vậy, anh buộc phải hoàn trả lại đầy đủ số tiền mà ông Vương đã đánh rơi. Anh Hoàng rất thất vọng về kết quả này nên đã quyết định nộp đơn kháng cáo.

Người đàn ông nhặt được 18 triệu đồng liền trả lại, mấy ngày sau bị người đánh rơi khởi kiện, tòa án tuyên bố: Anh phải trả thêm 51 triệu đồng- Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Sau khi thu thập chứng cứ và Trong đơn kháng cáo của anh Hoàng chỉ ra rõ các điểm nghi vấn về vụ việc:

Đầu tiên, 3 nhân chứng đều là họ hàng của người mất tiền, tức ông Vương, nên giá trị bằng chứng mà họ đưa ra vẫn còn nhiều nghi vấn. Ngoài ra, lời khai của 3 người kia đều giống hệt nhau đến mức bất thường. Do đó, lời khai của 3 nhân chứng tại đồn cảnh sát không thể được tòa án chấp nhận làm chứng cứ.

Cụ thể trong trường hợp này, mặc dù 3 nhân chứng xác định anh Hoàng là người nhặt được toàn bộ số tiền của ông Vương, nhưng nội dung lời khai của họ trong biên bản tại đồn cảnh sát và tại phiên tòa sơ thẩm đều giống hệt, thậm chí không có sự khác biệt trong các dấu câu.

Đồng thời, đã hơn 9 ngày kể từ khi chủ sở hữu mất tiền, nhưng ký ức về vụ việc của ông Vương và các nhân chứng hoàn toàn giống nhau, dấy lên nhiều nghi vấn. Ngoài ra, luật sư cho rằng, góc độ mà các nhân chứng nhìn thấy anh Hoàng nhặt tiền trên xe là khác nhau, nên việc lời khai nhất quán là không hợp lý.

Tiếp theo, khi ông Vương đánh rơi tiền, cho dù số tiền bị rơi thực sự là 20.000 NDT cũng không loại trừ khả năng còn có người khác nhặt được ngoài anh Hoàng. Đồng thời, khi anh Hoàng trả lại tiền, ông Vương không hề phản đối nhưng nhiều ngày sau lại bất ngờ đưa ra lời tố cáo.

Theo điều 87 của Bộ luật chứng cứ dân sự tại Trung Quốc, thẩm phán có thể xem xét và tính chân thực của chứng cứ từ các khía cạnh sau: Chứng cứ đó có phải là tài liệu gốc hay sao y bản gốc hay không; bằng chứng có liên quan đến sự kiện của vụ án hay không; hình thức và nguồn gốc của bằng chứng có tuân thủ pháp luật hay không và nhân chứng hoặc người cung cấp bằng chứng có bất kỳ lợi ích nào đối với các bên liên quan hay không.

Căn cứ vào những quy định và phân tích nêu trên, biên bản thẩm vấn và lời khai của ba nhân chứng đã được tòa án phúc thẩm xác định là không đúng sự thật. Do đó, chúng không thể là cơ sở để đưa ra quyết định cuối cùng. Dựa trên kết quả phúc thẩm, tòa án đã xác định rằng ông Vương không chứng minh được số tiền mình đã làm rơi thực sự là bao nhiêu, vì vậy cáo buộc của ông đối với anh Hoàng không được chấp thuận. Tòa án sau đó đã sửa lại bản án và bác đơn kiện của ông Vương. Đồng thời, anh Hoàng cũng không cần phải trả lại số tiền 14.650 NDT mà ông Vương yêu cầu.

(Theo 163 news)