Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao: Đề nghị các quốc gia khác tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam

Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 để thực thi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 21/11, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã trả lời câu hỏi về việc Tổng thống Philippines gần đây ký ban hành Luật Vùng biển và Luật Đường biển của quần đảo; còn Trung Quốc công bố tên gọi tiêu chuẩn một phần các đảo, rạn san hô, bao gồm 64 cấu trúc ở Biển Đông.

Theo bà Hằng, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Người Phát ngôn khẳng định, Việt Nam tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển trong việc ban hành nội luật và các quy định liên quan đến biển, phù hợp UNCLOS 1982.

Đồng thời, Việt Nam cũng đề nghị các quốc gia khác tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa và các quyền của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao: Đề nghị các quốc gia khác tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam- Ảnh 1.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng.

"Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 để thực thi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích chính đáng trên các vùng biển của mình", bà Hằng khẳng định.

Người Phát ngôn cũng cho biết, Việt Nam sẵn sàng cùng các bên giải quyết các tranh chấp bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

 Không có chuyện siết chặt thị thực với người nước ngoài 

Trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài về những thay đổi trong chính sách visa của Việt Nam gần đây và việc kiểm soát với người nước ngoài tại Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng cho biết chủ trương nhất quán của Việt Nam là luôn tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam và qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Chủ tịch nước nói về "cửa ngõ đến vùng đất của cơ hội" cho Việt Nam và doanh nghiệp APECTổng Bí thư Tô Lâm: Nếu không tinh gọn bộ máy sẽ không phát triển được

Ngày 15/8/2023, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã có hiệu lực.

Luật này có nhiều nội dung tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài đến Việt Nam với mục đích học tập, làm việc, đầu tư, tìm hiểu thị trường và du lịch phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.

Những thông tin cho rằng Việt Nam tăng cường kiểm soát, siết chặt chính sách thị thực với người nước ngoài là hoàn toàn không có cơ sở.

Với câu hỏi của phóng viên về số lượng công dân Trung Quốc hiện đang có mặt tại Bắc Ninh cũng như miền Bắc, bà Hằng cho biết Bộ Ngoại giao sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng và sẽ trả lời sau.